Ngày nay, cả phố Sinh Từ chỉ còn 17 cửa hàng bán dao kéo, số người theo nghề xưa không nhiều. Dù không mấy sầm uất đông vui như ngày nào, song các mặt hàng được bày bán ở đây vẫn đầy đủ chủng loại và hầu hết được chế tạo bằng tay như dao bài các cỡ, dao phay, dao xén giấy; kéo cắt tóc, cắt vải, cắt sắt; dụng cụ nạo, gọt. Rồi liềm, hái, cuốc, xẻng, thuổng, mai...
![]()
Ngày nay, cả phố Sinh Từ chỉ còn 17 cửa hàng bán dao kéo, số người theo nghề xưa không nhiều. Dù không mấy sầm uất đông vui như ngày nào, song các mặt hàng được bày bán ở đây vẫn đầy đủ chủng loại và hầu hết được chế tạo bằng tay như dao bài các cỡ, dao phay, dao xén giấy; kéo cắt tóc, cắt vải, cắt sắt; dụng cụ nạo, gọt. Rồi liềm, hái, cuốc, xẻng, thuổng, mai...
Dạo qua các siêu thị ở Hà Nội, hay các cửa hàng bán đồ gia dụng gia đình ở phố Hàm Long, khó có thể tìm thấy các loại dao kéo làm bằng thép như các cụ vẫn dùng. Tràn ngập dao kéo Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Âu, Mỹ, những tưởng thói quen dùng dao kéo Sinh Từ đã mất dần. Thật bất ngờ, chúng vẫn được ưa chuộng, thậm chí "không thể thay thế" trong tay các nghệ nhân và các đầu bếp nhà hàng, khách sạn. Nàng dâu nào muốn làm vừa ý mẹ chồng, để có từng miếng thịt gà trong mâm cỗ không sớt da, trầy miếng, lại phải kiếm một con dao "đồ cổ" thật nặng, thật bén chính hiệu Sinh Từ.
Vào khoảng cuối thế kỷ 19, ông Nguyễn Đắc Nghị, người ở làng Canh thuộc phủ Hoài Đức nay thuộc huyện Từ Liêm đã mang nghề làm dao kéo từ quê ông lên Hà Nội. ông Nghị dựng nghiệp tại phố Sinh Từ, với cửa hàng mang tên hiệu Sinh Tài. Ông Nghị chính là người đã tự luyện thép theo phương pháp thủ công, gồm gang và sắt tây để chế tạo ra các loại dao kéo. Sản phẩm đặc biệt của ông chính là những con dao được làm bằng thép bổ, tức là dao được sản xuất bằng thép ở giữa và sắt ốp ở hai bên. Loại dao này chủ yếu là để phục vụ một số ngành nghề như đóng giày dép, cắt lốp ô-tô và các nhà hàng, khách sạn thời bấy giờ. Từ đây sản phẩm của cửa hàng Sinh Tài dần dần nổi tiếng, không những trong mà còn ở cả ngoài nước.
Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954 , ở phố Sinh Từ duy nhất chỉ có hiệu dao kéo Sinh Tài. Đến đầu thế kỷ 20 tại đây xuất hiện thêm một cửa hiệu nữa - hiệu Sinh Lợi. Tuy nhiên đến năm 1955 thì hiệu Sinh Lợi không còn vì không có người nối nghề.
Người đời có thể quên, nghệ nhân thì nhớNgười con cả của ông Nguyễn Đắc Nghị là ông Nguyễn Đắc Cẩn (sinh năm 1898) học nghề của cha từ năm 15 tuổi. Ông Cẩn đã tiếp thu được nghề luyện thép của cha và phát triển thêm sản phẩm phục vụ cho một số ngành khác như mộc, nề, điêu khắc, cắt xén giấy. Khi những chiếc ô-tô, tàu hỏa đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, vào khoảng đầu những năm 1920, thì cũng là lúc ông Cẩn nghĩ ra việc tái chế những thanh nhíp hỏng của ô-tô và lò xo toa xe lửa hỏng để sản xuất ra dao kéo. Vào khoảng đầu những năm 1940, sản phẩm dao kéo của cửa hàng Sinh Tài đã được xuất khẩu bởi lái buôn người Hoa nổi tiếng Ngô Quốc Giang Nam sang các nước láng giềng như Ai Lao (Lào), Cao Miên (Cam-pu-chia) và Xiêm La (Thái-lan). Cho đến năm 1994, ba lô hàng đầu tiên của Sinh Tài đã được xuất đi Pháp và sản phẩm được bán tại Pháp với giá là 100 USD/chiếc.
Khi ông Cẩn mất, người con trưởng của ông là Nguyễn Đắc Bình nối tiếp nghề của cha, tiếp tục duy trì sản xuất. Cửa hàng dao kéo Sinh Tài vẫn là một trong những cửa hàng được nhiều khách hàng tìm đến. Tuy nhiên, đến đời ông Bình thì dao thép bổ còn được sản xuất. Theo ông Bình, ngoài chuyện giá thành cao (cao gấp đôi dao thép đặc) thì loại dao thép bổ rất kén người sử dụng. Hơn nữa, để mài được nó không phải là chuyện đơn giản. Do đó số người yêu cầu loại hàng này ngày càng ít đi và đến nay thì gần như không còn. Ông nhớ như in những trường hợp hiếm hoi mà khách hàng đến đặt ông làm dao thép bổ. Ông kể: Cách đây không lâu có một người ở làng Bưởi đến đặt ông làm một con dao xén giấy bản bằng thép bổ, ông nói giá là 200.000 đồng. Khi nhận được sản phẩm, ông ta đã trả gấp đôi số tiền và thốt lên: "Tôi sẽ dùng con dao này cho đến khi nó mòn đi đến một nửa thì thôi, lúc đó nó sẽ là một trong những vật báu của nghề làm giấy bản gia truyền của nhà tôi".
