Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề phụ, thu nhập chính

Ngọc Minh| 01/06/2010 07:14

(HNM) - Về thăm trang trại nuôi bò của anh Trường, xã Minh Châu (Ba Vì), người đi đầu phong trào chăn nuôi và phát triển đàn bò thịt quy mô lớn nhất huyện, có 85 con.

Sao anh không nuôi bò sữa cho thu nhập cao hơn? - tôi hỏi.

Anh cười, tôi phải làm khác mọi người thì mới "ăn", cuối năm 2008, đầu năm 2009, nhiều hộ nuôi bò sữa có lúc khốn khó, thì tôi vẫn ung dung. Anh Trường kể tiếp: Trước kia nhà tôi chỉ cày cấy, làm thuê, kéo xẻ; nuôi lợn nái nhưng thua lỗ triền miên... Đầu năm 1986, đã mua 2 con bò giống về nuôi, đến cuối năm sinh ra bê, đàn bò cứ sinh sôi; đến năm 2000 tăng lên 20 con. May thay đến năm 2004, địa phương có chính sách trợ giá cho người chăn nuôi bò, mỗi con bò 2 triệu đồng, tạo cơ hội cho gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi lên 50 con. Tuy nhiên nuôi bò thịt cũng có lúc thăng trầm, nhiều gia đình không đủ trang trải nguồn thức ăn phải bán con giống hoặc mổ thịt, nhưng tôi vẫn quyết giữ đàn bò và tin tưởng có ngày thị trường sẽ ổn định. Những năm gần đây, giá cả bò giống nhích lên, bò thịt cũng tăng, gia đình thường xuyên duy trì đàn có từ 85-90 con bò các loại, từ bán bò giống và bò thịt cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, đúng là chăn nuôi là nghề phụ lại cho thu nhập chính đấy.

Hiện nay trên địa bàn xã Minh Châu có hàng trăm hộ nuôi bò, chủ yếu bò thịt, bởi ở nơi ốc đảo Minh Châu, nằm giữa sông Hồng, cỏ nhiều, ngoài ra các gia đình còn trồng cỏ VA06, cỏ sữa, ăn cây ngô... đàn nuôi thả rông ở một bãi cỏ riêng. Điều quan trọng là phải biết kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn bò, anh Trường chia sẻ.

Thiết nghĩ ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy có lợi thế về đồng cỏ, bên cạnh nuôi bò sữa, nhiều hộ có thể nuôi bò thịt, đây là một hướng phát triển kinh tế hộ và làm giàu chính đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề phụ, thu nhập chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.