(HNM) - Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống, xã hội, trong đó những người làm báo cũng phải có cách làm việc mới để mang lại hiệu quả truyền thông mà vẫn bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, người làm báo cần không ngừng nâng cao trách nhiệm và trình độ, khả năng thích ứng với phương thức làm báo hiện đại trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức.
Thay đổi cách thức tác nghiệp
Anh Lương Bá Duy, quay phim của Ban Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội nhớ như in những ngày tác nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) - nơi đang là tâm dịch Covid-19 để thông tin về việc đưa công nhân từ khu cách ly về quê. “Chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ kín mít và thực hiện nghiêm việc sát khuẩn để bảo đảm an toàn cho bản thân, điều không phải làm so với trước khi xảy ra dịch”, anh Lương Bá Duy chia sẻ.
Còn với nhà báo Kim Hải, Đài Truyền hình Việt Nam, dịch Covid-19 là “phép thử” để những người làm báo thay đổi cách thức làm việc. “Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đài Truyền hình Việt Nam yêu cầu cán bộ, phóng viên, nhân viên trực luân phiên, khuyến khích làm việc tại nhà. Chúng tôi vẫn phải bảo đảm tiến độ công việc và phải học cách làm việc trực tuyến (online), hướng dẫn nhân vật trả lời qua điện thoại và thu hình từ camera điện thoại”, chị Kim Hải chia sẻ.
Trong khi đó, theo nhà báo Triệu Thị Hoa, Báo Hànộimới, ê kíp thực hiện tác phẩm báo chí “Chiến tranh nhân dân giữa thời bình” quyết định chọn hình thức thể hiện Megastory để truyền tải thông điệp về những nỗ lực, cố gắng chống dịch của cả hệ thống chính trị, trong đó sự đoàn kết, ý chí của toàn dân chính là “chìa khóa” để Việt Nam có thể cùng nhau chiến thắng đại dịch. Đây cũng là tác phẩm đã đoạt giải Nhất, Giải Báo chí Ngô Tất Tố năm 2020.
“Khi điều kiện tác nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trước vì dịch Covid-19, chúng tôi cố gắng không chỉ đưa đến thông tin về “cuộc chiến chống giặc” Covid-19 của cả hệ thống chính trị, mà còn áp dụng cách thức thể hiện mới, có dấu ấn của công nghệ, để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay”, nhà báo Triệu Thị Hoa bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, báo chí Thủ đô cùng với cả nước đã mang đến những thông tin cập nhật nóng hổi, kịp thời, chính xác tới người dân về công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị cũng như tuyên truyền những biện pháp phòng dịch hiệu quả. Trong "cuộc chiến" này, các nhà báo đã thể hiện sự linh hoạt, thích nghi nhanh chóng trong cách tác nghiệp, tinh thần dấn thân, trách nhiệm và vai trò của nhà báo với xã hội. Đó là lý do có nhiều tác phẩm báo chí viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đoạt giải cao ở Giải Báo chí Ngô Tất Tố năm 2020.
Thách thức và trách nhiệm
Trong bối cảnh cả thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí Việt Nam, với 779 cơ quan theo số liệu đến cuối năm 2020, đã có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, mạng xã hội… Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá, đội ngũ làm báo hiện nay sắc bén, nhanh nhạy trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới, thực hiện nhiều tác phẩm truyền thông đa phương tiện, đa dạng về hình thức và nội dung thể hiện, như: E-magazine, Megastory, Longform…
Bên cạnh thời cơ, báo chí hiện đại cũng đối diện với không ít thách thức như các vụ tấn công mạng, tin tặc... Vừa qua, hàng loạt cơ quan báo chí, như VOV.vn, Thanh niên, Sài Gòn Giải Phóng, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh… bị tin tặc (hacker) tấn công mạng. Sự việc này khiến Hội Nhà báo Việt Nam có Công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị điều tra, xử lý. “Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã mở ra nhiều thời cơ, song cũng đầy thách thức đối với báo chí”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhận định.
Không chỉ đối diện với những thách thức trên không gian mạng, những người làm báo còn gặp nhiều thách thức trong quy trình tác nghiệp. Theo nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, những người làm báo cần tỉnh táo, nâng cao trình độ để sàng lọc thông tin xấu độc trên mạng xã hội. “Người làm báo cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện những tác phẩm chân thực về thông tin, có tính lan tỏa tới xã hội, nhưng vẫn giàu tính nhân văn”, nhà báo Trần Bá Dung lưu ý.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, các nhà báo càng phải tỏ rõ trách nhiệm làm nghề vì lợi ích của đất nước và nhân dân. "Người làm báo phải thực hiện nghiêm Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam", nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Trong năm thứ 96 trên chặng đường phát triển của mình, báo chí Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới, đặc biệt là việc thích nghi với những hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn hơn, yêu cầu thông tin nhanh hơn, chính xác và hấp dẫn hơn. Vượt qua những thách thức, báo chí Việt Nam đang không ngừng hoàn thiện để mang tới công chúng những tác phẩm chất lượng, giàu sức chiến đấu, song cũng đầy tính nhân văn, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.