(HNMCT) - Kết quả khảo sát do tổ chức Americans For The Arts thực hiện cho thấy, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật công cộng, là một trong những yếu tố có ảnh hưởng hàng đầu đến quá trình lựa chọn điểm đến của du khách. Ngoài việc tái hiện giá trị văn hóa hay lịch sử gắn liền với một địa phương, chính sự phóng khoáng, cởi mở và mang tính đại chúng của nghệ thuật công cộng là điều lôi cuốn người xem, tạo dấu ấn với khách tham quan.
Trong một bài viết được đăng trên trang B.R Howard, khoảng 35 triệu người trên thế giới cho rằng, những di sản nghệ thuật, văn hóa liên quan đến các sự kiện ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến cho chuyến đi của họ.
Trên thực tế, những năm gần đây, khi quá trình hội nhập và giao lưu diễn ra mạnh mẽ, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật công cộng nói riêng đã phá vỡ những rào cản ngôn ngữ, văn hóa để con người xích lại gần nhau. Nhờ đó, du khách có thể cảm nhận được phần nào giá trị tâm hồn của cộng đồng nơi đến thông qua các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Theo Hiệp hội Nghệ thuật công cộng Mỹ, nghệ thuật công cộng giúp cụ thể hóa giá trị văn hóa nơi đến, đồng thời đem lại cho du khách những cảm nhận riêng, không lẫn với bất cứ đâu, biến điểm đến trở thành nơi không chỉ tham quan bằng mắt mà bằng tất cả các giác quan, kể cả cảm xúc và tâm hồn. Đó là điều khiến cho giá trị của điểm đến càng được nâng cao.
Trong số các tác phẩm nghệ thuật công cộng thu hút khách du lịch, phải kể đến WaterFire của nghệ sĩ Barnaby Evans tại thành phố Providence, thuộc đảo Rhode (Mỹ). Đây là công trình nghệ thuật được sắp đặt bởi gần 100 ngọn đuốc thắp sáng 3 con sông chính chảy qua Providence. Được hoàn thành vào năm 1994, WaterFire không chỉ mang lại vẻ lung linh cho thị trấn khi đêm xuống mà còn giúp du khách thư giãn thông qua mùi khói tỏa ra của gỗ thông, gỗ tuyết tùng được đốt cháy, hòa cùng các điệu nhạc du dương. Nhiều người cho rằng WaterFire tạo ra cảm xúc nhờ vẻ đặc biệt của không gian. Điều này đã thu hút khoảng 350.000 khách du lịch tới Providence mỗi năm. Du khách đến tham quan WaterFire hoàn toàn được miễn phí, nhưng việc sử dụng những dịch vụ và hàng hóa tại đây đã mang về cho địa phương khoảng 4 triệu USD/ năm.
Nghệ thuật công cộng còn khơi gợi giá trị nhân văn hay nét văn hóa - lịch sử đặc trưng riêng của địa phương. Bên cạnh sự độc đáo, sáng tạo, tác phẩm còn phản chiếu đời sống văn hóa - xã hội, giá trị tinh thần hay sự hồi tưởng về sự kiện. Tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi được xây dựng trên đồi Mamayev Kurgan ở Volgagrad (Nga) cũng là ví dụ về một điểm đến thu hút du khách. Tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc Yevgeny Vuchetich hoàn thành vào năm 1967 để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Với chiều cao 85m, nặng 8.000 tấn, tại thời điểm khánh thành, đây là tượng đài lớn nhất thế giới và kỷ lục này được giữ cho đến năm 1989, khi tượng Đại Quan âm ở Công viên Kitano Miyako (Nhật Bản) được hoàn tất. Ngoài du khách, hằng năm, vào dịp kỷ niệm Chiến thắng phát xít 9-5, rất nhiều cựu chiến binh ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ đã đổ về nơi này đặt hoa tưởng niệm.
Còn tại Đan Mạch, một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở thủ đô Copenhagen là bức tượng Nàng tiên cá được khánh thành ngày 23-8-1913 ở bến tàu Langelinie. Được làm bằng đồng và đá granit, lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích của đại văn hào Hans Christian Andersen, Nàng tiên cá được xem như một đại sứ du lịch cực kỳ quan trọng của Đan Mạch. Chính vì thế, trong hơn 1 thế kỷ qua, hằng năm, người dân nơi đây vẫn tổ chức sinh nhật cho bức tượng.
Theo các nhà phê bình nghệ thuật, nghệ thuật công cộng đã góp phần làm mới không gian điểm đến, là cầu nối làm tăng thêm sự gần gũi, liên kết trong cộng đồng, tạo ra sự hòa hợp giữa con người với cảnh quan xung quanh. Ngoài ra, nghệ thuật công cộng còn nâng cao niềm tự hào của người dân địa phương. Họ nhận thức được rõ hơn vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp nơi họ sống và sự thay đổi tích cực mà những tác phẩm nghệ thuật công cộng mang đến cho đời sống của họ cũng như trách nhiệm của chính cộng đồng trong việc duy trì và bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật.
Nói cách khác, sự thành công của một dự án nghệ thuật công cộng không chỉ nằm ở vẻ đẹp, ý nghĩa của các tác phẩm, sức hấp dẫn về du lịch mà còn là sự giao lưu của người dân với nghệ sĩ, với du khách và đem đến cho cộng đồng nơi đến một cuộc sống tốt hơn, đưa đến cho du khách trải nghiệm sâu hơn về nơi đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.