Có Tâm Đức mới giữ được thương hiệuTheo ông Bình, dao thép bổ phần lớn được sử dụng để cắt da, cao-su trong nghề đóng giày dép hay làm những chiếc đục trong nghề mộc. Để có được một con dao cắt da ưng ý, xưa kia khách hàng mua dao về không sử dụng trong 3 tháng, cho thép "dịu đi", rồi trong một tháng tiếp theo thì ngày nào cũng phải dành một tiếng để mài, sau đó mang lại cửa hiệu để cho nghệ nhân kiểm tra, mới bắt đầu được sử dụng. Một con dao như vậy có thể dùng trong 3-4 năm mới hỏng. Ông cũng cho biết có hai yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng của sản phẩm: thứ nhất là người thợ phải biết chọn thép để sử dụng cho đúng mục đích và thứ hai là tôi thép làm sao cho tốt.
Cho đến tận thời điểm bây giờ, nguồn nguyên liệu chủ yếu của ông Bình vẫn là những bộ nhíp xe ô-tô, ổ lò xo cũ. Bộ nhíp xe, theo ông Bình, được chia thành 3 loại: thanh đệm (gai thép to nên giòn), thanh chịu tải (gai thép nhỏ hơn) và thanh chịu lực chính thì gai thép rất nhỏ, do đó độ đàn hồi tốt nhất. "ba loại thép này có độ tôi khác nhau, độ đàn hồi khác nhau do đó bí quyết là người thợ phải biết dùng loại thép nào để tôi những sản phẩm như thế nào", ông nói.
Vì vậy giá thành sản phẩm cũng được tính từ đây. "Thường giá sản phẩm chúng tôi bán ra bao giờ cũng cao hơn giá sản phẩm của các cửa hàng trong phố vì chất lượng và độ bền sản phẩm của chúng tôi cao hơn rất nhiều. Trên sản phẩm của chúng tôi luôn luôn có đóng hai chữ "Sinh Tài" bằng chữ Hán. Ngoài việc quảng cáo tên hiệu, hai chữ Sinh Tài trên sản phẩm còn có nghĩa bảo hành sản phẩm".
Để "thực mục sở thị", tôi tìm về tận quê nhà ông Bình, nơi vẫn sản sinh ra những con dao, cái kéo nổi tiếng từ cuối thế kỷ 19. Đến tận hôm nay, những con dao cái kéo mang nhãn Sinh Tài vẫn được sản xuất bằng phương pháp thủ công trên một cái lò bằng than đá, với chiếc búa, chiếc kìm, hòn đá đơn sơ...
Chỉ vào con dao mà ông Nguyễn Đắc Sửu, anh của ông đang rèn, ông Bình tiết lộ: "Cái khó của người thợ thủ công nghề cơ khí là phải biết nhìn ngọn lửa, nhìn độ hồng đỏ trên miếng thép đang làm. Nếu để đỏ quá mang ra rèn có thể rút ngắn thời gian làm nhưng hậu quả là thép bị giòn, khi tôi sẽ nứt, nổ, người dùng vô ý đánh rơi sẽ bị gẫy. Cái cần là làm sao con dao, cái kéo vừa sắc, vừa dẻo mới đạt yêu cầu.
Ngôi nhà thờ Từ Đường, năm gian xây theo kiểu cổ đã gần 100 năm tuổi, thờ tổ tiên và thờ nghệ nhân Nguyễn Đắc Nghị - người thợ đã mang nghề dao kéo với nhãn hiệu
Sinh Tài ra phố Sinh Từ xưa. Bên trái nhà thờ có treo tấm bảng làm bằng gỗ sơn mài với dòng chữ Nôm: Cha truyền con nối nghề dao, kéo - Sinh Tài mong để tiếng về sau. Trước khi mất, ông Nguyễn Đắc Cần đã để lại lời dặn này. Nguyện vọng của ông là mong cho con cháu sau này phải giữ được tiếng thơm, giữ được nghiệp nhà.
Muốn làm được điều này, "không có cách gì khác là con dao, cái kéo làm ra phải tốt, phải bền hơn trước...". Bên phải nhà thờ còn treo ba đĩa sứ cổ với ba chữ Hán: Tâm - Đức - Nhân. Đây cũng là ý nguyện của ông tổ nghề. Ông Bình kể: Sinh thời, cụ Nghị vẫn dùng ba chữ này để răn mình và con cháu: "Người thợ phải có tâm với nghề, có đức trong người thì nghề mới vững; phải biết nhẫn nại tìm tòi mới thành thợ giỏi, mới có sản phẩm tốt".
Có lẽ con dao cái kéo gia truyền mác Sinh Tài ở phố Sinh Từ tồn tại và nổi tiếng đến ngày nay là được "rèn" từ những lời răn dạy trên của những bậc tiền bối? Cửa hàng Sinh Tài từ năm 1895 trước ở số nhà 30 phố Sinh Từ, sau chuyển sang số 57 và 29. Từ năm 1950 đến nay cửa hàng chỉ có một địa chỉ duy nhất tại 15A Nguyễn Khuyến.
P.V