Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ nhân hoa Hà Nội

Văn Ngọc Thủy| 08/04/2018 07:36

(HNM) - Hà Nội bốn mùa hoa, ở con phố nào, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm ta cũng bắt gặp những góc hàng xinh xắn tràn ngập hoa tươi. Mỗi sớm mai, những chiếc xe đạp rực sắc hoa len lỏi trong từng góc phố, trở thành hình ảnh quen thuộc và thú vị trong mắt du khách. Cũng từ rất lâu, chơi hoa đã trở thành nét văn hóa riêng có của người Hà Nội. Đến hôm nay, cái thú chơi tao nhã ấy vẫn được nhiều người gìn giữ và phát triển, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng...

Anh Nguyễn Mạnh Hùng đã được công nhận là Nghệ nhân bàn tay vàng ngành hoa nghệ thuật.


Vì yêu mà đến với hoa...

Đã 31 năm kể từ ngày chính thức bén duyên với hoa, đến nay nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1970) vẫn cặm cụi với những ý tưởng sáng tạo như một thứ nghiệp khó dứt. Sau nhiều lần “đặt lịch”, phải đến đầu tháng 4, khi anh kết thúc chương trình phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6, tôi mới có dịp trò chuyện với anh trên một con phố sầm uất bậc nhất của Hà Nội, cũng là nơi anh đặt “đại bản doanh” cho tình yêu và những ý tưởng của mình với hoa. Một chiếc xe đạp trắng muốt sắc loa kèn lướt qua góc phố nơi chúng tôi ngồi, hay một tán sưa xanh nõn lá non phía vỉa hè đối diện càng khiến Nguyễn Mạnh Hùng say sưa nói về hoa, về những mùa hoa Hà Nội anh yêu...

“Tháng giêng hoa đào bừng nở, đón xuân khoe sắc hồng tươi. Tháng hai hoa ban ngập tràn, tím biếc những gương mặt phố; Tháng ba bất chợt một ngày, trắng tinh hoa sưa về đây. Tháng tư loa kèn mỏng manh, những góc phố con đường quen...”. Và còn nữa, những cánh sen nồng nàn hương đất trời chỉ có ở đầm Trị, Hồ Tây; sắc bằng lăng tím ngát và phượng vĩ đỏ rực một góc hồ Hoàn Kiếm huyền thoại; dãy sấu hương hoa mát thanh những sáng hè ngồi cà phê phố Phan Đình Phùng; đêm cuối thu xao xác hoa sữa ven hồ Thiền Quang; những vạt cúc bừng lên trong nắng ở cánh đồng làng Đăm, phường Tây Tựu hay đám cải vàng rực rỡ cuối đông ven bờ bãi sông Hồng, sông Đuống...

Tình yêu hoa ngấm vào tâm hồn Nguyễn Mạnh Hùng từ thời thơ ấu, khi anh sống cùng một người bà trong họ là nghệ nhân hoa lụa Hoàng Thị Ðào. Hồi ấy, Nguyễn Mạnh Hùng được bà Hoàng Thị Ðào “mớm nghề” bằng những câu chuyện về thú chơi hoa của người Hà Nội. Hằng ngày, Hùng đi học một buổi, còn một buổi đến cửa hàng phụ giúp bà làm những việc vặt như cắt dây thép, nhuộm màu, vê cành... Chính sự tỉ mỉ, nắn nót để tạo ra những bông hoa xinh xắn đã đánh thức đam mê sáng tạo trong anh.

Nghệ nhân có đôi tay vàng

Năm 1987, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Mạnh Hùng đã được công nhận là nghệ nhân “Bàn tay vàng” ngành hoa nghệ thuật và trở thành người trẻ nhất được công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực này cho đến nay. Thời gian gần đây, người ta nhắc đến Nguyễn Mạnh Hùng với tư cách một nhà thiết kế, nhà tư vấn, một florist (người nghiên cứu về hoa) cho các chương trình lễ hội lớn như Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Phố hoa Hà Nội, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống 2016, Lễ hội áo dài Hà Nội 2016, các lễ nghi cấp Nhà nước đón tiếp nguyên thủ quốc gia các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam...

