Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ Việt “kêu trời” vì liên tục bị mạo danh trên mạng xã hội

Theo Dân trí| 28/04/2016 14:24

Không chỉ có những nghệ sĩ nổi tiếng như: Hoài Linh, Trấn Thành, Hiếu Hiền, Quang Thắng… mà ngay cả Quốc Cường (chồng cũ Hồ Ngọc Hà) cũng sống không yên với các Facebook giả mạo. Theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 thì giả mạo Facebook nếu nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


Đóng Facebook rồi cũng... không yên

Mới đây, MC kiêm diễn viên Trấn Thành đã “kêu trời” trên trang cá nhân rằng: “Một trang giả mạo sáng giờ lừa mọi người card điện thoại mà sao nhiều người vẫn tin là thật và làm theo luôn vậy? Bình tĩnh và cẩn thận cả nhà ơi”.

Diễn viên Hiếu Hiền cũng phải thốt lời than thở cách đây không lâu khi cuộc sống bị đảo lộn bởi các trang Fanpage giả: “Thời gian qua, có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi đây có phải là trang cá nhân chính thức của Hiền không? Còn trang Hiếu Hiền FC là như thế nào? Hiếu Hiền xin khẳng định đây là trang cá nhân chính thức của Hiền, đã được Facebook xác nhận chính chủ bằng dấu V màu xanh dương ngay tên. Còn trang Hiếu Hiền FC và các trang khác đều là trang giả mạo. Các trang này thường xuyên qua Facebook của Hiền và của vợ Hiền lấy hình, sao chép dòng trạng thái rồi đăng ở tường của mình, làm cho các fan nhầm tưởng đó mới là trang thật. Hiền cảm thấy rất khó chịu và bức xúc trước việc có người trắng trợn mạo danh Hiền. Nên hôm nay Hiền sẽ gửi mọi người tấm hình giúp phân biệt FB thật và giả để tránh tình trạng fan bị các trang giả lừa gạt”.

Hiếu Hiền than thở trên trang cá nhân về tình trạng Facebook mạo danh. Ảnh: HTL.


Riêng NSƯT Hoài Linh thì đã không biết bao nhiêu lần than phiền trên trang cá nhân về chuyện bị những kẻ “giấu mặt” mạo danh lập trang Facebook giả để trục lợi. Theo thống kê của một số thành viên trong Fanclub của NSƯT Hoài Linh thì trong số các nghệ sĩ ở Việt Nam, hiện NSƯT Hoài Linh là người có số trang Facebook giả mạo nhiều nhất với hơn 200 trang. Mới đây Hoài Linh lại tiếp tục phải than phiền về tình trạng bị mạo danh trên Facebook: “Xin thông báo cả nhà, hiện nay có nhiều trang Facebook và Page giả mạo dùng tên của Linh. Xin thông báo đến cả nhà để tránh trường hợp xấu xảy ra cho mọi người và cho Linh sau này. Xin cảm ơn mọi người lưu tâm”.

Trước đó anh cũng từng phải “khuyến cáo” người hâm mộ vì phát hiện nhiều Facebook mạo danh đang kêu gọi mọi người góp tiền từ thiện: “Hiện nay có trang Facebook này đang có hành vi lừa đảo kêu gọi từ thiện để nhằm trục lợi, Hoài Linh xin thông báo cho mọi người hãy cẩn thận những trò lừa này. Linh đang nhờ các cơ quan chức năng tìm ra những nhóm và những cá nhân lập lên những trang Facebook giả mang tên Hoài Linh. Lưu ý, Linh chỉ có 1 trang Fanpage Võ Hoài Linh có đánh dấu chính chủ (màu xanh) và lượng người theo dõi là trên 6 triệu. Cám ơn cả nhà quan tâm”.

Nghệ sĩ hài Quang Thắng cũng từng khóc dở mếu dở chia sẻ với phóng viên rằng, anh vốn không phải là người giỏi công nghệ lại cũng không có nhiều thời gian cho nên anh không chơi Facebook sớm như bạn bè. Mãi đến năm 2013, anh mới được người quen lập hộ cho một trang cá nhân để làm phương tiện kết nối với bạn bè và người hâm mộ. Tuy nhiên, anh phát hiện ra rằng, trên mạng đã có rất nhiều trang Facebook lấy tên anh. Và cứ hễ trang Facebook “Thắng Vẹo” của anh vừa tung hình ảnh nào lên là y như rằng trong phút chốc các trang Facebook giả mạo lại lấy về đưa lên để “câu” like và comment của cộng đồng mạng.

Các trang Facebook giả mạo danh tên tuổi của danh hài Hoài Linh.


“Đắng lòng” nhất là trang chính chủ thì người ta lại tưởng là giả mạo, trang giả mạo thì người ta lại tưởng chính chủ. Vì thế, anh đăng lên “hẻo” like và comment lắm, chỉ toàn bạn bè biết thôi”, Quang Thắng tếu táo.

Và cách đây vài hôm, Quốc Cường (chồng cũ của Hồ Ngọc Hà) cũng đã phải vội vàng đính chính khi “bỗng dưng” xuất hiện một đoạn viết khá dài và mùi mẫn bày tỏ suy nghĩ của Quốc Cường với vợ cũ cũng như những mối quan hệ hiện tại. Quốc Cường cho biết, vì cuộc sống của anh gặp quá nhiều phiền toái nên anh đã không sử dụng Facebook nữa. Thế nhưng không hiểu sao các trang Facebook mạo danh vẫn không để cho anh yên. Và trong khi Quốc Cường tuyên bố toàn bộ các Facebook hay Fanpage lấy tên kèm hình ảnh của mình đều là giả mạo thì số lượng các trang này đang có chiều hướng tăng mỗi ngày.

