(HNM) - Với tầm vóc, ý nghĩa, những giá trị lịch sử to lớn, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như một bản hùng ca bất hủ.
Thiếu tướng Bùi Nam Hà, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 - đơn vị đã trực tiếp đánh nhiều trận tại chiến dịch, tự hào: Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Điều đó được thể hiện trên cả ba lĩnh vực là chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Đặc điểm nổi bật nhất là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về quân số, hỏa lực, sức cơ động cao.
Bộ đội ta kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam được sử dụng trong chiến dịch còn được Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn, Tư lệnh Binh chủng pháo binh phân tích: "Để đi tới Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ủy mặt trận và cá nhân Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, mưu lược tuyệt vời đã giải quyết thành công những vấn đề có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch. Đặc biệt là "quyết định khó khăn nhất" của Đại tướng, khi chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Cũng nói về những nét nổi bật trong tư duy quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng Tham mưu đã khẳng định: "Đó là trình độ nghiên cứu và phân tích sâu về địch, xem xét thật khách quan những chỗ mạnh và chỗ yếu của chúng, đối chiếu với những chỗ mạnh, chỗ yếu thực chất của các đơn vị tham gia Chiến dịch, lấy đó làm cơ sở để tính toán thật cụ thể, khoa học kế hoạch tấn công tiêu diệt quân địch; chủ động nghiên cứu thật kỹ mọi tình huống, kể cả những tình huống khó khăn cho ta, không chủ quan, không ảo tưởng để không bị bất ngờ…".
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ còn thể hiện rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc "cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức", "tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Chiến dịch đã huy động lên tới gần 10 vạn người, gồm bộ đội, dân công và lực lượng khác. Trong những ngày đêm gian khổ, khó khăn ở mặt trận Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công đã kề vai, sát cánh chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Để chuẩn bị cho Chiến dịch, nhờ quyết tâm và lòng dũng cảm, sự gắn bó keo sơn của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, bộ đội công binh ngày đêm lao động nên chỉ trong hơn ba tháng (từ tháng 12-1953 đến đầu tháng 3-1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở các đường số 41, số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ - là những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, tổng cộng khoảng 300km. Đó còn là sự gắn bó, đồng cam, cộng khổ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, những ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" của bộ đội và nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
Với tinh thần tất cả dồn sức cho Điện Biên Phủ, nhân dân các địa phương đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, hàng nghìn xe thô sơ, ngựa, thuyền... Đồng bào Tây Bắc nhiều nơi đã giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch, để bộ đội ăn no, đánh thắng. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo ban đêm nuôi bộ đội, điều mà trước đó phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh khái quát: "Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu trước đây (nay là hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ, của cải vì mục tiêu chiến thắng, giải phóng đất nước, quê hương khỏi ách xâm lược; góp phần trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ".
Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, "đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc". Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định: 60 năm qua, những bài học từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị. Những bài học đó đã được nghiên cứu, tổng kết, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều bài học rút ra từ Chiến thắng Điện Biên Phủ rất bổ ích không chỉ cho thời chiến mà cả cho thời bình, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.