(HNM) - Sức ép đang tiếp tục hướng đến chính quyền của Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này trên nhiều phương diện: Từ ngoại giao, kinh tế đến các biện pháp quân sự đã lấp ló.
Cuộc theo đuổi bền bỉ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này của Mỹ và Châu Âu cùng các đồng minh diễn ra trong bối cảnh cuộc tập trận trên biển mang tên "Ứng phó mìn quốc tế 12", từ ngày 16 đến 27-9, do hải quân Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh Persian, đang diễn ra rầm rộ với sự tham gia của 12 tàu chiến đến từ 25 quốc gia hàng hải hàng đầu thế giới như Anh, Pháp, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất... Dư luận cho rằng, các đòn răn đe nhiều cung bậc từ phương Tây và sự đáp trả của Iran chẳng những không giúp cuộc khủng hoảng tìm được hướng giải quyết mà còn như đổ thêm dầu vào "đám cháy" vốn khó dập này.
Gần đây nhất, ngày 23-9, các nhà ngoại giao Anh, Pháp và Đức đã gửi tới Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton một bức thư kêu gọi EU phải cứng rắn hơn nữa bởi chương trình hạt nhân của Iran đã trở nên đáng quan ngại hơn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu lên tiếng hối thúc Washington giải thích rõ rằng điều gì sẽ dẫn đến một cuộc tấn công quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran(?). Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua và được Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới với Iran nhằm hạn chế nguồn xuất khẩu dầu mỏ - nguồn năng lượng chính của nền kinh tế - khiến Tehran phải "cạn vốn" cho chương trình làm giàu urani. Trong khi đó, ngày 22-9, tại Washington, với 90 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết khẳng định Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Cùng ngày, Mỹ đã đưa ra đòn trừng phạt mới nhất khi từ chối cấp thị thực cho khoảng 20 quan chức chính phủ Iran, trong đó có hai bộ trưởng, muốn tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, khai mạc vào đầu tuần tới tại New York (Mỹ)...
Đúng như dự báo của giới quan sát, chính quyền của Tổng thống M.Ahmadinejad đã có những phản ứng quyết liệt. Ngày 23-9, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, Tư lệnh Lực lượng tên lửa thuộc Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố, Tehran có thể ra đòn phủ đầu nhằm vào Israel nếu chắc rằng nhà nước Do Thái đang chuẩn bị tấn công Iran và không quên cảnh báo, bất cứ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ Iran sẽ châm ngòi cho một cuộc "Chiến tranh thế giới thứ ba". Cùng ngày, không quân Iran cho biết, đang lên kế hoạch cho cuộc tập trận quy mô lớn ở phía nam đất nước vào tháng 3-2013. Phó Tư lệnh Không quân Iran, Chuẩn tướng Aziz Nasirzadeh còn tuyên bố sự hiện diện ở vùng Vịnh của các cường quốc ngoài khu vực là "bất hợp pháp" và không cần thiết. Trước đó, ngày 21-9, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi nhấn mạnh nhà nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không để các quốc gia dùng sức mạnh kinh tế hay quân sự áp đặt ý chí lên khu vực Trung Đông. Trong khi đó tại thủ đô Tehran, chính quyền Hồi giáo đã tổ chức diễu binh lớn, trình diễn các loại vũ khí hạng nặng trước sự chứng kiến của Tổng thống M.Ahmadinejad trong hoạt động mở màn "Tuần lễ quốc phòng". Tại đây, Iran đã trình làng một hệ thống phòng không mới được cho là có thể đánh chặn máy bay tiêm kích, tên lửa hành trình, các loại bom cỡ nhỏ, máy bay trực thăng và máy bay không người lái...
Cuộc khủng hoảng lún sâu vào bế tắc đang xua tan mọi hy vọng khai thông. Sức mạnh quân sự đang được cả hai phía phô diễn và trên các diễn đàn khu vực cũng như quốc tế, những cuộc "ăn miếng trả miếng" đều được các bên áp dụng. Với Iran, tham vọng phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình xem ra không hề suy chuyển. Trong khi đó, vấn đề hạt nhân lại là một cái cớ quá tốt để Mỹ và đồng minh quyết xoay chuyển cục diện chính trị hiện nay tại Iran. Xa hơn nữa, vị trí địa - chiến lược của quốc gia Hồi giáo này ở khu vực Trung Đông - đặc biệt là tuyến đường vận tải biển xuyên qua eo Hormuz - là lợi ích không dễ chia đều càng khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran thêm nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.