Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề săn “cọp biển”

Ngọc Hải| 29/03/2012 06:22

(HNM) - Sáu năm sau trận siêu bão Chanchu khiến nhiều ngư dân thiệt mạng ngoài khơi, chúng tôi trở lại xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Nhưng điều chúng tôi ghi nhận đầu tiên ở đây không phải là câu chuyện quá khứ, mà là chuyện những ngư dân nơi đây câu được những con cá mập nặng 5-6 tạ. Chúng tôi như bị cuốn vào câu chuyện về những chuyến khơi xa câu cá mập của ngư dân Nghĩa An.

Nghề "bám" người

Chúng tôi về lại Nghĩa An giữa trưa. Cái nắng đầu mùa không gắt nhưng cũng đủ làm trời Nghĩa An như xanh hơn. Chiếc cầu bắc qua cửa Đại bằng gỗ nhỏ chỉ vừa hai xe máy tránh nhau cứ bập bềnh như muốn chao người đi xuống dòng nước xanh biếc. Cô bạn đồng nghiệp bản xứ giải thích: chiếc cầu do bà con trong xã dựng lên đã gần 20 năm nay. Cũng bởi Nghĩa An là một ốc đảo, bốn bề là biển nên người Nghĩa An phải tự dựng chiếc cầu để nối với đất liền. Đến mãi năm 2010, một chiếc cầu lớn mới được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, mở ra cho Nghĩa An nhiều cơ hội giao thương hơn.

Những con cá mập vừa câu được trong chuyến đi biển dài ngày được đem bán tại chợ.

Tìm vào nhà anh Cao Văn Tận (42 tuổi) chủ tàu QNg 97319 đúng lúc anh Tận và các bạn thuyền đang ngồi họp chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Biết chúng tôi từ Hà Nội vào nên chẳng chờ chúng tôi hỏi, anh Tận đã hồ hởi khoe vừa câu được con cá mập nặng gần 600kg, là một trong những con cá to nhất trong hành trình gần một tháng lênh đênh trên biển. Trong chuyến ấy, anh cùng những bạn chài đã câu được hơn 40 con, trị giá hơn 400 triệu đồng. Anh Tận nói, ai cũng biết cá mập là loài sống ngoài khơi xa và rất hung dữ. Cũng vì vậy, việc đi câu cá mập là cực kỳ nguy hiểm. Thế nhưng, cá mập lại là loài mang lại giá trị kinh tế cao nên nhiều người ở xã Nghĩa An vẫn bám biển khơi xa.

Hỏi về lịch sử của nghề câu cá mập ở Nghĩa An, anh Tận cũng chẳng biết có từ khi nào, chỉ biết khi anh sinh ra đã thấy ông nội đi câu cá mập rồi. Hồi đó, ghe thuyền sơ sài, không có máy móc thông tin liên lạc. Đến các sợi dây dòng cá, kéo cá cũng phải bện bằng xơ dừa, bẹ dừa. Đến khi anh lớn, nối nghiệp cha, anh lại dựng thuyền ra khơi. Chỉ có điều, từ khi anh biết câu cá mập, thuyền bè đã được trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin, được đóng chắc chắn hơn với công suất 60 mã lực.

Trải qua mấy chục năm lăn lộn, sống chết với nghề, giờ đây anh Tận lại trở thành khắc tinh của loài chúa biển. Anh Tận tâm sự: Trong hàng chục năm lăn lộn với nghề, các anh em ngư dân đã không ít lần gặp sự cố vì loài "cọp biển". Để săn được một con cá mập, có khi gặp con cá lớn những ngư phủ phải dòng theo rồi vật lộn với nó hàng tiếng đồng hồ. Kể lại những chuyến đi xa, anh Tận cho biết, đã có những lần anh câu được con cá nặng hàng tấn. Thế nhưng vì tàu mới ra khơi, thời gian lênh đênh trên biển còn dài nên những ngư phủ chỉ cắt lấy bộ vi cá rồi bỏ lại cá dưới biển. Chỉ khi nào tàu sắp về lại bờ, anh em mới đem cả con lên tàu, đưa vào bờ.

Ngồi tính toán, anh Tận cho biết, mỗi chuyến đi biển, những ngư dân phải đi xa chừng 800-900 hải lý với khoảng 7-8 ngày chạy hết tốc lực mới ra được đến điểm câu cá. Cũng vì loài cá mập thường ở khơi xa, ở những chỗ yên tĩnh nên chỉ những tàu loại to mới đủ sức câu cá mập. Nhớ lại hồi bão Chanchu năm 2006, anh Tận vẫn nghe ơn ớn: "Hồi đó ghe tôi nhỏ, nên đã chạy né bão sang tọa độ 23 độ bắc 103 độ đông. Thế nhưng đùng một cái, bão chuyển hướng nhằm đúng tàu tôi. Tôi bị bão quật luôn, hết né. Sức gió bão cấp 14, giật trên cấp 14 khiến tàu tôi tan tành. Cũng may, tôi và một số bạn thuyền được các tàu to cứu, chứ không thì cũng đã làm mồi cho cá rồi".

