Ngày 1-1-2018 là ngày đầu tiên UBND thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) triển khai việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử.
Du khách thập phương đến tham quan Yên Tử. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Theo Ban quản lý di tích rừng quốc gia Yên Tử, trong sáng 1-1 có khoảng hơn 700 du khách đến tham quan danh thắng, di tích quốc gia Yên Tử, trong đó chủ yếu khách sử dụng hình thức đi cáp treo, một số ít sử dụng đường bộ. Lượng khách này tăng không nhiều so với ngày thường.
Ông Nguyễn Duy Toàn, Phó trưởng Ban quản lý di tích rừng quốc gia Yên Tử thông tin thêm, hiện có 5 điểm thu vé, 4 điểm thu kết hợp với vé cáp treo của Công ty Tùng Lâm và 1 điểm thu vé của Ban quản lý ở lối lên đi bộ chùa Giải Oan. Nhiều khách du lịch tỏ ra khá hài lòng về chất lượng phục vụ và đồng tình với chủ trương thu vé để bảo tồn danh thắng quốc gia Yên Tử.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm cho biết, tuyến cáp treo số 2 vừa được đưa vào sử dụng để tăng thêm chất lượng phục vụ du khách thập phương về vãn cảnh di tích Yên Tử. Việc bán vé tham quan du lịch là hợp lý và Công ty Tùng Lâm đã phối kết hợp với Ban quản lý di tích Yên Tử để tạo sự thuận lợi cho các du khách đến tham quan.
Du khách Lê Hoàng Hải và Nguyễn Thu Hà đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên họ đến Yên Tử, việc thu phí tham quan là điều nên làm để tăng thêm nguồn thu cho việc bảo tồn các di sản văn hóa tại đây. Với giá vé như 40.000/người lớn và 20.000/trẻ em là hợp lý. Họ cho rằng công tác quản lý, hướng dẫn và đón tiếp nhìn chung là chu đáo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều du khách cho rằng việc lên chùa không nên tính phí, đặc biệt, nhiều du khách băn khoăn về việc sử dụng số tiền trên liệu có được phục vụ cho tôn tạo di tích.
Anh Đinh Trọng Hải, du khách đến từ Hà Nam băn khoăn, việc đến thăm đền chùa mà thu phí là không hợp lý, phần lớn các nơi đều cho du khách vào cửa tự do. Còn theo chị Lý Thị Huệ, một du khách đến từ Hải Dương thì chỉ nên áp dụng mức thu với hình thức tượng trưng. Với giá vé 40.000 đồng cho người lớn và 20.000 đồng cho trẻ em như hiện nay là quá cao và chưa hợp lý...
Trước đó, tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 13 vào cuối năm vừa qua, bà Trịnh Minh Thanh, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh khẳng định: Mức phí này tương đồng với các khu di tích ở các tỉnh khác trong cả nước như hồ Ba Bể (Bắc Kạn), chùa Hương (Hà Nội)... Theo bà Thanh, năm 2012 và năm 2016, UBND thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đã hai lần đề xuất thu loại phí này.
Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho biết về quy trình xây dựng phương án thu phí tham quan danh thắng, di tích Yên Tử, từ 2012 - 2016, UBND thành phố Uông Bí đã tổ chức các hội thảo xin ý kiến các ban, ngành liên quan và công khai thông tin đến nhân dân địa phương.
Theo tính toán của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, với mức phí trên, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 40 tỉ đồng phục vụ đầu tư, quản lý và phát triển danh thắng Yên Tử. Nguồn thu phí để lại 100% cho thành phố Uông Bí để chủ động thực hiện nhiệm vụ này.
Cũng tại cuộc họp HĐND tỉnh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn ủng hộ, nhưng bên cạnh đó vẫn cho rằng, việc thu vé vãn cảnh sẽ dẫn đến việc phí chồng phí, gây bức xúc không cần thiết. Cơ quan chức năng nên áp dụng một loại vé tổng hợp tính phí vãn cảnh vào vé dịch vụ khác.
Từ năm 2009 đến nay, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều dự án quan trọng ở khu di tích Yên Tử như mở đường 2 làn xe từ Dốc Đỏ vào Yên Tử, đường điện chiếu sáng, trùng tu tôn tạo chùa Suối Tắm, kè đá chống sạt lở chùa Hoa Yên, dự án mở rộng đường giao thông Yên Tử, trung tâm lễ hội… tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.