Ngoài tham gia các chương trình và lễ hội trong nước, Nguyễn Mạnh Hùng còn tham gia nhiều liên hoan và triển lãm hoa quốc tế, đạt được nhiều giải thưởng lớn. Anh cũng đầu quân cho một chương trình dạy cắm hoa trên Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình này đã kéo dài hơn 8 năm, khoảng thời gian kỷ lục đối với một chương trình truyền hình. Qua đây, anh đã “truyền nghề” đến người yêu hoa khoảng 1.200 mẫu hoa nghệ thuật.

Tháng 8-2016, anh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Hiện tại, Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ nhân văn hóa dân gian Hà Nội. Khó có thể kể hết những danh hiệu anh đã đạt được, điển hình, như: Nghệ nhân bàn tay vàng Việt Nam, Nghệ nhân bàn tay vàng Hội đồng nghệ thuật Đông Dương, Nghệ nhân bàn tay vàng ngành thủ công nghiệp Việt Nam, Nghệ nhân hoa nghệ thuật Hà Nội, 3 kỷ lục gia ASEAN, Cúp vàng triển lãm hoa Nagasaki - Nhật Bản 2011, Tổng đạo diễn Lễ hội Phố hoa Hà Nội 2009 - 2010 - 2012...

Cuối năm 2017, anh là một trong 5 nghệ nhân được Thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Anh chính là tác giả của con ong hoa cao 6m năm 2005, con rồng hoa dài 12m tại Festival hoa Đà Lạt 2007. Đặc biệt là mâm lễ 2.000 hoa cúc xanh xếp thành hình đất nước dâng lên bàn thờ Quốc tổ tại đền Hùng; mâm lễ dâng đền mẫu Âu Cơ với hình hai cánh tay ôm lấy trái tim kết bằng 1.000 đóa hồng môn. Ngoài ra, Nguyễn Mạnh Hùng được biết đến với nhiều tác phẩm kết hoa tươi độc đáo, mang đầy tính nghệ thuật, như: Đôi rồng kết bằng hoa tại Lễ hội Phố hoa 2009 Hà Nội, chiếc áo dài bằng hoa đạt kỷ lục tại Lễ hội hoa 2010 Hà Nội… hay đôi rồng cao 7m với hơn 60.000 bông hoa tại cố đô Hoa Lư mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Nhiều lần làm Tổng đạo diễn Lễ hội Phố hoa Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận ra sự biến đổi trong tình yêu của người Thủ đô dành cho hoa. Năm 2009, lần đầu tiên lễ hội được tổ chức, nhiều người dường như bị choáng ngợp bởi khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm xuất hiện quá nhiều hoa đẹp, trang trí mới lạ và không ít người chụp ảnh đã thưởng hoa bằng cả... chân tay. Nhưng những mùa sau, cùng sự vào cuộc tích cực của truyền thông, người tham gia đã ứng xử văn minh hơn. Đến nay, người yêu hoa không chỉ muốn mang hoa đẹp về nhà mà còn lưu lại những hình ảnh thật đẹp cùng hoa, chia sẻ trên mạng xã hội để nhiều người cùng thưởng lãm. Mùa hoa sưa, hoa ban, trên đường phố không hiếm những nhóm bạn diện thật đẹp, áo dài đủ màu sắc say mê lưu giữ những khuôn hình đẹp với hoa. Không ít cánh đồng ngoại thành Hà Nội giờ không chỉ là nơi trồng hoa để bán mà chủ vườn còn trang trí sinh động để cho thuê chụp ảnh theo giờ....

Hoa giờ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Và những nghệ nhân như Nguyễn Mạnh Hùng không chỉ muốn dừng lại ở thú thưởng lãm hoa giản đơn, mà còn có ý tưởng kết hợp nghệ thuật tạo hình cho hoa từ những loại hoa giấy, hoa nhựa, hoa lụa, hoa khô... Theo anh, đó chính là cách để tôn vinh các sản phẩm hoa Việt vốn mang trong đó cả tinh hoa văn hóa, tâm hồn và cốt cách Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân hoa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.