Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề "đò đu dây" ở Hà Nội

Minh Huệ| 31/07/2012 23:02

(HNMO)- Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội, ở nhiều con sông những cây cầu đã dần thay thế những bến đò; tại các con sông lớn những nơi chưa có cầu thì việc đưa khách sang sông do những con phà hoặc đò lớn chạy bằng máy đảm nhận…

Lái đò không cần tay chèo

Trên quãng sông Nhuệ dài hơn 2 cây số, chảy qua địa bàn 2 huyện Thanh Trì và Thanh Oai từ nhiều năm nay đã tồn tại 2 bên đò với những chuyến đò đều đặn, cần mẫn hàng ngày đưa khách qua sông. Một bến nối thôn Đan Thầm (xã Mỹ Hưng, Thanh Oai) với thôn Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì); một bến nối thôn Quảng Minh (xã Mỹ Hưng) với thôn Thượng Phúc (xã Tả Thanh Oai).

Có mặt tại bến đò Đan Thầm- Siêu Quần, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh 4, 5 chiếc xe đạp, xe máy cùng với chủ phương tiện ung dung đứng trên một chiếc đò. Điều đặc biệt ở đây là người lái đò không cần dung tay chèo, không dùng sào đẩy mà có thể cho đò chạy vun vút chỉ với một sợi dây. Bởi vậy mà người dân địa phương vẫn thường gọi là “đò đu dây” hay “đò kéo dây”.

Bến đò Đan Thầm- Siêu Quần trên sông Nhuệ


Thoạt nghe thì có vẻ khó hiểu nhưng thực chất lại rất đơn giản. Ở 2 bờ sông, chủ đò (người lái đò) cho đóng cọc gỗ chắc chắn làm điểm tựa để buộc dây. Loại dây được dùng thường là dây lưới bởi vừa rẻ, dễ kiếm mà lại rất dẻo dai, chắc chắn. Với loại dây này, 1 năm mới phải thay dây mới 1 lần. Khi di chuyển, người lái đò chỉ cần vịn tay vào sợi dây và kéo theo hướng về phía trước và con đò cứ theo thế mà lướt đi. Tìm hiểu được biết, chỉ cần kéo như như vậy nhưng một người có thể kéo một chuyến đò có trọng tải lên đến 6-7 tấn.

Khách chờ đò chở sang sông


Phải thừa nhận việc dùng dây kéo thay mái chèo, sào đẩy của các chủ đò ở đây là một “sáng kiến” lớn. Bởi bằng dây kéo, đò sẽ đi nhanh hơn, sức lực bỏ ra sau mỗi chuyến đò cũng ít hơn, thêm vào đò độ an toàn cũng cao hơn.

Duy trì nghề cho đến khi có cầu

Sở dĩ sau hàng chục năm, 2 bến đò ở đoạn sông này vẫn tồn tại được vì nó rút ngắn quãng đường liên thông giữa hai xã từ hàng chục cây số xuống còn chưa đầy cây số. Trên thực tế, xã Mỹ Hưng nằm xa nội thành hơn xã Tả Thanh Oai, trong khi đường sá đi lại không thuận tiện bằng, trong khi cả đoạn sông dài gần chục cây số chỉ có một cây cầu duy nhất (cầu Cự Đà- cầu đường sắt) nên việc người dân chọn đò để đi vừa tiết kiệm về thời gian, vừa tiết kiệm chi phí cho xe cộ, nhất là với tình hình giá xăng tăng cao như hiện nay là giải pháp hợp lý.

Hình ảnh thường ngày


Sau tiếng gọi “đò ơi!” Một bóng người lại lục tục chạy ra và đáp lại “đây rồi, chờ tí!” Đó là những câu nói quen thuộc, cứ được lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác giữa người đi đò và người lái đò nơi đây và dần thành một thói quen. Ngày nào không nghe tiếng ới đò, người dân ven sông như thấy thiếu thiếu cái gì đó.

Riêng tại bến đò Đan Thầm, có tất cả 4 người trông. 2 người ở xã này, 2 người ở xã bên kia. Mỗi người họ luân phiên lái đò trong 3 ngày. Tâm sự về “cái nghiệp” của mình, anh Nguyễn Tràng Dương (33 tuổi) cho biết : “Trước đây bố tôi cũng là lái đò chính tại bến Đan Thầm này. Những lúc ông mệt, mẹ tôi và tôi lại ra chở đò phụ giúp. Cứ thế lâu dần cả nhà gắn bó với nghề. Ấy vậy mà cũng được hơn chục năm. Ngay cạnh nhà có bác Hội cũng là người cùng tôi chở đò chính”.

Đò đu dây là một công việc tuy không vất vả nhưng khá tốn thời gian. Giờ giấc của họ cũng bị phụ thuộc. Sáng sớm từ 3 giờ sáng đã phải thức dậy làm việc, bởi thời điểm này, tập trung khá đông những người đi chợ cá, chợ rau và buôn bán nhỏ khá đông. Công việc chỉ kết thúc vào lúc 9- 10 giờ tối.

Ban ngày để có được những phút nghỉ ngơi cũng khá hiếm hoi. Cứ vừa đặt lưng lại có khách. Do tính chất đơn lẻ, một lượt chỉ có 1- 2 khách đi nên rất mất thời gian. Với một người khách tiền công chở khá rẻ từ 2- 5 nghìn đồng (tùy theo họ đi phương tiện là xe máy hay xe đạp).

Neo đậu đò khi chờ khách


Công việc tốn nhiều thời gian nhưng thu nhập lại không cao, không ổn định như vậy nhưng tại sao những người lái đò như họ vẫn gắn bó với nghề mà không tự tìm cho mình một công việc khác. “Tôi cũng đã nhiều lần định làm công nhân ở nhà máy để có thu nhập khá hơn vì mình còn phải lo cho gia đình nhưng nếu không lái đò nữa thì sẽ chẳng có ai làm tiếp. Người dân mình lại vất vả. Thôi thì cứ đợi 5- 6 năm nữa, nhà nước có xây dựng cầu cho bà con thì mình nghỉ cũng chưa muộn”- anh Dương bộc bạch.

Nghe những lời tâm sự của anh Dương, nhớ lại hình ảnh người đàn ông đu dây một cách khéo léo, chân đứng trên mép đò mà không khỏi khâm phục nghị lực và tấm lòng nhân hậu. Về trưa, trời nắng lên tới hơn 37 độ C, nước sông Nhuệ đen kịt, sủi bọt, bốc mùi ô nhiễm không thể ngửi nhưng không vì thế mà vắng những chuyến đò đưa khách qua sông. Trong lòng người đi đò cũng như người lái đò mong mỏi sớm có cây cầu trên khúc sông này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề "đò đu dây" ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.