(HNM) - Chơi cây cảnh đạt đến độ
Vào độ Giêng, Hai, Kẻ Đơ (làng Triều Khúc) thường mở hội tưng bừng với nhiều trò hút khách có thể xem là vang danh thiên hạ. Năm nay, hội làng có thêm gian trưng bày cây cảnh. Những nét tài hoa của làng ven đô có dịp phô bày. Dường như thú chơi tiềm ẩn này đã xóa đi hình ảnh Kẻ Đơ - Triều Khúc là làng nghề chuyên thu gom rác và làm chổi lông gà, lông vịt để rồi phải chịu nhiều điều tiếng như ô nhiễm môi trường sống, tệ nạn xã hội… Một dạo, người đời vẫn nghĩ về làng Triều Khúc như thế nhưng không ai phủ nhận nét đẹp cổ kính của làng. Ẩn sâu trong những ngõ quanh co, người làng vẫn giữ được nét truyền thống ngàn đời là thú chơi cây cảnh. Nghệ thuật chơi cây cảnh ở Triều Khúc đã đạt đến độ mà người chơi khắp cả nước đều muốn tìm đến. Và trong bất kỳ cuộc thi cây cảnh nào mang cấp toàn quốc, cây cảnh làng Triều Khúc cũng đều đoạt giải cao cùng những vùng chơi cây cảnh trứ danh như: Nam Định, Ninh Bình, Huế… Thú chơi cây cảnh luôn là tài sản tinh thần vô giá mà người Triều Khúc dù nam, phụ, lão, ấu đều muốn gìn giữ và lưu truyền cho những thế hệ sau.
Những cây cảnh từng rinh giải thưởng làng Triều Khúc. |
Thầy giáo Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Hai Bà Trưng cho biết, từ lâu người Triều Khúc vẫn coi cây cảnh là thú chơi, không nặng về giá trị kinh tế. Người chơi có thể cho, tặng cây cho nhau chứ không có chuyện bán mua. Chăm sóc cây là cách tốt nhất để vượt qua những áp lực trong cuộc sống. Còn với giới trẻ Triều Khúc ngày nay, một thú đam mê mới sẽ giúp đẩy lùi phần nào những thói hư, tật xấu đang "xâm chiếm" làng cổ. Câu chuyện của thầy Khánh về cây còn dài khi nhắc đến câu chuyện đám thanh niên quyết tâm gìn giữ cây bồ đề mọc ngay sát ao làng suýt bị đem đi ra sao. Nếu là người Hà Nội nặng lòng với những nét cũ, dấu xưa chắc không ai quên được đường vào làng Triều Khúc phải qua một ao làng đẹp với dáng cây bồ đề ngả xuống có một cành rễ đại ôm lấy đường như một cái cổng làng tự nhiên. Trong tất cả những bức ảnh về làng cổ Hà Nội những năm 2010 trở về trước, hình ảnh ao làng Triều Khúc có gốc bồ đề xõa bóng thành chiếc cổng thiên nhiên luôn để lại dấu ấn về mảnh đất nghìn năm.
Vậy mà cách đây chừng 4 năm khi xã Tân Triều quyết định mở rộng con đường vào làng chạy qua trụ sở UBND xã, cây bồ đề đã bị chặt hạ. Đến nay người làng vẫn xầm xì câu chuyện về việc triệt hạ một cây cổ thụ hàng trăm năm vào "nửa đêm gà gáy". Đêm bồ đề bị chặt, làng Triều Khúc như có động, trai làng không ai bảo ai đều có mặt ở sân đình ngăn không cho việc người ta đưa xe tải vào để mua cây. Việc này diễn ra trong trật tự và anh Khương, người xóm Lẻ đã đứng ra thương thuyết để chuộc lại cây với giá 15 triệu đồng. Và phải mất vài năm sau với bàn tay tài hoa của người dân, cây bồ đề (được trồng lại ở ngay ngã tư đầu làng) mới tỏa bóng sum suê. Giờ mỗi khi người ở xa đến ngồi dưới bóng mát bồ đề ngắm cây tấm tắc khen đẹp, càng khiến người làng thấy chạnh lòng nhớ về dáng cây cũ đã một thời làm mê lòng bao tao nhân mặc khách.
Nghề chơi tỏa sáng
Nếu như hàng vạn du khách tham gia lễ hội Triều Khúc bao năm qua bị mê đắm trong không gian huyền ảo của lễ tế, lễ rước nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; ông tổ nghề dệt họ Vũ (sống vào thế kỷ XVIII); nét độc đáo trong điệu múa "con đĩ đánh bồng" hoặc các trò chơi mang đậm tính dân gian như đấu vật, múa rồng, chạy cờ… thì những năm gần đây, nét tinh hoa, bàn tay khéo léo của người dân Triều Khúc còn có dịp khoe ra qua triển lãm cây cảnh nghệ thuật.
