Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày thứ sáu: Nơi đầu sóng…

Thanh Hải| 28/05/2014 05:52

(HNM) - Mỗi người một hoàn cảnh, một miền quê khác nhau, nhưng có mặt trên tàu KN 761, tất cả đều nhìn về một hướng. Dù là những thời khắc thanh bình hay những phút giây căng thẳng nhất, tôi luôn thấy ở họ một quyết tâm sắt đá.


Cho đến bây giờ, khi đối mặt với rất nhiều hiểm nguy sau hơn nửa tháng thực hiện nhiệm vụ chấp pháp tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những câu chuyện về ngày đầu tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 xâm phạm trái phép vùng biển nước ta và sự sáng tạo trong đấu tranh, bảo vệ máy móc, trang thiết bị vẫn luôn là câu chuyện "nóng" mà anh em thuyền viên trên tàu nhắc đến.

Lực lượng Kiểm ngư theo dõi hoạt động của các tàu thuyền trên vùng biển Hoàng Sa.



Có khách, bữa sáng mỳ tôm với mực tươi mà anh em trên tàu vớt được đêm qua, trở nên rôm rả. Những clip được quay bằng điện thoại di động ghi lại hình ảnh tàu Trung Quốc mang số hiệu HC 35101, HC 44103, HC 37101... xịt vòi rồng vào KN 761 chuyển qua tay nhau. Đinh Thiên Trường, sinh năm 1982, phụ trách thông tin, liên lạc trên tàu, chỉ tay vào màn hình điện thoại nói: "Đấy, chúng nó xịt đấy. Nhưng chỉ tạo một "màn mưa" nước biển thôi. Anh em vẫn quay, ghi hình được qua ô kính ở khoang dưới.

- Những hình ảnh này do Phó thuyền trưởng Lê Văn Bình ghi được Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hải cho biết: Trước khi về KN 761 (năm 2012), Bình đã có kinh nghiệm 7 năm ở vị trí thuyền trưởng tàu hàng tải trọng lớn, từng ngang dọc mọi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Với vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, Bình thông thạo như lòng bàn tay, nắm rõ hướng chảy của từng dòng hải lưu. Những ngày đầu, khi tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 các tàu hải cảnh, hải giám, đầu kéo của Trung Quốc điên cuồng tấn công KN 761 khi làm nhiệm vụ chấp pháp. Chúng tìm cách đâm va, xịt vòi rồng anh em rất lo bởi các thiết bị điện trên tàu, nếu ngấm nước biển sẽ chập, hỏng, không thể vận hành. Bình đã lợi dụng lực đẩy của dòng hải lưu, hướng gió trong việc di chuyển nên khi tiếp cận với tàu Trung Quốc, bao giờ mình cũng ở đầu gió. Sóng biển cấp 4-5, gió thổi mạnh, hơn nữa, luôn duy trì một khoảng cách hợp lý, nên khi tàu Trung Quốc phun, xịt vòi rồng, có khi bị gió đẩy ngược lại. Hải nói: "Trộm vía, nửa tháng rồi mà KN 761 vẫn nguyên vẹn, trong khi anh em khác bị đâm va, hỏng hóc nhiều. Tụi nó cũng điên tàu mình lắm nhưng không làm gì được".

Tìm lên đài chỉ huy khi Bình đang điều khiển tàu, lân la hỏi chuyện, Bình chối đây đẩy: Nếu anh muốn viết bài, thì hỏi máy trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và kỹ thuật ra-đa Lê Văn Tiến kia kìa. Chuyện đôi hồi, Bình mới nói: "Hai vợ chồng em quê Thanh Hóa, ra định cư ở Đà Nẵng được một thời gian rồi. Khi tàu cập bến là em có thể về nhà sớm hơn hai đồng chí kia nhiều".

