(HNM) - Những ngày này, về Mường Lay chúng tôi được nghe nhiều chuyện quanh dự án tái định cư Thủy điện Sơn La. Gần chục năm rồi người Mường Lay làm gì cũng nghĩ về tái định cư.
Một góc khu tái định cư Na Lay.
Nơi đây, 15 năm trước, một trận lũ quét khủng khiếp tràn qua bản Quan Chiêng khiến 13/45 hộ mất sạch nhà cửa, tài sản, vật nuôi, cây trồng... Rất may là người dân vẫn an toàn, nhưng "cơn hồng thủy" làm cho bản Quan Chiêng không thể "sống chung với lũ". Theo chỉ đạo của trên, từ nơi cánh đồng có tiếng suối Nậm Lay đêm ngày dào dạt, người dân Quan Chiêng cực chẳng đã đưa nhau lên lập bản mới dọc tuyến giao thông nội thị gần khu Công an tỉnh và Biên phòng tỉnh... Từ đó đến nay, Mường Lay đổi thay nhiều lắm và với những người cả năm trời mới trở lại thì đúng là phải "hỏi lối vào" vì đường vào nhiều khu dân cư chưa có, cũng không biển báo. Đến thời điểm này, thị xã đã cơ bản hoàn tất việc di dân ra khỏi khu vực lòng hồ. Đợt chuyển cư cuối cùng kết thúc vào ngày 31-12-2010 với hơn 300 hộ từ Bản Xá chuyển ra khu tái định cư Cơ khí. Có thể coi là một thắng lợi khép lại năm 2010, khi toàn bộ hơn 3.000 hộ gia đình tại 5 khu dân cư: Chi Luông, Nậm Cản, Cơ Khí, Lay Nưa và Đồi Cao đã hoàn thành việc di dời và nhận mặt bằng nơi ở mới.
Chúng tôi tới thăm khu tái định cư Nậm Cản trong một chiều sương trắng lòng thung. Nếu Na Lay là phường đầu tiên của thị xã Mường Lay làm tái định cư, thì Nậm Cản là bản đầu tiên của phường Na Lay được chọn là đơn vị tiên phong trong việc di dời. Hiện nay, sau biết bao cuộc san gạt cấp tập, cả bản Nậm Cản chỉ còn 7ha diện tích lúa 2 vụ mà thôi. Trước đây, mỗi hộ nông nghiệp bình quân có 0,8ha đất sản xuất, thì nay, đa số hộ nông dân Mường Lay có chung nỗi lo thiếu đất canh tác. Trong số hơn 678ha đất phải thu hồi để giải phóng mặt bằng lòng hồ Thủy điện Sơn La, diện tích đất 2 vụ lúa của thị xã bị mất hơn 187ha (khoảng 58% diện tích đất lúa 2 vụ). Để bù đắp sự hy sinh của nông dân, lãnh đạo thị xã Mường Lay đang nỗ lực tìm hướng đi mới, hy vọng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Với tinh thần tự thân vận động, nhiều hộ đã chủ động tìm hướng làm ăn, tổ chức kinh doanh, tận dụng những diện tích canh tác bán ngập hoặc đất bãi ven suối để tranh thủ cấy lúa, trồng khoai...
Còn nhớ cữ này năm ngoái, chúng tôi cũng đã về thị xã Mường Lay. Tại bản tái định cư Nghé Toong của phường Na Lay, Trưởng bản Điêu Văn Hặc cho biết: "Bản Nghé Toong có gần 40 hộ người dân tộc Thái trắng. Địa điểm tái định cư cách bản cũ hơn 100m". Trưởng bản Hặc đưa chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Chén, 80 tuổi; vợ là bà Lò Thị Nhom, 78 tuổi. Thật tình cờ, hôm ấy gia đình ông Chén tổ chức uống rượu mừng nhà mới. Bên mâm rượu với những bát thức ăn thơm phức và nóng hổi, ông Chén cho biết gia đình ông được đền bù trên 120 triệu đồng, số tiền đó ông bà làm được ngôi nhà sàn bằng gỗ tương đối khang trang, còn lại chút ít để dưỡng già. Kể cũng lạ, 80 tuổi rồi mà ông Chén còn xòe hăng lắm, bàn chân cứ nhanh thoăn thoắt như lướt trên mặt sàn gỗ mới cứng. Dường như không chịu thua chồng, bà Nhom bỏ mâm rượu ra cầm tay ông mà múa. Thật thú vị, khi men đã nồng và tình đã đượm, ông bà xòe dẻo hệt như nửa thế kỷ trước họ mang tuổi trẻ hừng hực đến với nhau. Trong tiếng trống xòe rộn rã dưới chân núi Pú Hăm, ông Chén cầm tay tôi mà hát, cứ như tôi hiểu được ý nghĩa của ca từ. Chị Lò Thị Xưởng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Na Lay dịch cho tôi rằng ông Chén bảo Tết này là cái Tết đầu tiên của gia đình ông cùng bà con dân bản trên nền đất mới tái định cư.
Tại văn phòng tạm của UBND thị xã Mường Lay, chúng tôi được thông báo một tin "nóng sốt" có thể nói đáng để chia vui với chính quyền và nhân dân thị xã, là bản "Quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp thị xã Mường Lay đến năm 2020" đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tiếp tục triển khai công tác điều tra, khảo sát thực địa để đề ra quyết sách lâu dài cho một thập kỷ sau (2011-2020). Vào thời khắc thiêng liêng Giao thừa năm Con Mèo, trên mặt nước lòng hồ Mường Lay lung linh ánh điện, rực rỡ pháo hoa, có cả tấm lòng sắt son của mấy nghìn người dân thị xã bâng khuâng soi bóng. 2011 sẽ là một năm từng bước an cư và không thể quên với rất nhiều bà con thị xã ngã ba sông, tương lai hẹn chờ phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.