Ông Bùi Duy Thắng, Chủ nhiệm CLB Sinh vật cảnh Triều Khúc cho biết, truyền thống chơi cây cảnh nghệ thuật đã có từ lâu đời tại làng Triều Khúc. Trong thời kỳ hội nhập, không ít giá trị tinh thần quý giá của cha ông đã và đang bị mai một nhưng lòng yêu thiên nhiên, say mê với vẻ đẹp của cây cảnh nghệ thuật thì vẫn là một dòng chảy mạnh mẽ, liên tục. Những năm gần đây, kế thừa truyền thống của cha ông, cộng với lòng đam mê và sự học hỏi không ngừng, nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của nghệ nhân trong làng đã đoạt được các giải cao trong các hội chợ triển lãm cấp quốc gia, được giới chơi cây ghi nhận và đánh giá cao bởi phong cách đầy sáng tạo. Bản thân ông Bùi Duy Thắng cũng là người đóng góp quan trọng tổ chức những cuộc thi cây cảnh tầm cỡ quốc gia nhân dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long và nhiều cuộc thi khác. Dịp Xuân Giáp Ngọ vừa qua, lần đầu tiên ông Thắng trổ tài tổ chức một cuộc thi cây cảnh cấp làng. Tuy chỉ là phạm vi nhỏ hẹp nhưng cũng có nhiều cây cảnh trứ danh như cây sanh dáng mẫu tử của ông Triệu Chi Lăng (xóm Đình) từng đoạt giải cao trong cuộc thi cây cảnh hay những cây cảnh của các nghệ nhân Nguyễn Duy Hợi (xóm Án), Cao Duy Hải (xóm Lẻ)… Ngoài ra còn có sự góp sức của nhiều hội cây cảnh, bon sai khác với 170 tác phẩm cây cảnh. Chất lượng của các tác phẩm đem ra trưng bày chắt lọc theo 4 tiêu chí "cổ, kỳ, mỹ, văn", hướng tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ, được khách tham quan đánh giá cao và trên hết là sự trân trọng, tôn vinh của những người đứng ra làm triển lãm. Người dân trong làng đi trảy hội qua thấy triển lãm đẹp đã đóng góp số tiền lớn, tạo thêm kinh phí cho CLB hoạt động.
Với một tác phẩm dù khiêm tốn tự nhận là "tạm ổn" tham gia vào triển lãm, điều khiến thầy giáo làng Nguyễn Văn Khánh tâm đắc nhất là qua năm tháng, từ một cây nhỏ, đơn giản, giá trị thấp, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn có chung đam mê, giờ đây cây đã hoàn thiện đến 80%. Khiêm tốn không xếp mình vào dạng nghệ nhân làng nhưng ông Khánh vẫn khẳng định, cái cách chơi cây cảnh của Triều Khúc phải xếp vào hạng trứ danh khi bất kỳ một cây cảnh nào dù nằm trong vườn nhà, hay còn ở dạng "ngọc trong đá" mọc nơi đầu non, cuối bãi nếu lọt vào "mắt xanh" người làng thể nào cũng lên dáng, lên hình. Ví dụ như gốc hoa giấy dáng huyền, gốc cây si được tạo dáng mẫu tử, hay cây đa lông làm nên dáng làng… Dân xóm Lẻ, Triều Khúc còn truyền khẩu câu chuyện "nhặt được vàng" của anh Triệu Khắc Vinh. Câu chuyện liên quan đến gốc na dại được trả vài chục triệu của gia đình, gốc cây này được anh Vinh tìm thấy khi lên thăm đơn vị bộ đội nơi em trai đóng quân ở gần Hải Phòng. Vốn ban đầu nó chỉ là gốc cây dại mọc xiên xẹo qua một thời gian được chăm sóc kỹ lưỡng vươn lên mạnh mẽ, ý nghĩa bao trùm, chở che như đa, như si. Không nói về giá trị kinh tế nhưng với giống cây đặc biệt và nguồn gốc tự nhiên đã khiến dân chơi thèm muốn.
"Nghề chơi cũng lắm công phu", để có được một cuộc triển lãm cấp làng hội tụ nhiều cây cảnh trứ danh thì việc vận chuyển nhiều cây cảnh tỏa bóng sum suê tới hàng mét từ trong những ngõ hun hút quanh co ra sân đình khi máy cẩu mini, xe công nông không vào được trong sân vườn cũng là cả vấn đề. Thế rồi trai đinh trong làng phải đồng tâm mỗi người một tay khuân cây theo kiểu nâng nhích từng mét tập trung ra sân.
Ông Nguyễn Duy Lưu, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Thanh Trì khẳng định, nét tài hoa của người Triều Khúc trong nghệ thuật chơi cây cảnh còn ở chỗ dù là một cây bình thường nhưng qua cách chăm bón, uốn lượn cũng mang dáng dấp của một thú chơi. Rồi cái cách người Triều Khúc yêu và trọng cây không coi trọng giá trị vật chất cũng là những câu chuyện giản dị về cõi nhân sinh, về triết lý. Dường như nét tài hoa của một vùng đất cổ đã được gửi gắm trong từng dáng cây, dáng người hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.