(HNMO)- Sáng nay (22/2), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tham dự.
Với chủ đề "Đất nước Cánh buồm xuân", Sân thơ truyền thống đã khai mạc với sự xuất hiện của nhiều nhà thơ nổi tiếng như: Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến…. các nhà thơ đã mang đến những tác phẩm về tình yêu quê hương đất nước, biển đảo. Đặc biệt trong số đó là bản giao hưởng thơ Biên cương với 3 bài thơ Đỉnh núi, Tây Bắc và Lính thời bình của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Ủy viên BCT, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng dự lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2016 (Ảnh: Viết Thành) |
Chia sẻ những cảm xúc về Ngày Thơ Việt Nam năm nay, nhà thơ Anh Ngọc cho biết: “Tôi đã tham dự Ngày Thơ Việt Nam suốt 14 năm, so với lúc thời gian đầu, Ngày thơ Việt Nam vẫn giữ được sinh khí, cái sôi động, cái hấp dẫn. Đó là điều không phải dễ, nó khẳng định thêm một điều là người dân rất yêu thơ. Yêu đến mức họ diễn đạt tất cả mọi ý nghĩ bằng thơ. Đối với người Việt Nam, thơ không chỉ là thơ, mà nó còn là một cách nói. Có thể nói đó là một điều đặc biệt. Có dân tộc yêu hội họa, có dân tộc yêu điện ảnh, có dân tộc yêu kịch… thì chúng ta là một dân tộc yêu thơ. Việc Hội Nhà văn tổ chức Ngày hội Thơ ca đều đặn, suốt 14 năm thì có thể nói, tôi rất vui. Dù ai nói gì thì tôi cũng cảm nhận, hôm nay trên toàn bộ nước Việt Nam, thơ thực sự được tôn vinh, được khẳng định. Qua 14 năm liên tục mà vẫn còn rất sôi động, tôi hoàn toàn có thể hy vọng Ngày Thơ Việt Nam sẽ còn tồn tại rất lâu dài, cũng có thể các thế hệ sau này của chúng ta sẽ coi Ngày Thơ Việt Nam là một lễ hội giống như Lễ hội làng Lim, hát quan họ, ví dặm, ca trù của lịch sử…”.
Nhà thơ Anh Ngọc |
“Về các gian triển lãm thơ, tôi đánh giá rất cao cách trưng bày của Ban tổ chức, vì đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng từ đó nảy sinh ra một thế hệ các nhà thơ như: Hoàng Cầm, Hữu Hoan, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ… Đó là một nền thơ, họ mang cái hồn nhiên của thơ mới vào cái bi hùng của cuộc kháng chiến nên phải nói là rất hay. Khi đọc lại các bài thơ đó tôi rất thích và tôi rất nhớ các nhà thơ đàn anh, như tôi vừa dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu tôi được nghe lại các bài thơ của đàn anh, tôi lại nhớ các thế hệ đàn anh như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ… Các anh đã về nơi cuối trời nhưng thơ của các anh thì còn lại mãi. Cái đọng lại là tình yêu, vẻ đẹp mà các anh chị đó còn gửi lại trong thơ. Thơ chính là lời nhắn nhủ và nối liền các thế hệ với nhau”, nhà thơ Anh Ngọc chia sẻ.
Ngoài sân thơ Truyền thống diễn ra trên sân Thái Miếu, tại sân Thái Học năm nay là Sân thơ Thiếu nhi và Sân thơ Trẻ với chủ đề chung là “Đường Xuân”, phần thơ Thiếu nhi mở đầu có chủ đề “Reo vang bình minh”. Nền sân khấu năm nay được minh họa là một bức tranh sơn dầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với hình mặt trời chiếu sáng trên nền trời xanh choán chủ đạo diện tích, bên dưới là con đường rực rỡ màu sắc, mang biểu tượng ngũ hành xuân. Dẫn chương trình chung cho trên sân Thái Học là nhà thơ Hữu Việt và nhà văn Di Li.
Sân thơ Thiếu nhi sẽ hội tụ các bài thơ quen thuộc với các thế hệ trẻ em Việt Nam bên cạnh những bài thơ do chính các tác giả nhí sáng tác. Hai nhân vật chính sẽ chạy xuyên suốt câu chuyện thơ trên sân thơ Thiếu nhi năm nay do Đức Hải và Bảo Châu đảm nhiệm. Góp mặt trong chương trình còn có nhóm nhảy “Cào cào” của câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, nhóm nhảy đến từ Trường THPT Kim Liên và đội kèn trống và đồng ca của các bạn nhỏ đến từ trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong đó điểm nhấn là Hồng Khanh, giọng ca từng lên sóng The Voice Kids. Tham gia Sân thơ Thiếu nhi còn có hai tác giả nhí Ý Nhi và Ngọc Chân, những gương mặt vừa đoạt giải cuộc thi sáng tác “Cây bút Tuổi hồng” do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức. Dẫn chương trình cho sân thơ Thiếu Nhi do bạn Nguyễn Đình Ngọc Linh đảm nhiệm.
