(HNM) - Dù chưa thể trình làng "Thẩm thấu" - dự án âm nhạc có sự kết hợp giữa nhạc cổ truyền Việt Nam và piano đương đại - như mong đợi nhưng vào tối 9-1, tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học), tài năng piano Cao Thanh Lan sẽ có buổi biểu diễn nhạc thoại đa phương tiện "Nghe theo cách khác".
Cao Thanh Lan là nghệ sĩ trẻ tài năng của Hà Nội, đã học piano cổ điển tại Học viện Âm nhạc Việt Nam, tốt nghiệp Nhạc viện Bruxelles (Bỉ) và Cologne (Đức). Cô đã giành nhiều giải thưởng piano trong nước và quốc tế, đồng thời biểu diễn cùng những dàn nhạc danh tiếng tại những liên hoan nổi bật. Từ năm 2007, Cao Thanh Lan "di chuyển" giữa nhạc thể nghiệm, cổ điển và đương đại, tạo ra một phong cách riêng. Ở dự án "Thẩm thấu", cô cùng các nghệ sĩ quốc tế chơi nhạc thể nghiệm mà ở đó có sự kết hợp giữa âm nhạc cổ truyền như ca trù, hát xẩm, hát văn, ngâm thơ với âm nhạc Châu Âu đương đại. Sau những chuyến biểu diễn tại nhiều quốc gia trong năm 2014 và 2015, Cao Thanh Lan ấp ủ ước mơ, "săn" cơ hội để thực hiện một "Thẩm thấu" mới, dài hơi và có sự thống nhất về nội dung trước khán giả quê nhà. Với đêm nhạc thuần cổ điển vào tháng 3-2015 và lần này là "Nghe theo cách khác", Cao Thanh Lan đang dần tiếp cận công chúng Việt Nam, mời gọi họ đến với những dự án âm nhạc của mình.
"Nghe theo cách khác" là chuỗi hòa nhạc được tổ chức theo ý tưởng của Viện Goethe và Cao Thanh Lan là người mở đầu. Nhạc mục của đêm diễn ngang tầm với nhạc mục hiện tại trên các sân khấu nhạc đương đại thế giới. Ba chùm tác phẩm của chương trình lấy cảm hứng và chất liệu từ những âm thanh hữu cơ như tiếng chim và từ giọng người, thách thức ranh giới hay định nghĩa thế nào là âm nhạc. Trong khi các tác phẩm của Ablinger đề cao cá tính, được thể hiện qua giọng nói thật không qua xử lý của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới như Đức mẹ Theresa, nữ phi hành gia Valentina Tereshkova, nhạc sĩ Arnold Schonberg... thì chùm tác phẩm của nhạc sĩ trẻ người Đức Tom Rojo Poller, chịu ảnh hưởng lớn từ Ablinger, lại tô đậm ý nghĩa của từng từ một, giọng người chỉ là một công cụ để truyền tải những thông điệp có tính triết lý và xã hội. Chùm tác phẩm của Poller phỏng theo hợp tuyển của nhà văn châm biếm Alexander Kluge - người đã có thể nghiệm nhiều với hình thức của văn học. Trong cả hai chùm tác phẩm trên, giọng người được phân giải bằng các phần mềm và mỗi chấm phân giải trở thành nốt nhạc. Phần đàn piano chơi đồng âm và tương tác với phần video, giọng người và phần nội dung mà ngôn ngữ muốn truyền tải.
Chùm tác phẩm của nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp Olivier Messiaen lại hoàn toàn khác. Âm nhạc của ông là những trải nghiệm từ thiên nhiên qua màng lọc là trí tưởng tượng, kiến thức và kinh nghiệm của ông, những trải nghiệm này được thăng hoa và trở thành nghệ thuật. Ông đã ký âm bằng tay và bằng đôi tai tuyệt vời của mình hàng trăm bài hát của những chú chim, chính xác cả từ cao độ đến tiết tấu, rồi dùng những chất liệu đó để viết nên những kiệt tác như tuyển tập "Những phác họa tiếng chim". Những tác phẩm viết cho piano của Messiaen đang trở thành vốn bài tiêu chuẩn cho nhạc cụ này.
Cao Thanh Lan cho biết, cô chủ định chọn chơi tác phẩm của Ablinger và Poller cùng nhau và đặt cạnh chùm tác phẩm kinh điển của Messiaen để giúp người nghe nhận ra sự khác biệt trong tính nhạc của giọng người và tính nhạc trong tiếng chim. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ, tạo sự tò mò và điểm khởi đầu để khán giả đặt chân lên con đường khám phá âm nhạc đương đại với nhiều nét mới mẻ.
Vé đêm nhạc được phát miễn phí tại Viện Goethe Hà Nội, bắt đầu từ ngày 4-1.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.