Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề nào cũng cần có đạo đức!

Hoàng Thu Vân| 02/11/2010 05:58

(HNM) - Như nhiều người đã biết, rạng sáng ngày 18-10- 2010, chiếc xe khách của Đắc Nông biển số 48K-5868 gặp nạn tại địa bàn xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).


Trên xe lúc đó có 37 hành khách, 17 người sống sót sau vụ tai nạn này, còn 20 hành khách bị kẹt trong xe đã tử vong. Tới ngày 21-10 các lực lượng chức năng mới xác định được vị trí chiếc xe bị nạn để trục vớt, đã tìm thấy thi thể của 15 nạn nhân, còn 5 người nữa thì đến nay vẫn nằm đâu đó dưới lòng sông.

Ngày 23-10, cơ quan điều tra CA huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với Trần Văn Trường (sinh năm 1975), trú tại Hải Hậu (Nam Định) về tội danh "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng". Ngày 29-10, sau hơn chục ngày nỗ lực và huy động mọi phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, lực lượng chức năng chính thức thông báo dừng lại công việc này khi mọi cố gắng đều trở nên vô vọng...

Điểm lại vài mốc diễn biến của vụ việc đau thương trên để thấy đây vẫn là tâm điểm về những thiệt hại mất mát lớn nhất trong 2 đợt mưa lũ chồng lên nhau xảy ra tại các tỉnh miền Trung thời gian vừa qua. Trong khi dư âm của vụ việc vẫn chưa nguôi ngoai, những ngày cuối tháng 10 mưa lũ lại tiếp tục hoành hành ở các tỉnh Nam Trung bộ. Và lại thêm một vụ việc khiến dư luận không khỏi giật mình lo ngại. Trong khi nhiều đoạn đường qua các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận ngập sâu trong nước, rạng sáng ngày 31-10, một ô tô khách chở hơn 20 người từ Thừa Thiên Huế đi Lâm Đồng, chạy hướng Nha Trang - Đà Lạt vẫn cố băng lũ. Khi đến đèo Khe Me, xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hòa), đoạn gần sông Cái, gặp nước xoáy, xe bị chết máy. May mà lực lượng tại chỗ đã kịp thời ứng cứu, giải thoát tất cả hành khách trên xe. Có lẽ 20 hành khách đi trên chiếc xe này được một phen hú vía, nhớ đời và liệu sau này không hiểu rằng họ có đủ can đảm tiếp tục đi xe khách nữa không ?

Trở lại câu chuyện ban đầu về chiếc xe 48K-5868. Tại CA huyện Nghi Xuân, tài xế Trần Văn Trường khai nhận: Do thúc bách bởi thời gian nên bất chấp mưa lũ, Trường đã lái xe vượt đoạn đường này và gây nên thảm họa. Ở đây, chưa bàn tới việc có hay không những trạm gác của CSGT để cảnh báo cho các lái xe về đoạn đường nguy hiểm. Song hành động của lái xe Trần Văn Trường là rất đáng lên án, bởi điều đó liên quan tới sự an toàn tính mạng của hàng chục hành khách. Cội rễ sâu xa trong vụ việc trên là vấn đề đạo đức, lương tâm của lái xe. Thật ra, dù đối với lái xe hay bất cứ nghề nào khác trong xã hội, đạo đức nghề nghiệp luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng, từ đó giúp cho con người điều chỉnh tư duy và hành vi của mình. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà không ít kẻ cố tình làm liều, sẵn sàng vượt rào, coi thường lợi ích và sự an toàn của cộng đồng. Cũng đã từng có không ít lời phàn nàn về chuyện lái xe khách đường dài phóng nhanh, vượt ẩu, cướp đường để "chạy đua" trong việc "bắt" khách. Cũng đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông đau lòng cướp đi sinh mệnh của hành khách và cả người đi đường do những hung thần ngồi sau tay lái những chiếc xe chạy đường dài gây ra...

Chắc chắn sẽ có một bản án nghiêm khắc dành cho lái xe Trần Văn Trường, song điều đó đâu có thể trả lại cuộc sống cho 20 con người đã đi trên chuyến xe định mệnh này? Rồi sau vụ việc ấy, lại tiếp theo một vụ việc khác trong một thời gian rất ngắn, điều đó cho thấy đây không còn là hiện tượng cá biệt mà đã mang tính chất phổ biến, đáng báo động. Pháp luật cần xử lý thật nghiêm để tăng tính răn đe, trấn áp và phòng ngừa những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra. Các cơ quan chức năng phải kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn ngay những chuyến xe hung thần đó, chứ không phải cứ đứng chờ sẵn ở "chốt" nào đó chờ lái xe khách dừng lại "làm luật". Bên cạnh đó, cũng như trong một số lĩnh vực khác, khách hàng - cụ thể ở đây là hành khách của các nhà xe, tài xế - cần phải trở thành "người tiêu dùng thông minh, thông thái" để tự bảo vệ sự an toàn của chính bản thân. Hãy kiên quyết tẩy chay những nhà xe, lái xe mà lợi nhuận, đồng tiền đã chi phối toàn bộ hành vi và hoạt động của họ. Xã hội không có chỗ cho những doanh nghiệp và những con người làm ăn và kinh doanh thiếu đạo đức, cũng như không có chỗ cho những cán bộ cơ quan chức năng thiếu đạo đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề nào cũng cần có đạo đức!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.