Phần nội dung thơ của Sân thơ Thiếu nhi do Ban văn học thiếu nhi tuyển chọn. Nhóm kịch bản gồm: Mai Trọng Tiến, Nguyễn Anh Vũ, Thuỵ Anh. Nhóm đạo diễn: Nguyễn Anh Vũ; Mai Trọng Tiến; Vũ Quang. Nhà thơ Thụy Anh đồng thời cũng là một TS giáo dục nói về ý tưởng của nhóm thực hiện Sân thơ Thiếu nhi: “Câu chuyện thơ của các bạn nhỏ từ không gian thường nhật đầy áp lực học hành vươn ra khoảng trời mơ ước, bay bổng. Chỉ có thơ ca mới biến nó như một giấc mơ trở thành sự thật đối với các em”.
Năm nay, Sân thơ Trẻ có sự xuất hiện của 13 tác giả. Về số lượng có ít hơn các năm trước nhưng theo đạo diễn Hữu Việt sẽ triển khai theo hướng nhấn mạnh cá tính thơ và dấu ấn của từng tác giả thay vì xuất hiện xen kẽ trong một kịch bản mang tính câu chuyện.
Trong số 13 tác giả sẽ có 10 tác giả trẻ, 1 tác giả/tiết mục thơ địa phương, 2 tác giả thơ quốc tế đến từ Cộng đồng Châu Âu (trong đó có tác giả đoạt giải thưởng văn học Goncourt). Trong số 10 tác giả trẻ đọc thơ, có 8 tác giả lần đầu tiên xuất hiện tại Sân thơ Văn Miếu, tác giả trẻ nhất là một nữ học sinh lớp 11 đã từng giành được một số giải thưởng văn học. “Mỗi tác giả thay vì đọc 1 bài như mọi năm thì nay sẽ đọc từ 2 đến 3 bài, đây là một đổi mới trong đọc thơ để bạn đọc có thể nhận diện đầy đủ hơn về một tác giả trẻ”, nhà thơ Hữu Việt cho biết.
Phần trình diễn của Ngô Gia Thiên An tại Sân thơ Trẻ |
Khi được hỏi về cảm xúc khi tham gia một sân thơ lớn như Sân thơ Trẻ của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14, nhà thơ Ngô Gia Thiên An – nhà thơ trẻ nhất của Sân thơ Trẻ - học sinh lớp 11, chuyên văn trường PTTH Nguyễn Huệ cho biết: “Lúc đầu khi nhận được lời mời tham gia ngày hội thơ, cháu rất bất ngờ và hơi sợ, nhưng được các anh chị và cô chú nhà thơ động viên, có những cô chú nhà thơ rất tên tuổi vẫn rất thân thiện và động viên nên cháu mới đủ can đảm bước lên sân khấu đọc thơ. Hơn nữa cháu cũng rất xúc động khi có nhiều người lắng nghe và hiểu những điều cháu muốn chuyển tải qua bài thơ của mình”. Có những ý kiến cho rằng, tuy còn rất trẻ, nhưng thơ của Ngô Gia Thiên An đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề của xã hội một cách khá sắc sảo, nhưng khi được hỏi nghĩ gì khi mọi người nhận xét như vậy, Thiên An lại hồn nhiên nói rằng đó là những tứ thơ xuất hiện trong đầu và tự nhiên viết ra như vậy. Và tự thấy mình còn phải học hỏi các anh chị, các cô chú và tập luyện thêm rất nhiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng |
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, một trong các tác giả có tác phẩm tham gia tại Sân Thơ trẻ chia sẻ: “Đến với Sân thơ trẻ năm nay, anh tham gia ba bài thơ có chủ đề biển đảo như: Ra khơi, Chuông ngoài đảo và Đảo có linh hồn. Đó đều là những bài được tôi viết trong chuyến đi thực tế sáng tác tại đảo Trường Sa vào mùa hè năm 2014. Sau chuyến đi đó, với sự tạo điều kiện của Bộ Tư lệnh Hải quân và Hội Nhà văn Việt Nam tôi đã thu hoạch được khá nhiều thành quả, tôi đã sáng tác được một chùm thơ , sau đó là một trường ca về biển đảo. Các tác phẩm đó đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó cũng đã được in thành sách. Tôi nghĩ chuyến đi đó là một trải nghiệm thú vị đối với tôi với cương vị là một người viết trẻ và cũng là lần đầu tiên đến với biển đảo, đến với hải quân. Chủ đề biển đảo vốn quen thuộc với các nhà thơ, nhưng chúng tôi chọn cách thể hiện hài hòa tình yêu của mỗi cá nhân với tình yêu chung đất nước của những người chiến sĩ đó khi họ đứng ở tuyến đầu của đất nước”.
Ngày thơ đã kết thúc bằng Lễ thả thơ đầy màu sắc của Ngày thơ Việt Nam 2016 kết thúc một mùa Thơ Nguyên Tiêu nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.