(HNM) - Hôm nay 18-5, lần đầu tiên những người làm khoa học Việt Nam có ngày lễ của riêng mình - Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam. Cuộc trò chuyện với TS Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN xoay quanh niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao của đội ngũ khoa học Việt Nam nhân sự kiện lớn này.
TS Trần Quốc Khánh. |
Vinh dự gắn liền với trách nhiệm
- Xin được gửi tới ông cùng đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam lời chúc mừng nhân ngày lễ trọng của ngành. Lần đầu tiên hẳn cũng có nhiều cảm xúc?
- Thực sự chúng tôi rất vui và xúc động vì những người làm khoa học đã có một ngày lễ của riêng mình. Ngày KH&CN sẽ trở thành ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN. Nhưng quan trọng hơn, Ngày KH&CN là cơ hội để tuyên truyền phổ biến giáo dục về KH&CN, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
- Chọn ngày 18-5 làm Ngày KH&CN Việt Nam, hẳn các ông muốn những người làm KH&CN luôn ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 18-5-1963 rằng: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”?
- Lời căn dặn ngắn gọn của Bác đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của KH&CN. Không phải khi có Ngày KH&CN, những người làm khoa học mới nhớ đến lời Bác mà trong suốt 55 năm qua, các nhà khoa học đã luôn cố gắng đặt ra đích đến cuối cùng khi bắt tay vào nghiên cứu, sáng tạo là các nghiên cứu, sản phẩm, ứng dụng của mình làm ra có lợi ích cho khoa học, cộng đồng và đất nước. Nay, có Ngày KH&CN Việt Nam, giới nghiên cứu sẽ càng khắc sâu sứ mệnh cao cả của mình, hiểu rằng cùng với vinh dự được xã hội tôn vinh sẽ là trách nhiệm lớn lao.
- Những gì mà ngành KH&CN và đội ngũ những người làm khoa học đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước xứng đáng được tôn vinh. Song dường như xã hội đang có một cái nhìn chưa thực sự công bằng với giới khoa học. Điều này hoàn toàn có thể được “cải thiện” nếu các nhà khoa học quan tâm hơn tới việc nói cho công chúng biết mình đã, đang và sẽ làm gì?
- Ngại nói về mình và không biết nói về mình thế nào có lẽ đúng là một điểm yếu của chúng tôi. Điều này làm cho xã hội có cái nhìn chưa thực sự công bằng về giới nghiên cứu cũng như chưa thấy rõ vai trò của KH&CN là động lực phát triển nhanh và bền vững.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển KH&CN. Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về KH&CN và GD-ĐT. KH&CN lần đầu tiên được khẳng định là then chốt, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tại Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (khóa XI), Nghị quyết số 20 về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” được ban hành đã tạo nên bước đột phá cho KHCN. Năm 2013, Luật KH&CN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) sẽ tiếp tục mang đến bước phát triển mới cho hoạt động KHCN. Tuy nhiên, để những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật lớn của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống và làm cho xã hội thấy rõ vai trò và cống hiến của KH&CN thì có rất nhiều việc phải làm, trong đó rất cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và Ngày KH&CN hằng năm cũng là dịp để chúng tôi làm điều ấy.
Năm nay, hàng loạt sự kiện được Bộ KH&CN tổ chức ở tầm quốc gia và các địa phương, các ngành cũng có nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi với nỗ lực gửi tới toàn xã hội một thông điệp “ KH&CN - Động lực phát triển nhanh và bền vững”.
- Vạn sự khởi đầu nan, các hoạt động nhân Ngày KH&CN năm nay đã tạo nên bước khởi đầu để ngày này trở thành sự kiện thường niên. Song để được mọi người nhớ đến như những ngày lễ của các ngành khác, chắc chắn không phải việc dễ dàng…
- Đúng là không dễ dàng. Để ngày này trở thành một sự kiện thường niên được mọi người và xã hội quan tâm, trước hết chính giới KH&CN phải làm sao biến ngày này thành ngày có ý nghĩa trong xã hội. Bên cạnh việc tôn vinh các nhà khoa học, việc trưng bày, trình diễn những thành tựu nghiên cứu, sáng tạo cần được tổ chức thường xuyên và có ý nghĩa thiết thực hơn nữa.
