(HNM) - Tập hợp 250 hội viên, với nhiều gương mặt nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi tầm quốc gia nhưng Hội Điện ảnh Hà Nội, Hãng phim Sao khuê thuộc Hội vẫn nhận thấy những gì đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng đang có.
Bề dày lịch sử, văn hóa, cuộc sống Hà Nội đương đại là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim. |
Ngày 12-5, một BCH mới gồm nhiều nghệ sĩ uy tín, trong đó có những gương mặt trẻ đã được bầu chọn cho nhiệm kỳ mới 2015-2020 của Hội. Các nghệ sĩ nói gì về chính những mong muốn của họ nhằm bứt phá để sáng tạo, trước hết từ ngay trên mảnh đất nghìn năm này?
Cùng tìm hướng đi
Đó là bày tỏ tha thiết của nhà văn, nhà biên kịch Mai Vũ (Chi hội Điện ảnh Công an nhân dân). Ông cho rằng "Hội Điện ảnh Hà Nội là nơi tập trung các nghệ sĩ tài ba, danh tiếng của cả nước. Trong họ vẫn khát khao cống hiến kinh nghiệm, tài năng cho sân chơi Hội Điện ảnh Hà Nội và đặc biệt là cho sự phát triển của thành phố. Vậy mà trong nhiều năm qua, những gì làm được chưa tương xứng, chỉ thấy rõ một tiếng thở dài mà nếu không mạnh dạn thay đổi, tiếng thở dài sẽ còn kéo dài mãi".
NSND Đào Trọng Khánh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, tác giả của hàng loạt phim tài liệu về cách mạng, lãnh tụ được giải thưởng trong nước và quốc tế cũng chia sẻ với Hànộimới: "Ngay cả NSND sau khi đã về hưu thì việc tìm được kinh phí làm phim là vô cùng khó khăn. Tôi năm nay đã 70 rồi, chỉ có mong muốn là được làm thêm một phim tài liệu nữa cho thỏa nguyện. Điện ảnh cần kinh phí nhưng không phải lúc nào cũng cần nhiều. Tôi sẵn sàng tham gia đấu thầu làm phim với mức kinh phí vừa phải nhất".
Ai cũng biết, nhiều nghệ sĩ điện ảnh thuộc Hội Điện ảnh Hà Nội vẫn đang rong ruổi làm nghề khắp nơi trên cả nước. Chỉ có điều, nói như đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc: Đã tham gia sinh hoạt Hội thì nghệ sĩ đều mong muốn có đóng góp cho hoạt động nghề nghiệp của Hội, đặc biệt là cho những thước phim về Hà Nội. Vấn đề là, phải tìm hiểu xem những khó khăn nằm ở đâu để cùng tìm hướng đi.
Theo nhà văn Mai Vũ, mô hình Hội Liên hiệp VHNT (được ví như 9 cành là các chuyên ngành văn học, điện ảnh, múa, hội họa… nhưng nằm chung một gốc) được chuyển sang Liên hiệp các Hội VHNT (một bó gồm 9 cây độc lập) là một bước chuyển lớn. Tuy nhiên, sự thay đổi không chỉ nằm ở cái tên mà phải từ bản chất, để tạo sự tự chủ về tài chính, phương thức hoạt động cho từng hội chuyên ngành. Nhiều ý kiến cũng cho thấy mong mỏi Hội sẽ nhận được sự đầu tư kinh phí trực tiếp từ thành phố để có thể hiện thực hóa những kịch bản còn dang dở và triển khai những dự án mới. Nhà biên kịch Bành Mai Phương (nguyên Trưởng phòng Biên kịch Hãng phim truyện Việt Nam) cho biết, tiềm năng kịch bản, tác phẩm của các hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội là có, thể hiện qua các trại sáng tác, các kỳ giải thưởng…
Đạo diễn, NSND Lê Thi cũng cho rằng: Cơ chế chuyển đổi, tự chủ cả tài chính, phương thức làm phim rồi thì quan trọng là Hội, hãng phim phải tổ chức được nhân sự đủ năng lực để đáp ứng được nhiệm vụ. Sự năng động để tìm kiếm nguồn xã hội hóa cũng là một xu thế tất yếu. NSND Đào Trọng Khánh thẳng thắn: Phải có chủ trương đầu tư cụ thể cho Hội nhưng bên cạnh đó khi đã nhận làm thì phải làm cho tốt.
Hà Nội có quá nhiều đề tài cho điện ảnh
Đây là suy nghĩ chung của các nghệ sĩ dù là những gương mặt gạo cội hay các nghệ sĩ trẻ thế hệ đi sau. Ngoài bề dày lịch sử, văn hóa đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước, đời sống Hà Nội đương đại cũng đặt ra nhiều gợi ý cho các nhà làm phim hôm nay. Đạo diễn Nguyễn Trọng Văn (Đài Truyền hình Hà Nội) có gợi ý: Ta phải học thế giới cách làm phim kết hợp với quảng bá du lịch, đất nước, con người. Hà Nội có nhiều bối cảnh đẹp, nhiều vùng văn hóa đặc sắc. Điện ảnh Hà Nội nên chăng phát triển theo hướng này phải tranh thủ nhiều lực lượng như các nghệ sĩ điện ảnh cung cấp kịch bản hay, hấp dẫn, địa phương hỗ trợ bối cảnh, Đài Truyền hình cung cấp phương tiện làm phim, phát sóng… Nói chung, để gỡ khó thì phải có sự hợp sức, khai thác tiềm năng, thế mạnh từng đơn vị, nguồn lực.
Ở góc nhìn khác, đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc cho rằng, người Hà Nội có những nét riêng khó trộn lẫn mà điện ảnh có thể khai thác. Tuy nhiên, cái khó là góc thể hiện nào cho hấp dẫn, thu hút người xem lại là một thách thức. Đạo diễn, NSND Lê Thi khẳng định các đạo diễn nổi tiếng như Trần Văn Thủy, Sĩ Chung hoàn toàn có thể làm phim về những vấn đề của Hà Nội hôm nay. Trong đó, theo ông những tâm tư của thế hệ trẻ, sự thờ ơ, rời xa các giá trị văn hóa truyền thống rất đáng được phản ánh trong các thước phim tài liệu.
Rõ ràng Hà Nội đang không ngừng vận động, các giá trị không ngừng bổ sung, thay thế nhau. Thành phố cũng từng bày tỏ mong muốn văn nghệ sĩ Hà Nội dấn thân hơn nữa để góp tiếng nói xây dựng thành phố. Nói như nhà văn Mai Vũ: Trước hết, chỉ cần những phim ngắn phản ánh những việc làm tử tế, những hành động bình dị nhưng đó chính là lan tỏa những hạt giống tốt nuôi dưỡng bầu không khí trong lành cho xã hội. Bản thân tôi từng chứng kiến nhiều việc làm như thế của một chị lao công, đến một cậu thanh niên biết tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ người khác lúc khó khăn… Không phải đâu xa đâu. Điện ảnh rất gần cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.