Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ Trần Thị Ngọc Châm: Quan trọng là được thỏa sức sáng tạo

Mai Đình| 05/03/2022 13:15

(HNMCT) - Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cô gái trẻ quê ở Hải Phòng Trần Thị Ngọc Châm (sinh năm 1995) đã đầu quân cho sân khấu Lực Team. Trước đó, từ cuối năm thứ 4 đại học, cô đã tham gia dựng vở và biểu diễn. Vở diễn nào của Lực Team cũng có sự góp mặt của cô, từ “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Bạch đàn liễu” cho đến gần đây nhất là "Antigone". Cô chia sẻ với bạn đọc về những vai diễn đa dạng của mình...

- Khi mới ra trường, vì sao bạn lại quyết định đầu quân cho sân khấu Lực Team của NSƯT Trần Lực?

- Tôi sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Tâm lý tìm kiếm sự ổn định là có thật khi tôi mới ra trường. Khi được làm việc với thầy Trần Lực, niềm đam mê sân khấu càng thôi thúc tôi. Dưới sự dẫn dắt của NSƯT Trần Lực, cho đến nay, tôi đã tham gia cùng với thầy và các đồng nghiệp 5 vở diễn. Với vở “Quẫn” tôi đã nhận Huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô (2016), và với “Nữ ca sĩ hói đầu” là Huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế Hà Nội (2019).

- Tôi vẫn nhớ vai diễn bà Smith của bạn trong vở “Nữ ca sĩ hói đầu” - nhí nhố, nhiều màu sắc, đa nhân cách?

- Có thể nói, mỗi vai diễn với tôi đều mới mẻ và luôn là dịp để mình học hỏi. Vai diễn nào tôi cũng thể hiện bằng cả con tim. Khi bắt đầu làm việc với thầy Trần Lực trong vở “Quẫn”, mỗi diễn viên chúng tôi đã phải tự giải phóng hình thể. Thế nhưng, với vai diễn bà Smith trong vở “Nữ ca sĩ hói đầu”, tôi lấy chất liệu từ chính mình. Tôi hóa thân thành một em bé nhí nhảnh, đôi lúc như một người vợ, có khi lại thành một bà già. Sang đến vở “Cơn ghen của Lọ Lem”, tôi phải sử dụng động tác hình thể rất nhiều. Chúng tôi đã học múa, học xiếc để cho hình thể nhân vật là của mình chứ không phải là bắt chước. Với “Nữ ca sĩ hói đầu”, chúng tôi cần thêm chất liệu của nghệ thuật tuồng, với những động tác xuyến chân rất chắc.

- Còn với vai diễn Antigone trong vở diễn cùng tên mà sân khấu Lực Team mới công diễn, bạn đã có những trải nghiệm về mặt cảm xúc cũng như kỹ năng như thế nào?

- Vai diễn Antigone mang lại cho tôi nhiều đất diễn. Tôi cảm thấy may mắn vì mình được học tuồng. Đó là sự chắt lọc bởi nghệ thuật tuồng đã ngấm vào trong tôi, từng bước di chuyển, ngoái đầu hay giơ tay cũng vậy. Vì thế, đôi lúc khán giả sẽ nhìn thấy có những bước xuyến chân tôi chạy rất nhanh, tay giơ lên, người cũng rất chắc... Thực sự là tôi phải cảm ơn thầy Trần Lực đã cho chúng tôi học tuồng. Chúng tôi đã được nghệ sĩ Tạ Vũ Thu hướng dẫn từ những động tác cơ bản nhất của môn nghệ thuật này. Chúng tôi không có nhiều thời gian để học tuồng chuyên nghiệp như các bạn khác trong khoa Tuồng. Nhưng những điều cơ bản ấy thực sự cần thiết để chúng tôi áp dụng trên sân khấu kịch nói.

Bên cạnh đó, để nhập vai Antigone, tôi đã học múa, một chút ba lê và một chút múa đương đại, kết hợp sao cho vừa mềm mại, vừa thể hiện sự bi tráng của nhân vật. Trong vở diễn Antigone, tôi nhớ nhất là phần múa khi nhân vật Antigone chống lại quân lính, lấy được xác của anh mình ra để mang đi chôn. Ở phân đoạn này, tôi đã vận dụng kỹ thuật múa trên nền tiếng đàn bầu để diễn tả tâm lý đau đớn, mất mát của cô gái trẻ này.

Tôi hóa thân vào nhân vật bằng sự tập trung. Tôi tìm được sự đồng cảm từ Antigone. Với tôi, tình yêu gia đình là số một. Nói vui một chút, nếu ai động đến gia đình mình thì tôi có cảm giác mình như “một con hổ”. Cô gái Antigone trong vở kịch cùng tên của nhà viết kịch Sophocles cũng thế. Cô ấy là một người con gái bình thường, nhưng khi ai làm ảnh hưởng đến gia đình cô, với cha mẹ, anh trai, chị gái thì cô ấy sẵn sàng chết để bảo vệ họ.

- Trong vở diễn Antigone, trường đoạn tâm lý nào của nhân vật thử thách bạn hơn cả?

- Đó là đoạn tự sự với chính bản thân, khi đã làm được tất cả mọi việc cho gia đình thì đó cũng là lúc cô ấy xác định cái chết cho mình. Rất nhiều cung bậc cảm xúc trong đoạn tự sự ấy: Vừa cảm thấy được an ủi khi tự tay chôn cất anh trai, nhớ lại những hồi ức đẹp đẽ của gia đình khi sum vầy và cũng rất đau đớn khi hồi tưởng bi kịch của cha mẹ mình... Antigone cũng có những băn khoăn bởi hành động của mình là đúng mà tại sao lại bị xử tội chết. Tôi đã rất nhập tâm ở trường đoạn đó. Một may mắn của tôi là sự hỗ trợ của âm nhạc. Đạo diễn, NSƯT Trần Lực đã khéo léo mang vào vở diễn âm thanh của trống, tiếng đàn bầu, tạo nhịp điệu để diễn viên có thể bắt nhịp, làm cho phần diễn giàu cảm xúc hơn.

- Đã đồng hành với sân khấu Lực Team với 5 vai diễn, đều là những vở gây tiếng vang, chắc hẳn bạn đã học hỏi được nhiều, không chỉ trong diễn xuất?

- Câu hỏi này của chị khiến tôi nghĩ đến vai diễn đầu tiên của mình trong vở “Quẫn”. Đó là lần đầu tiên tôi bước lên sân khấu để dự thi. Đêm hôm trước tôi mất ngủ và cả khi đứng sau cánh gà, tôi hồi hộp đến mức không thở được. Nhưng sau lần đầu tiên ấy, tôi tiếp tục bước lên sân khấu với những vở diễn khác. Bản lĩnh trên sân khấu được tôi luyện dần. Điều quan trọng là tôi được sống với nghề, được thỏa sức sáng tạo và được là chính mình.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Trần Thị Ngọc Châm!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Trần Thị Ngọc Châm: Quan trọng là được thỏa sức sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.