Tôi cũng hy vọng truyền thông KH&CN sẽ làm tốt vai trò của mình. Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học… Truyền thông cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học với người dân, với doanh nghiệp để phát triển thị trường công nghệ, giúp nhà khoa học giới thiệu sản phẩm nghiên cứu, giúp doanh nghiệp tìm được công nghệ mới… Khi các kết quả nghiên cứu được nhiều người ứng dụng, được xã hội, nhân dân mong chờ, tin tưởng thì Ngày KH&CN sẽ càng trở nên có ý nghĩa hơn và trở thành ngày hội của cả nước chứ không chỉ của riêng giới KH&CN.
- Ông đề cao vai trò của công tác truyền thông, song trên thực tế làm truyền thông về KH&CN vừa khó, vừa khô, vừa khổ.
- Khó, khô và khổ nhưng không có nghĩa là không làm được. Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của Bộ KH&CN, hoạt động truyền thông KH&CN đã có nhiều khởi sắc. Nhiều nước trên thế giới cũng đã làm công tác này rất hiệu quả. Vấn đề là chúng ta phải coi trọng công tác này và đổi mới cách làm, nhất là từ ngành KH&CN. Phương thức truyền thông cần đa dạng hơn, ngoài các bài viết chúng ta có thể xây dựng bảo tàng khoa học, lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp với từng đối tượng…
Được đãi ngộ và được trọng dụng
- Khi không khí của một ngày lễ trọng qua đi, dù điều đọng lại trong cộng đồng là gì, thì điều quan trọng khiến người ta phải nhớ đến vai trò của KH&CN chính là sự đóng góp của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đến đời sống hằng ngày của người dân nói riêng. Trong khi đó kết quả nghiên cứu của chúng ta hiện nằm trong ngăn kéo hơi nhiều! Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, Bộ đã và sẽ làm gì để thay đổi thực tế này?
- Bộ KH&CN đã và đang làm rất nhiều việc, nhưng quan trọng nhất là trong năm 2013 Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật KH&CN năm 2013, trong đó có 3 điểm đổi mới quan trọng: Về cơ chế tài chính, về đầu tư cho KH&CN, về chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ. Cũng trong năm 2013, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ 5 nghị định quan trọng (gồm: Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật KH&CN; Đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN; Trọng dụng và sử dụng các cá nhân hoạt động KH&CN; Thông tin KH&CN và Quy định về hoạt động Quỹ phát triển KH&CN). Trong đó, Nghị định Trọng dụng và sử dụng các cá nhân hoạt động KH&CN vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai luật vào cuộc sống đạt hiệu quả cao.
Trong kế hoạch năm 2014, Bộ xây dựng 112 văn bản, trong đó 22 văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 90 văn bản cấp Bộ và liên Bộ. Việc nhanh chóng có các văn bản dưới luật là điều kiện tiên quyết để những đổi mới đi vào cuộc sống và thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển.
- Luật KH&CN năm 2013 được cho là đã “cởi trói” cho KH&CN. Nhưng để KH&CN hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề, các văn bản dưới luật đã gỡ các nút thắt vốn có như thế nào, thưa ông?
