(HNM) - Tọa độ
4h30 sáng, bình minh tới sớm trên biển. Mặt nước xanh thẫm cứ nhạt dần khi những tia sáng góc chân trời đang ngày một tỏ. Tất cả thuyền viên trên tàu đã dậy. Anh Hai đang lục đục đun nước sôi pha cà phê cho cả tàu, còn Quang thì chuẩn bị cho công việc quen thuộc.
Tàu cá Trung Quốc luôn đeo bám áp sát tàu cá của Việt Nam. |
Không quen dậy sớm nhưng bình minh trên biển đã sáng tỏ mặt người, tôi cũng chẳng ngủ được. Cả đêm tàu chạy, tiếng động cơ ì ầm, mùi dầu máy bốc lên trong khoang, đầu tôi nặng trĩu, ong ong. Mùi cà phê ngào ngạt tỏa khiến tôi không thể cưỡng được.
- Người ngoài Bắc thích uống trà hơn cà phê nhỉ? - Phả hơi thuốc dài trong không gian, anh Hai hỏi rồi không đợi tôi trả lời anh nói tiếp - Người miền Trung quen rồi, sáng là phải có cà phê cho đầu óc tỉnh táo. Đi biển cũng vậy, cà phê, thuốc lá và cả rượu nữa là những cái không thể thiếu.
Cười thầm trong bụng vì mình là người nghiền cà phê nên tôi không trả lời câu hỏi của anh Hai. Tàu vẫn chạy, sau bữa cơm sáng, câu chuyện đượm hơn khi tôi tìm hiểu về nghề khai thác cá ngừ đại dương. Trong dập dình sóng nước, anh Mỹ, một trong những thuyền viên có thâm niên nhất trên tàu, vừa tranh thủ đan vợt múc cá vừa kể cho tôi nghe về quá trình làm cái nghề rất đỗi gian nan này. Anh bảo, cá ngừ đại dương (mà ngư dân ta quen gọi là cá bò gù) thường sinh sống ở vùng biển Hoàng Sa, theo dòng nước nóng di chuyển về phía Nam, cách bờ biển Việt Nam trên 100 hải lý. Mùa câu cá ngừ đại dương bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 6 âm lịch. Đánh bắt cá ngừ đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn của cả một tập thể. Bởi khi tới khu vực này, tàu vẫn chạy, nhưng các thuyền viên phải đứng hết trên cao, căng mắt quan sát để tìm các "mơ" (đó là đám rong biển cỡ lớn hay các vật dụng như khúc vây mục hoặc bất cứ vật gì trôi bồng bềnh trên mặt nước). Vì ở dưới những "mơ" đó, cá ngừ thường quây tụ để trốn tia nắng mặt trời. Khi phát hiện được rồi, tàu sẽ tới gần thả phao định vị vị trí, đợi đêm xuống, khi cá ngủ sẽ bủa lưới đánh bắt.
- Tàu của chúng tôi đánh cá theo kiểu lưới vây rút - anh Mỹ nói - Khi trăng lên, tàu tới địa điểm đã đánh dấu, hai thuyền thúng được thả xuống rải lưới. Việc đánh bắt kéo dài từ đêm cho tới sáng. Khi bắt được cá rồi, công đoạn ướp lạnh phải theo trình tự nhất định, nếu không thì sản phẩm bằng công sức nước mắt của mình coi như bỏ không. Cá ngừ đại dương xuất khẩu đạt chuẩn là cá còn sống, thịt đỏ, bởi vậy khi lên khỏi tàu là phải đưa vào hầm lạnh ngay.
Một chuyến đi biển dài ngày, nếu khai thác được 10-15 tấn cá thì xem là vụ được nhưng cũng có khi về tay trắng. Đó là trường hợp của thuyền viên trên tàu Trần Văn Dũng, sinh năm 1975, ở Thanh Khê. Dũng là người sống sót trở về từ cơn bão Xangsane năm 2006. Năm đó, cá đầy khoang thuyền, chuẩn bị dong thuyền về bến thì gặp bão. Tàu nặng, chạy về đất liền không kịp, vậy là phải chấp nhận bỏ cá đi cho nhẹ tàu và mở hết tốc lực sang tránh trú tại đảo phía Đài Loan. Ngoài chuyện mất cá vì bão, cũng có khi các ngư dân gặp tàu lạ tấn công. Chúng lên tàu cướp bóc, phá hỏng icom liên lạc, đổ dầu vào khoang lạnh khiến sản phẩm đánh bắt không thể tiêu thụ được.