Sau bão Chanchu, cả xã Nghĩa An không ai dám ra khơi. Chỉ những người bạo dạn lắm mới đi "rê chuồn" (đánh bắt cá chuồn gần bờ). Riêng với anh Tận, dù nối nghiệp cha nhưng cũng phải mất hai năm đi làm thuê. Ai thuê gì cũng làm để lấy tiền trang trải cuộc sống. Hai năm trôi qua trong cơ cực, anh lại mon men đi làm thuê cho các tàu cá lớn. Rồi mãi đến năm 2010, anh mới quyết định trở lại với nghề câu cá mập đại dương. Cũng theo anh Tận, bây giờ ở Nghĩa An nói riêng và cả nước nói chung cũng chỉ còn chừng khoảng 6 tàu dám đi khơi xa câu cá mập mà thôi.

Đỡ nguy hiểm và có lãi nhiều hơn


Trước một chuyến đi khơi, các ngư dân trên tàu của anh Tận phải chuẩn bị rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là dàn câu và các ngư cụ "khủng" khác. Nhưng quan trọng nhất theo anh Tận là chiếc tàu phải đủ lớn để chống chọi với sóng gió và mỗi khi gặp bão. Hiện, chiếc tàu của anh có công suất 160 mã lực, trị giá 700 triệu đồng.

Ngư cụ để làm nghề câu cá mập không hề giống với nghề vây rút chì, giã cào, đánh bắt gần bờ. Chỉ riêng dàn câu đã thuộc vào loại "độc" với 1.000 lưỡi câu và dây cước. Mỗi lần giăng câu, các ngư dân phải quăng xa trên 20 hải lý, mỗi lưỡi câu cách nhau chừng 50m. Mồi câu phải thật tanh và có nhiều máu mới nhử được loài cá mập cực kỳ tinh khôn này. Công việc câu cá mập trên biển thường bắt đầu từ 3 giờ chiều và kéo dài đến mãi tận 24 giờ đêm. Ngư dân Võ Phi Hùng, có kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề câu mập cho biết: Lúc sẩm tối là thời điểm cá mập đi kiếm mồi nên thả câu giờ này, chắc chắn cá sẽ dính câu. Anh Hùng chia sẻ: "Nói là một tháng lênh đênh trên biển, nhưng thực ra chỉ có vài ngày anh em tui làm việc thực sự thôi. Loài này chỉ xuất hiện ở vùng biển cách bờ khoảng 800-1.000 hải lý. Mỗi lần ra khơi chúng tôi phải cho tàu chạy suốt 6, 7 ngày đêm mới đến được ngư trường". Như vậy, chỉ cần 3-5 ngày tập trung làm việc thì các anh em ngư dân đã lời to với 40-60 con cá mập. Trung bình một con cá nặng 3-4 tạ sẽ có khoảng 60-70 kg vi cá. Tính theo thời giá hiện tại, mỗi kilôgam vi cá mập bán tại chỗ được 1,6 đến 1,8 triệu đồng thì tổng trị giá vài chục con cá mập cũng được vài trăm triệu đồng. Như trường hợp của anh Tận, với hơn 40 con cá mập mang về, trừ hết chi phí anh cũng lãi hơn 300 triệu đồng. Đặc biệt, mùa biển năm trước, ông Cao Văn Trung là ngư dân ở Nghĩa An, chủ tàu QNg 92092, đã may mắn mang về 98 con cá mập trị giá gần 1 tỷ đồng chỉ sau một lần ra khơi.

Có một điều đáng mừng với người dân Nghĩa An là nếu như trước bão Chanchu, trong số 25 chiếc tàu của người dân Nghĩa An thì chỉ có 2 chiếc 160 mã lực, đủ sức chống lại bão thì đến nay hầu hết những ngư dân Nghĩa An đã đủ sức sắm cho mình những chiếc tàu lớn với công suất từ 90 đến 360 mã lực để có thể ra khơi xa. Chính vì thế, những năm gần đây, Nghĩa An đang chuyển mình, vươn lên với tổng giá trị sản xuất luôn luôn đạt trên 700 tỷ đồng/năm, trong đó có đến 95% là từ sản xuất và đánh bắt thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề săn “cọp biển”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.