- Trước hết là về chính sách đầu tư. Từ trước tới nay, nguồn đầu tư cho KH&CN chủ yếu từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp (DN) hầu như chưa có đóng góp gì. Dù Luật Thuế thu nhập DN quy định DN phải trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH&CN, song chỉ quy định mức tối đa, không có mức tối thiểu nên trên thực tế nhiều DN không trích. Ở các nước, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản là từ DN, ví dụ ở Hàn Quốc, Nhật Bản tỷ lệ này lên đến 70%. Số lượng sáng chế ở các DN là chủ yếu vì các DN phải cạnh tranh, sản phẩm muốn bán được phải có hàm lượng khoa học cao nên DN liên tục phải nghiên cứu để sản phẩm luôn đổi mới và hoàn thiện. Để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KH&CN, luật mới quy định, DN phải trích một tỷ lệ tối thiểu để phát triển KH&CN. Dự thảo nghị định đã quy định rất rõ mức tối thiếu phải đóng góp cho KH&CN đối với từng đối tượng nhằm tăng cường đầu tư của xã hội, phấn đấu đến năm 2020 tổng đầu tư của Nhà nước và xã hội cho KH&CN là 2% GDP.
Thứ hai là về cơ chế tài chính. Nhiệm vụ KH&CN sẽ được xem xét và được cấp thông qua Quỹ phát triển KH&CN. Phương thức này sẽ khắc phục được nhược điểm của phương thức xây dựng nhiệm vụ theo kế hoạch năm là thời gian từ lúc xây dựng nhiệm vụ cho đến khi được duyệt cấp kinh phí kéo dài, có khi đến 1,5 năm. Vì thế, nhiều nhiệm vụ KHCN không còn tính thời sự, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cấp thiết mới phát sinh ví dụ như dịch sởi vừa rồi chẳng hạn. Rất cần có kinh phí ngay để nghiên cứu làm rõ nguyên nhân tại sao dịch sởi lại diễn biến phức tạp, làm cho tỷ lệ tử vong cao như vậy, nhưng nếu theo cách cũ thì dịch đã qua vẫn chưa có kinh phí để nghiên cứu. Nay theo cơ chế quỹ thì khi có nhiệm vụ đề xuất sẽ được cấp kinh phí ngay, không phải thanh quyết toán hằng năm, được tự động dịch chuyển nguồn. Với phương thức này nhà nghiên cứu được giải phóng khỏi những thủ tục hành chính, dành thời gian và sức lực cho nghiên cứu; kinh phí được sử dụng linh hoạt phục vụ tối đa cho hoạt động nghiên cứu.
- Nhưng nhà khoa học được giải phóng không có nghĩa là nghiên cứu sẽ được ứng dụng vào thực tiễn, thưa ông?
- Để đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn thì công tác quản lý KH&CN cũng phải được đổi mới. Cơ chế đặt hàng sẽ được áp dụng. Nghĩa là Nhà nước, bộ, ngành, địa phương thấy cần nghiên cứu vấn đề gì ở cấp quốc gia thì đặt hàng với Bộ KH&CN. Bộ chỉ phê duyệt khi đơn vị đặt hàng phải nói rõ nơi triển khai kết quả nghiên cứu và sau này sẽ có cơ chế kiểm tra giám sát. Ngoài ra còn có một số phương thức mới như tăng cường khoán đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán một phần; mua sản phẩm khoa học…
- Trong các hoạt động nhân Ngày KH&CN Việt Nam vừa rồi, giới trẻ là một đối tượng được hướng tới nhằm động viên họ say mê nghiên cứu khoa học. Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng, đã qua rồi cái thời chỉ cần sự động viên, sự tôn vinh là có thể khơi gợi sự nhiệt tình của những người trẻ. Cái mà họ cần là sự đãi ngộ.
- Như tôi đã nói, trọng dụng và sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN là điểm mới quan trọng của Luật KH&CN 2013. Cụ thể, sẽ có quy định tiêu chuẩn chức danh KH&CN; có những chính sách ưu tiên, ưu đãi như trong tuyển dụng, có thể tuyển dụng không qua hình thức thi tuyển nếu cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học… Ngoài những chính sách ưu đãi cho cán bộ KH&CN nói chung, còn có những chính sách đặc biệt để trọng dụng và sử dụng người tài, tập trung vào ba đối tượng chính là cán bộ khoa học đầu ngành, người được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học đặc biệt của Nhà nước và nhà khoa học trẻ tài năng.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.