Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày cuối: Trở về đất liền!

Thanh Hải| 29/05/2014 06:36

(HNM) - Bảy ngày ở tọa độ


Ai đó đã đúng khi nói rằng, nếu trong đất liền "nóng" một thì ngoài biển khơi "nóng" gấp chục lần. Bà con ngư dân, cán bộ kiểm ngư, những con người mang thần kinh thép, bền bỉ bám biển để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã để trong tôi sự khâm phục và cả niềm tự hào.

Đội tàu cá rời bến ra khơi.


Đêm, theo con tàu Cảnh sát biển 2012 về đất liền, vẫn biết chỉ 18 giờ nữa sẽ kết thúc cuộc hành trình ở tọa độ "nóng", hoàn thành công việc được lãnh đạo cơ quan giao. Trở về với người thân đương nhiên là vui rồi nhưng trong tôi vẫn ăm ắp những cảm xúc không thể diễn tả. Một chuyến công tác quá "đặc biệt" mà không dễ gì trong đời làm báo, tôi có được cơ hội thứ hai. Những ngày qua là những ngày sóng gió, biển động, thế nhưng, có đương đầu với hiểm nguy, tôi mới cảm nhận được ý chí quật cường của những người dân nước Việt. Vì sao đất nước nhỏ bé bên bờ Biển Đông lại có thể chiến thắng được những thế lực ngoại xâm lớn mạnh hơn rất nhiều? Chính tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, thấm đẫm trong lòng mỗi người Việt Nam đã cắt nghĩa cho câu hỏi đó.

Tôi vẫn nhớ như in trong đầu tiếng quát rõ ràng của Thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh trước một hành động bộc phát của Trần Văn Dũng. Giọng đanh thép đó không phải mắng mỏ mà chỉ là sự kiềm chế trong đấu tranh. Với một đội tàu cá của Trung Quốc, được gia cố, có trọng tải lớn gấp 4-5 lần ta, cộng với sự bao bọc của một lực lượng mạnh gồm hải cảnh, hải giám, cả tàu hộ vệ tên lửa nữa thì cái nóng nảy kia của Dũng phỏng có ích gì? Ngư dân mình, đánh bắt ở ngư trường truyền thống, mình bám biển cũng là một cách để gìn giữ chủ quyền đất nước. Có lênh đênh trên biển cùng bà con mới thấy cái tài tình của ngư dân mình. Tàu sắt Trung Quốc to là thế nhưng vẫn không thể uy hiếp được những chiếc tàu gỗ nhỏ bé. Chính sự đoàn kết giữa các đội tàu đã cho chúng ta thêm sức mạnh. Cùng với đó là sự nhanh nhạy xử lý tình huống. Phải là người yêu biển, sống cùng với biển, ngư dân ta mới có những hành động quyết đoán đến thế. Giữa vòng vây của nhiều tàu sắt, chúng ta vẫn chọn cho mình một hướng đi an toàn để bám biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tác giả (áo đen) và các ngư dân trên tàu cá DNa90508TS.


Hoàng Sa đẹp. Vùng biển giàu nguồn lợi thủy sản đã mang lại cho người dân nhiều "mùa vàng". Những chuyến tàu cập bến của bà con các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... ăm ắp ở khoang thuyền là minh chứng cho điều đó. Tôi đã có cơ hội được câu, được bắt những con cá dũa, chìa vôi, được ăn mực lá cùng bà con ngư dân trong những phút bình lặng hiếm hoi trên biển Hoàng Sa trong những ngày vừa qua. Hương vị biển mặn mòi chắc chắn sẽ còn đọng lại mãi trong tôi khi trở về đất liền. Trăn trở của bà con rằng thiếu vốn để ra khơi, mong muốn có được những con tàu lớn, công suất cao đến nay đã có câu trả lời. Những dự án lớn đóng tàu sắt ra Hoàng Sa ở Công ty Đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng) đang được triển khai. Rồi đây sẽ có những con tàu công suất trên 2.000 mã lực vươn ra khơi xa.

Có sống trong những ngày "biển động" ở Hoàng Sa mới thấy tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước với bà con nơi trùng khơi biển cả. Những tấm lòng sẻ chia bằng vật chất, tinh thần đã và đang tiếp sức rất nhiều cho ngư dân ta bám biển. Mỗi thời khắc cam go, dân tộc Việt Nam lại thể hiện rõ phẩm cách tốt đẹp của dân tộc, đoàn kết, đồng lòng cùng vượt qua thử thách, nguy nan.

Tôi vẫn nhớ khi rời tàu kiểm ngư KN 761, Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hải siết chặt tay và nói: "Anh về cho em nhắn gửi đất liền rằng, ở trên biển, dù anh em không được cập nhật liên tục tình hình nhưng mọi người đều hiểu và biết rõ tấm lòng nhân dân cả nước đang chung sức đồng lòng hướng về biển đảo thiêng liêng. Anh em trên tàu vững tin lắm! Tất cả chung một ý chí, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc". Vâng, chắc chắn rồi. Nếu Hải không nói ra thì tôi cũng sẽ san sẻ trên trang viết để bạn đọc Thủ đô và cả nước hiểu thế hệ trẻ 8x đã và đang đứng vững nơi đầu sóng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Tôi cũng sẽ kể về những khó khăn các bạn trải qua, cả tinh thần lạc quan vô bờ bến của các bạn. "Chén rượu" chia tay đã khiến cho tôi say. Say vì tình người để thêm yêu, thêm cảm phục tinh thần, ý chí quyết tâm kiên cường bám biển của các bạn. Chính điều đó đã giúp cho tôi tin một điều chắc chắn rằng, hành động ngang ngược của hàng trăm tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo Trung Quốc... cũng sẽ chẳng thể làm suy chuyển quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà ngàn đời nay các thế hệ người Việt đã đổ mồ hôi, công sức và máu để gây dựng. Việt Nam chúng ta luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng nền hòa bình, hữu nghị đó phải dựa trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển của Tổ quốc...

Phía xa, đất liền đã thấy trong tầm mắt. Cù Lao Chàm dần hiện ra. Kia là bán đảo Sơn Trà, là thành phố biển Đà Nẵng năng động, hiện đại. Sóng điện thoại đã có. Thuyền viên trên tàu lao xao, í ới gọi cho người thân. Niềm vui của người đi biển khi sắp cập bờ ánh lên trong từng khóe mắt. Vui quá chứ, bởi dù chỉ một người ra khơi xa, ở đằng sau đó, nơi đất liền thanh bình luôn có hàng nghìn, hàng triệu ánh mắt dõi theo. Tàu dần vào vịnh, lại có những đoàn tàu khác nối đuôi, rẽ sóng ra khơi. Một hình ảnh thật đẹp tựa như những bàn tay đang kết thành hàng giữ biển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày cuối: Trở về đất liền!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.