Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình: “Kho tư liệu sống” của dân ca quan họ

Đăng Khoa| 27/02/2022 06:12

(HNMCT) - Sẽ không quá lời khi gọi Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình là “kho tư liệu sống” của dân ca quan họ, bởi bà có thể hát hàng trăm bài quan họ cũng như hiểu một cách sâu sắc lời người xưa qua từng câu hát. Gặp lại bà vào ngày đầu xuân Nhâm Dần, ở tuổi 83, người nghệ sĩ/ nghệ nhân quan họ ấy vẫn mạnh khỏe, dẻo dai, minh mẫn và đặc biệt khi nhắc đến quan họ bà vẫn say sưa nói, say sưa hát không ngừng...

NSưT Tạ Thị Hình (đứng giữa, quàng khăn) bên các liền anh, liền chị quan họ.

1. Trong không khí đầu xuân, tôi “đi tìm” câu quan họ nơi thành phố Bắc Ninh - trung tâm của vùng văn hóa Kinh Bắc. Người ta thường nói, về Bắc Ninh mà không nghe quan họ thì thật đáng tiếc. Và điều may mắn đầu xuân của tôi chính là được gặp và nghe người “quan họ gốc” Tạ Thị Hình hát và giảng giải từng lời ca của quan họ để thấy được cái hay, cái đẹp, cái tình của loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo này.

Nghệ nhân Tạ Thị Hình sinh ra tại làng Bồ Sơn (nay thuộc thành phố Bắc Ninh) - một trong 49 làng quan họ cổ, bởi thế ngay từ khi còn nhỏ bà đã được các nghệ nhân trong làng chỉ bảo tận tình. Cứ thế, tình yêu với quan họ tiếp tục được nhen nhóm trong bà qua năm tháng, mặc dù cuộc sống lúc ấy còn nhiều vất vả. Ham học hỏi, bà cất công đi tìm nghệ nhân giỏi để học thêm bởi bà quan niệm, “chơi” quan họ là cái nghiệp không có điểm dừng, không có đích đến, không được thỏa mãn với những gì mình biết. Chính vì tinh thần cầu thị đó mà bà được các nghệ nhân cùng thời và thế hệ sau này đánh giá cao, luôn nhắc đến với sự nể trọng.

Nghệ sĩ Quý Thăng, người có nhiều nỗ lực gìn giữ quan họ trên đất phương Nam nhận định: “Bà Tạ Thị Hình là nghệ nhân quan họ cổ hàng đầu của Bắc Ninh. Từ những tháng năm đầu thập niên 70, dưới sự lãnh đạo và quan tâm của Trưởng ty Văn hóa Hà Bắc Lê Hồng Dương, bà Hình là người tiên phong trong việc bảo tồn quan họ. Nhắc đến bà là nhắc đến 3 con người - đó là người nghệ sĩ/ nghệ nhân có chất giọng đẹp như tình đất, tình người Kinh Bắc; người giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân quan họ và là người “cầm cân nảy mực” cho các cuộc thi quan họ”.

2. Song song với việc truyền dạy quan họ tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc (cũ), bà Hình còn dạy học miễn phí cho những học viên không chuyên từ năm 1988. Thuở ban đầu, bà gặp vô vàn khó khăn vì người dân khi ấy mải lo cơm áo, nghệ thuật truyền thống còn chưa được coi trọng như bây giờ, thế nhưng bà vẫn bền lòng đến từng nhà động viên bởi bà tin, dân ca quan họ sẽ bay cao, bay xa, sẽ vang vọng, lan tỏa đến nhiều thế hệ.

Lớp học ban đầu của bà bao gồm nhiều thành phần, lứa tuổi, người biết nhiều, người biết ít. Mày mò nghiên cứu, bà tìm phương pháp dạy học linh hoạt để mang lại hiệu quả cao nhất cho người học. Với thiếu nhi, bà thường bồi dưỡng hát đơn, còn người lớn là hát theo cặp. “Trái ngọt” đã đến khi nhiều học viên trong lớp có được thành tích trong các cuộc thi hát quan họ toàn quốc như các liền anh, liền chị Thu Trang (2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc), Mạnh Luyện (1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc), Nguyễn Thị Thành (l Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc)...

