(HNM) - Púng Bửa, bản xa nhất của Na Ư, xã biên giới thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Sát với nước bạn Lào, địa hình hiểm trở, một thời nơi đây là địa điểm lý tưởng cho các đối tượng buôn bán
Không chỉ có nắng và gió
"Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang", câu nói mà Thiếu tá Lò Văn Biên, cán bộ Phòng Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, giới thiệu sơ qua khi biết chúng tôi tìm về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tây Trang đã bộc lộ phần nào gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi đây phải hứng chịu.
Chiến sĩ biên phòng hướng dẫn người dân trồng lúa nước hai vụ. |
Đang là cuối tháng 2, khi Hà Nội mưa phùn, ẩm ướt thì khí hậu Tây Trang hoàn toàn trái ngược. Nắng rát mặt, gió luồn theo vách núi thổi xuống. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến ai cũng có cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Khi chúng tôi tới nơi đúng lúc cán bộ, chiến sĩ tại đây nhận lệnh của cấp trên tăng cường trên toàn tuyến. Dù cận Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3), nhưng cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hành quân bám bản, bám địa bàn gần hết. Chỉ huy đồn cũng không có thời gian, 2 máy điện thoại di động cứ 5-7 phút lại đổ chuông nghe cấp báo tình hình từ các tổ công tác, rồi điện báo cấp trên. Hướng tiếp cận duy nhất của chúng tôi là phải về xã, xuống tận bản để kiếm thông tin.
Dọc đường về Na Ư, Thiếu tá Biên tranh thủ giới thiệu: Toàn xã có gần 240 hộ, 100% là người Mông, có 6 bản Na Ư, Hua Thanh, Con Cang, Ca Hâu, Na Láy và xa nhất là Púng Bửa. Trước, nhiều gia đình ở Na Ư giàu có lắm, ô tô đời mới xuất hiện ở Việt Nam là họ có ngay, nhiều nhà mua xe bán tải cũng chỉ để... chở củi. Tất cả đều từ ma túy đem lại. Do siêu lợi nhuận từ ma túy nên trước kia, người dân nơi đây không quan tâm tới chuyện cho con cái đi học. Người này ngấm ngầm lôi kéo người kia cùng buôn bán "cái chết trắng", nhiều "đường dây" chỉ bao gồm thành viên nội tộc nên rất khó nắm bắt, thu thập thông tin. Đó cũng là khó khăn, hiểm nguy cho lính biên phòng khi cắm bản. Thiếu tá Biên bảo, tiếp cận đồng bào, để bà con hiểu mình không phải ngay một lúc là có được, mà phải qua một quá trình hành động để bà con tin yêu. Đồng bào rất thẳng tính, khi đã quý rồi thì họ ủng hộ và làm hết mình, còn không thì không thể thành công được. Nhiều lúc lương khô, mì tôm và cả gạo muối mang theo, cán bộ, chiến sĩ đều dành tặng những gia đình nghèo khó, người già, trẻ nhỏ còn mình thì ăn củ nâu, mèn mén, húp canh suông cùng gia chủ… Từ những việc tưởng như bình thường ấy dần dần mới chiếm được cảm tình của đồng bào và thuận lợi cho chiến sĩ triển khai nhiệm vụ, giữ vững ổn định, bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Diện mạo mới
Tới Na Ư, không may cho chúng tôi là Bí thư, Chủ tịch UBND xã và một số chiến sĩ biên phòng đã di chuyển vào bản Púng Bửa để kiểm tra một hang đá vừa được người dân phát hiện. May mắn là Thiếu úy quân y Nguyễn Chí Ninh cũng đang chuẩn bị vào Púng Bửa cung cấp thuốc men, lương thực cho đồng đội cắm bản. Mượn được chiếc xe máy công vụ, vậy là chúng tôi bám theo.
Đường từ Na Ư về Púng Bửa khoảng chục kilômét. Nhẩm trong bụng là di chuyển cỡ độ 20-30 phút, gặp và tiếp xúc được với người dân, lãnh đạo xã trong khoảng 1 tiếng là đến 12h trưa, chúng tôi có thể quay trở về xã để hoàn thành kế hoạch vạch ra trước đó. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Đường vào Púng Bửa không dành cho người yếu tim. Con đường uốn khúc theo lưng chừng núi, lồi lõm với những hộc đá lớn. Phải ghì chắc tay lái, rồi uốn theo một lối mòn nhỏ, luôn để xe ở số 1 mới có thể vượt qua những khúc cua tay áo, dốc dựng đứng. Bên vách núi, bên vực sâu, một sơ sảy nhỏ cũng có thể khiến người và xe rơi xuống vực.