- Nhưng giờ khác rồi - Dũng nói - Bà con khi ra khơi luôn đi gần với nhau, đoàn kết, cập nhật liên lạc thường xuyên, cần thiết thông qua hệ thống icom là ứng cứu, hỗ trợ nhau ngay lập tức. Rồi Dũng tâm sự, kể từ khi thoát nạn trở về sau cơn bão khủng khiếp đó, anh có "lộc". Hai năm sau (2008), vợ sinh con trai. Ba cô con gái đầu đặt tên là các loài hoa, vì vậy, cậu út, Dũng đặt tên là Trần Văn Phước Lộc, với mong muốn luôn có được sự chở che của biển cả.
Gần 40 giờ trồi ngụp trên biển, quá trưa, chúng tôi cũng đã tới vùng biển Hoàng Sa. Biển lúc này khá đẹp, sóng chỉ dập dềnh cấp 4-5, ánh nắng chiều dát một màu bạc trắng trên mặt nước. Giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) mà Trung Quốc hạ đặt lờ mờ hiện ra, cách chúng tôi chỉ độ 7 hải lý. Nó được bao bọc bởi một hệ thống dày đặc tàu của Trung Quốc đủ loại. Phía trong, sát giàn khoan là lớp tàu hộ vệ tên lửa, tàu hải giám, rồi đến ngư chính, hải cảnh, tàu kéo. Ngoài cùng mới là tàu cá.
- Tàu cá ni chắc là tàu cải trang chứ gì mà to thế - Đập vai tôi, anh Sinh bảo.
Quả thật, nếu nhìn vào tàu của anh Sinh làm thuyền trưởng, được đóng gỗ hết khoảng 2,5 tỷ đồng, là niềm mơ ước của nhiều ngư dân khi đánh bắt xa bờ, thế nhưng, so với tàu cá Trung Quốc thì lọt thỏm. Nó lớn gấp 4, 5 lần tàu cá của ta, được đóng bằng sắt, đen sì nhô lên mặt biển với phần mũi thuôn nhọn. Sự xuất hiện của đội tàu cá Việt Nam đã thu hút sự chú ý của tàu cá Trung Quốc. Các tàu vỏ sắt, sơn đen, xanh, nặng khoảng 2.500 - 3.000 tấn bắt đầu di chuyển dần tiếp cận với tàu Việt Nam. Nó tiến sát, ép, đẩy đội hình tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Nam ra xa, cách giàn khoan kia hơn 8 hải lý. Các biểu ngữ bằng tiếng Trung Quốc phản đối giàn khoan Hải Dương - 981 đặt trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được căng trên cabin, bên hông các tàu. Bất chấp tất cả, tàu cá Trung Quốc ngang ngược đâm thẳng vào tàu cá của ta.
Chọn giải pháp an toàn để anh em có sức, ổn định sau chuyến đi dài, đội tàu chấp nhận quay ra cách biệt giàn khoan. Tàu DNa 90508TS của tôi cũng chạy thêm nửa giờ nữa thì buông neo.
Cuộc trao đổi nhanh trên tàu được thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh thông báo: "Không ai được có hành động gì quá khích đối với tàu cá Trung Quốc lúc tàu hai bên tiếp cận nhau. Chúng ta tới đây để đánh bắt và biểu thị sự phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, nhưng tất cả phải trong hòa bình".
Không khí căng thẳng xen lẫn tức giận về sự lộng hành của những khối sắt kia bắt đầu xuất hiện trong tâm lý thuyền viên trên tàu. Ngoắc tay Dũng, tôi rủ đi bơi để giải tỏa áp lực. Từ trên boong, phóng mình xuống làn nước xanh thẫm, nơi có độ sâu hơn 2.000m, một cảm giác mát lạnh, dễ chịu đến khó tả. Nóng bức trong người được xua tan nhanh. Chân tay gần hai ngày gò bó, giờ được tung hoành nơi biển Hoàng Sa khiến bao mệt nhọc, căng thẳng trong tôi tan biến. Ngụp xuống sâu rồi ngoi lên nhìn rõ ánh mặt trời với màu sắc diệu kỳ, bí ẩn. Hai anh em sải tay dài trên biển làm tôi miên man trở về thuở còn đi học, khi đó hay cùng anh trai trốn bố mẹ đi bơi ở Hồ Tây. Hoàng Sa gần gũi quá. Sự mặn chát của nước biển không khiến cho tôi thay đổi ý nghĩ rằng, quyết định ra đây theo tàu cá là một lựa chọn sáng suốt...
Đêm xuống dần trên biển Hoàng Sa. Hôm nay đúng là ngày Rằm tháng Tư, ánh trăng sáng tỏ khiến cả mặt biển bừng lên, lấp lánh. Phía xa, giàn khoan Hải Dương - 981 nhấp nháy cùng với đó là giàn đèn trên các tàu đồng loạt thắp sáng. Nhưng trong không gian này, những ánh đèn kia đã không mang lại cho tôi một cảm giác thanh bình như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.