Ngư dân sẵn sàng ra khơi khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Theo lời kể của máy trưởng Hùng, trong chuyến công tác trước, ngày 29-4, tàu cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sau gần 20 ngày lênh đênh trên biển. Tranh thủ dịp lễ kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Quốc tế lao động (1-5), anh bắt xe về Hà Tĩnh thăm gia đình. Thế nhưng, vừa có mặt ở quê chưa được 2 tiếng, điện thoại di động lại réo vang. Đầu dây bên kia, tiếng thuyền trưởng Hải, yêu cầu trở lại tàu ngay để ra khơi. Gia đình khi đó ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì, anh cũng chỉ có thể thông báo rằng, có đợt công tác đột xuất. "Đến nay cũng đã nửa tháng rồi" - Máy trưởng Hùng nói - "Mình biết là ở nhà mọi người sẽ lo lắng khi theo dõi trên truyền hình và báo chí. Nhưng ra đây, thấy việc Trung Quốc ngang ngược, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, anh em trên tàu động viên nhau gác việc gia đình để tập trung cao độ cho nhiệm vụ". Anh kể, lệnh yêu cầu tàu phải ra khơi gấp, nên anh em cũng chỉ có khoảng 2 tiếng ở Đà Nẵng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, dầu máy, nước ngọt… Quãng thời gian như vậy không đủ để chuẩn bị cho một chuyến đi biển dài ngày. Hết tuần đầu, lo lắm. Sau khi "anh nuôi" thông báo với toàn tàu, nước ngọt phải dùng hết sức tiết kiệm, 3 ngày tắm một lần. Còn thức ăn, tranh thủ lúc tối, tàu thả trôi anh em lại chong đèn lên vớt mực, giăng câu. Biển Hoàng Sa giàu có luôn chở che, bao bọc: Cá chìa vôi, cá dũa, mú, thu và mực trở thành những món ăn chính trên tàu. "Chỉ thiếu rau và chất cay cay thôi" - Máy trưởng Hùng hóm hỉnh - "Bữa tối bắt được hải sản nhiều, anh em cải thiện, hết chất cồn đành lấy nước lọc ra cụm ly, cũng khà khà như ai”.

Còn với Lê Văn Tiến thì khác. Sinh năm 1988, quê ở Nghệ An mới tốt nghiệp Đại học ở Nha Trang, về đầu quân cho tàu chưa lâu, nhiệm vụ này là thử thách lần đầu tiên. Vợ sắp cưới là cô bạn cùng học cấp 3, gia đình hai bên đã lên kế hoạch tổ chức cho đôi trẻ vào cuối tháng 5 này, nhưng vì yêu cầu của đơn vị, hơn nữa là một công việc quan trọng, Tiến vui vẻ khoác ba lô lên đường. Tiến nói: "Ra-đa như mắt của con tàu để nhận biết tốc độ, hướng di chuyển của tàu lạ, thậm chí qua độ sáng đậm hay nhạt cũng có thể đoán biết trọng tải của nó... Thực ra, nếu vắng em, anh em thuyền viên khác cũng có thể đảm nhận được, nhưng em muốn được góp phần nhỏ bé vào công việc chung của KN 761. Rồi Tiến cười: "Chúng em đã đi đăng ký kết hôn rồi. Cuối tháng 5 chưa tổ chức được, như các cụ nói đến tháng 8 tới là có ngày đẹp rồi. Giờ em yên tâm công tác"...

Bữa cơm chiều trên tàu KN 761, cũng là bữa cuối trước khi tôi rời KN 761 để chuyển sang tàu Cảnh sát biển 2012 trở về đất liền, anh em thuyền viên hội lại trên boong. Ba mâm đã được dọn sẵn. Bàn ăn là những nắp đậy của kho chứa hàng bên dưới. Đồ ăn có cá chìa vôi hấp, mực xào và canh rau mồng tơi. Trên đài chỉ huy đi xuống, cầm theo cái can 5 lít, thuyền phó Bình hóm hỉnh: "Thêm chút cay cay này nữa để chia tay chứ". Rót ra 5 chén, tôi, Bình, Hải, anh Hùng và Tiến cùng cụm ly. Nước lọc mà ai cũng "khà khà" như đúng rồi. Mâm bên cạnh, các thuyền viên cũng đồng thanh "Dzô!". Sự lạc quan đó cho thấy một phần ý chí sắt đá của họ nơi "đầu sóng, ngọn gió".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày thứ sáu: Nơi đầu sóng…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.