Đưa tôi chai nước suối khi dừng nghỉ ở cuối con dốc lớn, Ninh bảo: "Gần 10km đó nhưng vượt qua cũng mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Chỉ dân bản và bộ đội biên phòng mới quen thuộc con đường này, người lạ ít ai có thể đến được với Púng Bửa. Giờ là mùa khô còn dễ chứ mưa đến khó khăn hơn nhiều. Nhưng anh em quen rồi. Nhiệm vụ là bám bản, giúp người dân sản xuất mới là quan trọng và đặt lên hàng đầu".
Người đầu tiên tôi gặp là thầy giáo Quàng Văn Phương, dân tộc Thái, ở điểm trường Púng Bửa. Gặp được người lạ, đặc biệt khi biết chúng tôi làm báo về viết ở vùng biên giới này, thầy Phương vui lắm, nấu nướng chuẩn bị cơm cho chúng tôi khi vượt qua quãng đường khó khăn.
Cụng chén rượu, bên nồi cơm nương, mâm cơm với trứng tráng, thịt rang, rau cải luộc với thứ nước chấm (được pha chế từ ớt nướng trộn với gia vị và nước canh rau), thầy Phương tâm sự:
- Tôi vào đây đến nay đã được 10 năm rồi. Ngày đó đâu có được đường như bây giờ. Mới đầu là đi bộ, từ sáng tới quá trưa mới ra tới Na Ư. Sau này, làm đường rồi, nhưng mưa xuống khổ lắm. Đường trơn trượt, xe máy đi mà bánh sau toàn văng ngang. Anh em mới sáng tạo ra, khi đi đường trơn quấn thêm đoạn xích vào bánh sau để an toàn khi di chuyển.
Nhưng đó chưa thấm là gì… - thầy Phương nói tiếp: - Mới đầu, ở nơi hiu quạnh, buồn, điện không có, điểm trường do bộ đội biên phòng cùng làm nhưng không có học sinh, nhiều lúc nản nhưng bản thân mình cũng phải tự hạ quyết tâm cố gắng bám trụ. Vận động người dân tộc đưa con đến trường, đó cũng là một quá trình. Chúng tôi phải đến từng nhà thuyết phục người dân. Dụ các cháu bé, dỗ dành và giảng giải cho bố mẹ chúng. Mới đầu, từ một, hai cháu dần dần bà con dân tộc tin tưởng mới chấp nhận cho con cái đi học. Đến nay, điểm trường đã có 36 cháu học từ mầm non đến tiểu học do 5 thầy cô phụ trách. Nhiều gia đình Mông sáng đem con đến phó mặc cho các thầy cô để đi làm rẫy, chiều tối muộn về mới đón con. Cả ngày các cháu ở với thầy cô giáo…
Câu chuyện đang say thì thầy giáo có khách. Anh chàng người Mông ở bản kế bên điện thoại không được đã sang tận nơi mời thầy giáo và chúng tôi tới dùng cơm vì hôm nay bên đó có cỗ. Anh còn thông báo, ở đó có cả Chủ tịch xã Na Ư Và Vả Tông.
Sự nhiệt tình và theo phong tục khiến chúng tôi không thể chối từ. Thầy Phương bảo, họ quý lắm mới đến tận nơi làm như vậy.
Căn nhà gỗ 3 gian khi đó đã rất đông người. Câu chuyện râm ran kể về hang đá mới phát hiện được. Bên chén rượu, ông Chủ tịch Và Vả Tông không giấu nổi vui mừng khi xã đang ngày một thay đổi sang diện mạo mới, khang trang. Ông Và Vả Tông tới từng bàn mời rượu mọi người. Kể với tôi, ông bảo, có được điều đó là nhờ Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tây Trang, nhất là sau khi có sự tham gia vào ban lãnh đạo của Thiếu tá Nguyễn Tất Thắng khi tăng cường về giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã từ tháng 11-2008. Từ đó đến nay, các hoạt động của Na Ư ngày một hanh thông trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nhà dột nát của các hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhiều con đường liên thôn, liên bản giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Đặc biệt là tệ nạn ma túy được khoanh vùng và giảm đáng kể so với trước...
Chúng tôi trở lại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tây Trang khi đã xế chiều. Lúc chia tay, Thượng tá Nguyễn Việt Tuấn Anh, Chính trị viên đồn, cứ nhắc mãi, Na Ư và các bản vùng cao biên giới này còn nhiều việc phải làm lắm. Đạt được những kết quả đã qua là một cố gắng lớn của lãnh đạo địa phương và người dân nơi đây. Đó sẽ là nguồn động viên để chúng tôi bước tiếp từng bước xây dựng tuyến biên cương này giàu mạnh, vững chắc nơi tuyến đầu Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.