Lập Facebook giả để lừa đảo, kiếm tiền, bôi nhọ…

Chuyện các nghệ sĩ liên tục bị mạo danh trên mạng xã hội thực ra là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, việc mạo danh nghệ sĩ đã không đơn thuần dừng lại ở việc lập các trang Facebook cá nhân để “câu” like, comment… mà đã có nhiều trang lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ để lừa đảo người hâm mộ bằng các chiêu nộp card điện thoại, ủng hộ từ thiện, quảng cáo thương hiệu, dịch vụ, sản phẩm… Thậm chí, có nhiều trang được lập nên để “câu” lượng người theo dõi sau đó bán lại để kiếm tiền.

Mẹ của một Á hậu cũng từng chia sẻ rằng, ngay sau khi con gái của bà đăng quang ngôi Á hậu, cô đã bị một số người mạo danh lập một số trang Facebook, trong đó có một trang có lượng người theo dõi khá lớn. Sau nhiều lần nhờ can thiệp để trang Facebook giả mạo kia đóng lại nhưng vẫn không thể. Một ngày đẹp trời, thông qua một bên thứ ba, chủ nhân “giấu mặt” của trang Facebook này đã yêu cầu phía Á hậu phải trả 50 triệu họ mới trao trang này lại hoặc hủy hoàn toàn trang này trên Facebook.

Việc bị giả mạo trên Facebook không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người nghệ sĩ bởi phần lớn các trang giả mạo đều muốn mạo danh nghệ sĩ để trục lợi, mà còn khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn.

Kẻ mạo danh quản lý Hoa hậu Thu Thảo lừa đảo trên trang cá nhân. Ảnh: TL.


Danh hài Hoài Linh cho biết, đã không biết bao nhiêu lần, cứ hễ ló mặt ra là bị đồng nghiệp và fan hâm mộ hỏi về các trang Facebook. Thỉnh thoảng, anh đang đi đóng phim lại có người gửi cho tin nhắn có trang Facebook mang tên Hoài Linh Võ đang kêu gọi ủng hộ từ thiện hoặc mua card điện thoại giùm. Nhiều khán giả vì quá yêu quý anh lại không biết phân biệt nên đã từng bị sa vào bẫy của những kẻ này.

Thực tế, đã từng có những vụ việc nghệ sĩ phải ra tay bắt kẻ mạo danh gây xôn xao dư luận. Năm 2012, đích thân Hoa hậu Đặng Thu Thảo đã phải phục kích để bắt bằng được kẻ mạo danh mình trên Facebook đi lừa đảo nhiều người đẹp ký hợp đồng quảng cáo rồi nhận tiền cọc.

Cuối tháng 3/2014, qua Facebook, nhiều người nhận được tin nhắn vay tiền được cho là của diễn viên Diễm Hương để phẫu thuật sau tai nạn giao thông. Tin nhắn này có nội dung chồng Diễm Hương không kịp gửi tiền từ Canada về và cô đã trót cho một vài đồng nghiệp đàn anh vay nên không còn tiền.

Nhiều người thấy nghi ngờ nên cất công xác minh thì không có vụ tai nạn giao thông nào xảy ra ở địa điểm mà Facebook mang tên Diễm Hương chia sẻ. Và người mạo danh cựu diễn viên sau đó được phát hiện ra là một cô gái ở quận 7 .TP HCM. Cô gái này cũng thú nhận đã giả Facebook của Hoa hậu Mai Phương Thúy trước đó.

Nhiều chuyên gia mạng cho biết, để tránh tình trạng bị lạm dụng tên tuổi, hình ảnh, uy tín… trên Facebook, các cá nhân cần chủ động trong việc bảo vệ mình. Cụ thể, khi phát hiện ra có người lập Facebook mạo danh với ý đồ xấu, hãy ngay lập tức báo về cho Facebook để họ vô hiệu hóa trang cá nhân đó. Trầm trọng hơn thì phải báo cho các cơ quan an ninh mạng để nhờ họ can thiệp hoặc xử lý.

Một chuyên gia của “Kỷ nguyên số” cho hay, hiện tại đã có khoảng 75% tài khoản Facebook được trang bị tính năng cảnh báo khi có người sử dụng ảnh đại diện và tên của họ để giả mạo. Nếu phát hiện tài khoản giả mạo, hệ thống sẽ báo động cho người dùng Facebook biết và cá nhân có thể báo cáo tài khoản này giả mạo để đội bảo mật Facebook xử lý.

Giả mạo Facebook có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nhiều chuyên gia mạng cho rằng, việc lập Facebook giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này.

Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân...

Nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; nếu tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 77 Luật Công nghệ thông tin).

Theo chuyên viên Kiều Anh Vũ - VPLS Lê Nguyễn, TP.HCM thì trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi giả mạo Facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP).

Hành vi sử dụng Facebook, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cũng có mức phạt tương tự. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện (chẳng hạn như laptop…) được sử dụng để vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo Facebook của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Chẳng hạn, nếu dùng Facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS, hình phạt tối đa đến 03 năm tù; hoặc “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 BLHS (hình phạt tối đa đến 07 năm tù); “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Việt “kêu trời” vì liên tục bị mạo danh trên mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.