Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề the lụa La Khê: Bao giờ hết thăng trầm?

Bạch Thanh| 27/02/2011 08:01

(HNM) - Làng La Khê có lịch sử từ thế kỷ thứ V, nghề trồng dâu, nuôi tằm, làm the lụa một thời đã khiến đất này nức tiếng gần xa. Mấy chục năm qua, với bao biến cố, thăng trầm có lúc the La Khê tưởng như đã chìm vào dĩ vãng. Giờ đây dòng sản phẩm này đang được phục hồi, nhưng để phát triển xem ra còn là cả một chặng đường dài.

Xưởng sản xuất the ở làng La Khê.


Vang bóng một thời
Theo những bậc cao niên trong làng, vào thời hoàng kim, hầu hết dân làng đều sống bằng nghề canh cửi. Năm 1823, triều đình nhà Nguyễn đã ban đặc ân để La Khê trở thành một xưởng dệt cho kinh thành Huế, cả làng được miễn đi lính để lo làm nghề. Vào đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân làng nghề còn được phong hàm, tước cửu phẩm, bá hộ và the làng La được mang triển lãm ở Paris... Cuộc sống hiện đại đòi hỏi sự tiện lợi, các loại trang phục cũng thay đổi cho thích ứng, nghề dệt the của làng mai một dần, có cơ rơi vào quên lãng...

Cho đến năm 2002, từ chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Nhà nước, chính quyền địa phương, Ban chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) La Khê và những nghệ nhân trong làng đã bỏ ra nhiều công sức quyết tâm phục hồi nghề Tổ, tìm lại sức sống cho nghề the lụa. Hiện ở La Khê còn cụ Nguyễn Công Toàn là nghệ nhân duy nhất dệt the. Trong số học trò của cụ có anh Lê Đăng Toản - người có "duyên" với the La Khê đã tiếp thu rất nhanh nhạy kinh nghiệm làm nghề. Theo cụ Nguyễn Công Toàn, the La Khê có họa tiết, hoa văn tinh xảo. So với sồi, đũi, hàng the, sa mỏng và nhẹ hơn nhưng bền, đẹp, được dùng để may trang phục cho vua chúa xưa... Công sức không phụ lòng người, đến nay, những người thợ dệt the La Khê đã sáng tạo ra hơn 20 mẫu hoa văn, dệt thành những tấm vải the hoa, trong đó có không ít mẫu cầu kỳ, với họa tiết cách điệu những hình tượng văn hóa dân gian như "tứ linh" (long, ly, quy, phượng), "tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai) hay song hạc, hoa sen, chữ thọ...

Nhọc nhằn giữ nghề
Dù khẳng định nghề dệt the cổ truyền của địa phương đã "sống" lại nhờ những người thợ trẻ, song người La Khê không khỏi lo lắng về tương lai làng nghề. Mặc dù sản phẩm the lụa có nhiều ưu điểm như mềm mại, thoáng mát, điều hòa thân nhiệt tốt, không bị nhăn, bị xô, rạn, nhưng rõ ràng chưa cạnh tranh được với các sản phẩm sợi tổng hợp, may công nghiệp. The lụa La Khê được sản xuất từ sợi tơ tằm chất lượng cao, dệt thủ công, cho nên giá thành tương đối cao. HTX dệt the La Khê đã được thành lập song hầu như chỉ sản xuất theo hợp đồng, còn hàng bán ra thị trường rất ít.

Đến HTX La Khê, dù đã hẹn trước nhưng cũng phải tới hơn 6h tối, tôi mới gặp được chị Bạch Hồng Ân, Phó Chủ nhiệm HTX. Khi được hỏi về tình hình khôi phục, phát triển nghề dệt the, chị Ân cho biết: "Không có doanh nghiệp nào liên doanh, liên kết, HTX tự bơi khó quá. Nhân công thì không có, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, thu nhập không bảo đảm… Trong vòng luẩn quẩn ấy, để giữ thôi cũng đã khó huống chi là phát triển". Ngay cả anh Lê Đăng Toản, người được cụ Nguyễn Công Toàn truyền dạy lại cho kỹ thuật làm the giờ cũng đang muốn xin HTX cho ra làm bảo vệ ở khu chợ mới xây. Cụ Nguyễn Công Toàn là người thiết kế mẫu chính cho HTX từ những ngày đầu khôi phục, giờ đã xấp xỉ tuổi 90. Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của HTX dệt La Khê nằm ngay bên cạnh Khu di tích lịch sử Bia Bà, rất thưa vắng khách xem và mua hàng. Khu xưởng dệt rộng hơn 300m2 với hơn chục máy dệt, chỉ có một vài khung hoạt động.

Chị Bạch Hồng Ân cho biết thêm, từ năm 2008, HTXNN La Khê đã chuyển 100% đất nông nghiệp (NN) sang dịch vụ, giao thông, đô thị. Cứ tưởng mất hết đất NN thì nghề the lụa là cứu tinh. Nhưng rồi lớp trẻ thì đi học đại học, học nghề, vào làm ở các cơ quan, xí nghiệp gần hết, lớp trung tuổi chạy chợ, buôn bán lặt vặt, già hơn thì ở nhà trông cháu… việc tuyển lao động vào làm nghề the hết sức khó khăn. Giờ chỉ dăm ba người còn ở lại bên khung cửi, so với vài chục người những ngày đầu khôi phục. HTX muốn đi chào bán, giới thiệu sản phẩm ở các nơi xa, kinh phí chẳng biết hạch toán thế nào. Xã viên thấy nghề chưa đem lại lợi nhuận thì không mấy mặn mà. Cái khó bó cái khôn, HTX không thể mạnh dạn mở rộng marketting. Nhiều lần HTX thông báo tuyển công nhân nhưng chẳng ai hưởng ứng. Chị Ân nói: Có những hợp đồng lớn đặt làm ba, bốn nghìn mét vải trong thời gian ngắn mà HTX không dám nhận vì biết không thể hoàn thành hợp đồng.

Tôi rời HTX La Khê khi cơn mưa xuân đã đậm hơn, đủ các loại ô tô, xe máy nô nức về lễ đền Bia Bà đầu năm. Giá như the La Khê sống lại phồn thịnh, trở thành điểm du lịch làng nghề kết hợp với điểm du lịch tâm linh đền Bia Bà thì hay biết mấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề the lụa La Khê: Bao giờ hết thăng trầm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.