Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật kiên cường

Giang Nguyễn| 07/05/2020 14:46

(HNMCT) - Nghệ thuật kiên cường (ResiliArt) là tên một chiến dịch do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khởi xướng với sự tham gia của các nghệ sĩ trên toàn cầu nhưng cũng là tinh thần mà mỗi người đều có thể cảm nhận ở thế giới nghệ thuật trong những ngày qua.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia hòa nhạc trực tuyến One world: Together at home.

Vượt qua trở ngại

Giữa tháng 4-2020, nhân Ngày Nghệ thuật thế giới (15-4), UNESCO đã khởi động chiến dịch ResiliArt (nghệ thuật kiên cường) trên toàn cầu. Mục đích của chiến dịch là tôn vinh sức mạnh của sáng tạo văn hóa trong bối cảnh khủng hoảng dịch Covid-19. Nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo được khuyến khích tham gia chiến dịch này để lan tỏa những thông điệp cùng câu chuyện và hình ảnh của họ.

Theo UNESCO, một mặt, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thương to lớn đối với ngành công nghiệp văn hóa. Hơn 80% di sản thế giới được UNESCO công nhận đã phải trì hoãn việc tổ chức nhiều sự kiện hoặc đóng cửa, gây tổn thất to lớn cho chuỗi hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Các tổ chức và cơ sở văn hóa, gồm bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim đang mất doanh thu mỗi ngày và nhiều nhân viên đã buộc phải nghỉ việc bởi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, đe dọa sức khỏe và thậm chí là tính mạng của nhiều người.

Ngành công nghiệp văn hóa đang trải qua những ngày khủng hoảng do đại dịch. Nhưng mặt khác, Covid-19 đã khiến thế giới trở nên gần hơn và những trở ngại dường như được xóa bỏ nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa. Những tháng qua, bất chấp cuộc khủng hoảng chưa từng thấy bởi đại dịch Covid-19, công chúng yêu nghệ thuật trên toàn thế giới vẫn liên tục được thưởng thức những bữa tiệc nghệ thuật đỉnh cao và hoàn toàn miễn phí.

Trước đây, đã có nhiều sự kiện mang tính kết nối toàn thế giới với sự tham gia của nghệ sĩ ở khắp các châu lục, nhưng có lẽ chưa bao giờ ngôi nhà của mỗi người lại là sân khấu chính của các nghệ sĩ như trong thời gian vừa qua. Không thể kể hết những buổi biểu diễn không có khán giả đã được tổ chức như vậy trên khắp thế giới. Không màu mè, không chiêu trò gây sốc, nghệ sĩ đến với khán giả bằng sự đồng cảm, sẻ chia chân thành.

Những lo ngại về chất lượng nghệ thuật cũng được gạt sang một bên. Yếu tố tương tác, những thông điệp giàu tính nhân văn được truyền đạt mới là điều được công chúng quan tâm hàng đầu chứ không phải chất lượng âm thanh, hình ảnh hay các yếu tố đường truyền. Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử, giải Oscar lần thứ 93 cho phép một ngoại lệ: Những phim được phát trên các dịch vụ trực tuyến thương mại hoặc dịch vụ xem truyền hình theo yêu cầu (VOD) cũng được phép tranh giải hạng mục Phim hay nhất (Best Picture) ở mùa giải Oscar 2021 (dự kiến diễn ra ngày 28-2-2021). Điều này khuyến khích các nhà làm phim tiếp tục đưa tác phẩm của mình lên mạng để đáp ứng nhu cầu giải trí chất lượng cao của công chúng ngay cả trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Văn hóa là cội nguồn kết nối

Đúng như UNESCO nhận định, nghệ thuật đồng nghĩa với sự kiên cường. Trong chính cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 trên toàn cầu, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Hàng tỷ người đã tìm tới văn hóa như nguồn cội của sự an ủi và kết nối. Từ những cửa sổ và ban công, từ mọi người dân đang sống trong lệnh phong tỏa được áp dụng trên toàn bộ đất nước, những bài hát và điệu nhạc bỗng vang lên. Văn hóa, nghệ thuật và sự sáng tạo gắn kết chúng ta. Những bộ phim, tác phẩm hội họa và nghệ thuật điêu khắc khiến chúng ta thoải mái và giải tỏa cảm xúc, mang tới cho ta sức mạnh và sự can đảm. Chúng ta hoàn toàn có thể tự do thể hiện bản thân và duy trì sự kết nối với xã hội, kể cả khi xung quanh ta chỉ là bốn bức tường.

Trong số các sự kiện đáng chú ý diễn ra trong thời gian qua, không thể không nhắc tới chương trình hòa nhạc trực tuyến One world: Together at home (Một thế giới: Cùng nhau ở nhà) được tổ chức vào ngày 19-4. Chương trình nhằm gây quỹ ủng hộ những người đang ở nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được khởi xướng bởi nữ ca sĩ Lady Gaga và Tổ chức chống nghèo đói Global Citizen, đã trở thành một sự kiện mang tính lịch sử của âm nhạc thế giới. Gần 100 nghệ sĩ cùng những người nổi tiếng đã tham gia chương trình như: Oprah Winfrey, Paul McCartney, Elton John, Céline Dion, Alicia Keys, Jennifer Lopez, Billie Eilish, Camila Cabello, Taylor Swift, cựu ngôi sao bóng đá Anh David Beckham...

Trong vòng 8 giờ, 89 tiết mục đã được giới thiệu tới công chúng, trong đó có những màn trình diễn được ghi hình trước và các tiết mục trình diễn trực tiếp tại nhà riêng của các nghệ sĩ. Buổi biểu diễn đã truyền đi cảm hứng, những hình ảnh, câu chuyện chống dịch xúc động trên khắp thế giới tới hơn 18 triệu khán giả theo dõi trực tiếp ở hơn 30 quốc gia. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới nhận định, những sự kiện như One world: Together at home là minh chứng rõ ràng nhất cho ý thức trách nhiệm đáng trân trọng của những người nghệ sĩ trên khắp thế giới.

Dịch bệnh không chừa một ai, thay vì chờ đợi trong lo lắng và sợ hãi, các nghệ sĩ đã tìm cách kết nối với nhau, biến nghệ thuật trở thành công cụ để truyền đi những thông điệp tích cực, giúp cả thế giới gắn kết bằng niềm tin. Rõ ràng, sức mạnh của nghệ thuật là một chân lý không thể chối cãi, và những người nghệ sĩ tích cực trong lúc này, họ thực sự là những chiến binh đáng được vinh danh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật kiên cường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.