Với tinh thần truyền dạy quan họ ở bất cứ đâu, với bất cứ ai có nhu cầu, bà còn dạy cho các em học sinh ở Trường THCS Võ Cường vào các tiết học văn nghệ, hướng dẫn các em ở Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh. Bà hăm hở đến các địa phương khác như Hà Nội, Lạng Sơn... để truyền dạy tại các câu lạc bộ yêu thích quan họ. Song song với công việc giảng dạy, bà ghi chép gần 400 bài thơ, gần 400 bài hát quan họ cổ tặng cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và thu thanh gần 200 bài - đủ các loại giọng - cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

3. Nghệ nhân Tạ Thị Hình khẳng định, UNESCO công nhận dân ca quan họ Bắc Ninh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ qua lời ca tiếng hát mà còn qua lối sống nghĩa tình của người dân nơi đây. “Văn hóa quan họ có nét độc đáo riêng bởi lối ứng xử khéo léo, tinh tế, kín đáo và mang đầy ý nghĩa nhân văn. Người quan họ luôn từ tốn, khiêm nhường từ lời ăn tiếng nói cho đến lối ứng xử. Họ gọi nhau là liền anh, liền chị và bao giờ cũng tự nhận là em với khách. Vì thế mà men say quan họ dạt dào, tình tứ đầy sức cuốn hút đối với du khách bốn phương. Điều đó giúp lý giải vì sao quan họ truyền thống lại có sức quyến rũ và lay động lòng người đến vậy. Vì sao giữa bộn bề của cuộc sống nơi phố thị, quan họ vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người nghe đến vậy” - nghệ nhân Tạ Thị Hình bày tỏ.

Là người trưởng thành từ phong trào văn nghệ địa phương nhưng bà Tạ Thị Hình là một trong số ít người được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Sau này, bà còn được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và có tên trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong đợt xét duyệt tới đây. Tuy nhiên, khi nhắc về danh hiệu, bà Hình khiêm tốn: “Danh hiệu cao quý nhất là danh hiệu trong lòng nhân dân, là khi mình cất lên tiếng hát, khán giả biết mình là ai, là mỗi khi về Bắc Ninh nhắc đến Tạ Thị Hình, người ta biết đó là một nghệ sĩ/ nghệ nhân quan họ. Đã là một nghệ nhân/ nghệ sĩ quan họ, tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn dân ca quan họ trước sự du nhập của nhiều dòng nhạc mới”.

Cuộc trò chuyện bên chén trà nóng ngày đầu xuân khiến bà nhớ khôn nguôi những năm tháng đã qua. Nghệ nhân Tạ Thị Hình bảo, bà luôn biết ơn các nghệ nhân quan họ đã đùm bọc, dạy dỗ để bản thân có được ngày hôm nay. Đặc biệt, bà nhớ đến hai người, đó là nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà thơ Huy Cận. “Khi giữ cương vị lãnh đạo ngành Văn hóa, nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà thơ Huy Cận luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện để tôi hoàn thiện giọng hát cũng như được lan tỏa câu quan họ trên quê hương. Nhà thơ Huy Cận đã tặng tôi cây bút và dặn “Muốn làm nghệ nhân giỏi thì phải không ngừng học tập”. Tôi luôn biết ơn và khắc ghi điều đó để nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật quan họ” - nghệ nhân Tạ Thị Hình chia sẻ.

Với hơn 70 năm biết đến quan họ, nghệ nhân Tạ Thị Hình cảm nhận, mặc dù quan họ đang phát triển nhưng lại đang có sự giảm sút về lối chơi. Nếu như trước đây hát canh thâu đêm suốt sáng thì giờ đây đã không còn như thế nữa, trong cách hát ở nhiều nơi cũng có sự khác biệt. Hơn ai hết, bà mong mỏi về một tương lai điệu dân ca Kinh Bắc vẫn luôn giữ được cái gốc, cái nền nếp trong sinh hoạt quan họ của người xưa, cho dù cuộc sống có biến đổi thế nào chăng nữa.

Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình sinh năm 1939 tại làng Bồ Sơn (nay thuộc phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh). Năm 1995, bà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Văn hóa". Bà được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001, Nghệ nhân Ưu tú năm 2018. Bà có 19 năm giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc (cũ) và 16 năm làm giám khảo Cuộc thi hát đối đáp quan họ đầu xuân của tỉnh Bắc Ninh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình: “Kho tư liệu sống” của dân ca quan họ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.