Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên ''mặt trận'' chống dịch: Chủ động vượt khó

Bảo Trân| 22/08/2021 05:01

(HNMCT) - Nghệ sĩ cũng là những “chiến sĩ” trên “mặt trận” chống dịch. Với tinh thần hăng hái nhập cuộc, sáng tạo ngay trong khó khăn, họ đã góp phần kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Một số nghệ sĩ đã chia sẻ với độc giả Hànộimới Cuối tuần những vất vả, khó khăn cũng như cảm xúc đặc biệt khi sáng tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam:
Ở yên nhưng không ngồi im

Trong thời gian giãn cách xã hội, các diễn viên thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, ai đang ở đâu thì ở yên đó. Ở yên nhưng không ngồi im, các nghệ sĩ của chúng tôi vẫn tự tập luyện tại nhà. Tuy nhiên, phải nói thật rằng đời sống của các nghệ sĩ xiếc hiện nay là khó khăn. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12-5-2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ các nghệ sĩ trong thời gian dịch bệnh đã làm cho tinh thần các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ hạng 4 phấn chấn hơn, song điều đó cũng chỉ mang tính động viên. Thực tế, đã có những trường hợp diễn viên của Liên đoàn Xiếc nghỉ việc, trở về làm nghề cùng gia đình để có thêm thu nhập. Một số nghệ sĩ khác phải nghĩ ra việc làm thêm trong thời gian nghỉ giãn cách.

Dù vất vả khó khăn nhưng chúng tôi luôn xác định: Công việc quan trọng nhất của nghệ sĩ vẫn là sáng tạo và sẵn sàng cho hoạt động biểu diễn bất cứ lúc nào có thể. Trong năm nay, chúng tôi thực hiện một vở diễn theo đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đó là vở “Biệt đội siêu anh hùng giải cứu trái đất” - hiện đã tập xong, chỉ chờ biểu diễn báo cáo. Theo kế hoạch, chúng tôi giới thiệu vở diễn này vào dịp tết Thiếu nhi 1-6, nhưng vì dịch bệnh nên chúng tôi dự định chuyển sang dịp Trung thu, nếu lúc đó chúng ta kiểm soát tốt được dịch bệnh. “Biệt đội siêu anh hùng giải cứu trái đất” là vở diễn hư cấu, có nội dung về bảo vệ môi trường, dành cho các bạn thiếu nhi. Vở diễn này sử dụng hầu hết các kỹ thuật biểu diễn xiếc, với trang phục có đèn led, tạo hiệu ứng thú vị trong không gian tối.

Có những tiết mục chúng tôi đã tập được 70%, nhưng bây giờ phải dừng lại. Để giảm thời gian ôn luyện, chuẩn bị tâm lý khi quay trở lại tập luyện, biểu diễn, chúng tôi đã giao cho các diễn viên tự chuẩn bị ở nhà. Với những tiết mục đã hoàn thiện, họ chỉ cần ôn lại là có thể diễn được; còn với những vở diễn mới, thời gian tập luyện có khi phải hàng tháng, thậm chí cả năm. Chúng tôi đã khởi động dự án mới kết hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam là “Thượng Thiên thánh mẫu”, nói về chúa Liễu Hạnh. Mỗi nhà hát đã hoàn thiện phần tập của mình, chỉ chờ thời gian để ghép nối sao cho nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị 5 - 6 tiết mục xiếc mới. Rất nhiều kế hoạch đang dang dở và khao khát lớn nhất của nghệ sĩ lúc này là được trở lại sân khấu để phục vụ bà con khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Họa sĩ Nguyễn Vũ Xuân Lan:
Bộ tranh của tôi cũng góp một tiếng nói tích cực đến mọi người

Hai bộ tranh “Em bé cách ly” và “Nhật ký đi tiêm vắc xin” như những dòng nhật ký tôi ghi lại trong những ngày tháng này. Tôi đã giữ thói quen ghi nhật ký bằng tranh trong một thời gian dài, vẽ lại và chia sẻ trên fanpage những gì ấn tượng với mình. Với bộ tranh “Em bé cách ly”, tôi vẽ khi tình cờ nhìn thấy trên mạng hình ảnh một em bé chạy ở sân bay. Ấn tượng bởi vẻ dễ thương của em, tôi đã vẽ để gửi gắm đến mọi người một hình ảnh đẹp, mong mọi người hãy vui vẻ, tích cực khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng. Còn bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vắc xin” lại là trải nghiệm thực tế của tôi sau khi đi tiêm về. Trước đó, nhắc đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã có nhiều ý kiến khác nhau, tạo ra tâm lý e ngại. Thế nhưng trải nghiệm của tôi lại rất suôn sẻ, dễ chịu, khiến mình ngạc nhiên và khá phấn khởi. Vì thế, tôi đã quyết định vẽ lại để cùng chia sẻ với mọi người, bởi dù sao đây cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Xung quanh tôi cũng chưa có nhiều người tiêm nên hy vọng những bức tranh “Nhật ký đi tiêm vắc xin” như lời chia sẻ kinh nghiệm, giúp mọi người bớt lo âu, hoang mang.

Khi sự giao tiếp bị hạn chế, tôi vẫn luôn cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông chính thống. Sau khi thực hiện 2 bộ tranh này, tôi đã nhận được nhiều phản hồi, không chỉ là các bạn trong giới làm nghệ thuật. Có vẻ tôi đã góp phần giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc của các bạn ấy. Dường như chúng tôi tìm được tiếng nói chung và mong muốn tình hình dịch bệnh sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, bộ tranh của tôi cũng góp một tiếng nói tích cực đến mọi người.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam:
Chia nhỏ công việc, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch

Là một nhà hát đầu ngành với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo, chúng tôi đã ghi hình các vở chèo truyền thống, các làn điệu chèo cổ. Đặc biệt, trong thời gian chưa giãn cách xã hội, trong tháng 3 và tháng 4 chúng tôi đã hoàn thiện việc dàn dựng và ghi hình 7 vở chèo truyền thống: “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Nàng Thiệt Thê”, “Súy Vân”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Trinh Nguyên”, “Từ Thức”. Đây là 7 vở diễn mẫu mực được các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam gìn giữ. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng tổ chức thu âm các làn điệu chèo cổ, hoàn thiện tư liệu về hình ảnh và âm thanh, giúp cho công chúng yêu nghệ thuật chèo có thể nhận diện các vai diễn, vở diễn chèo truyền thống. Để quảng bá nghệ thuật chèo, các tư liệu, hiện vật sẽ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam, đồng thời quảng bá trên mạng xã hội YouTube. Đây cũng là những công việc chúng tôi chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam.

Trong thời gian này, chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, "chia nhỏ" công việc, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch. Chúng tôi mong muốn góp phần gìn giữ giá trị nghệ thuật truyền thống. Gần đây nhất, chúng tôi phục dựng vở “Vân dại”. Cho đến giờ phút này, Nhà hát đã có 7 vở truyền thống, 100 bài hát chèo truyền thống được ghi lại. Năm nay, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ thu thanh tiếp khoảng 30 - 60 làn điệu chèo, sau đó là các giá hát văn chính thống để đưa vào kho tư liệu của đơn vị, giúp cho thế hệ sau có cái để tham khảo. Các bạn vào tìm hiểu trên trang web của nhà hát chúng tôi, ít nhất có thể nhận diện những vai diễn, vở chèo truyền thống mẫu mực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên ''mặt trận'' chống dịch: Chủ động vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.