(HNM) - Tốc độ đô thị hóa nhanh ở TP Hồ Chí Minh đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra.
Không mưa cũng ngập
Đã 3 ngày nắng gắt kể từ sau trận mưa lớn chiều 16-8 mà dọc tuyến đường An Dương Vương chạy qua quận 6 và quận 8 vẫn còn nhiều vũng nước, có chỗ sâu tới 20-30cm. Lâu nay, đường này vốn nổi tiếng là một trong những "điểm đen" ngập lụt ở TP. Anh Hùng, một cư dân ở phường 10, quận 6, bức xúc nói với phóng viên Báo Hànộimới: "Chúng tôi quá mệt mỏi với cảnh ngập lụt rồi. Họp tổ dân phố lần nào cũng kêu, nhưng có được giải quyết đâu". Theo anh Hùng, nguyên nhân ngập triền miên trên tuyến đường này do cốt nền thấp, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, đã thế hệ thống cống thoát nước lại thiếu. Thế nên, chỉ "dính" trận mưa nhỏ là ngập, mặt đường thì quanh năm hầu như chẳng lúc nào khô.
Trận mưa cường độ 110mm hôm 16-8 đã khiến chị Nguyễn Thị Đào (đường An Dương Vương, phường 16, quận 8) phải dỡ nhà vệ sinh để xây lại, đây là lần thứ ba từ đầu năm đến nay. Trận mưa sau lớn hơn trận trước khiến hệ thống thoát nước bị hỏng, nền nhà sụt lún, tường bong tróc. Chị Đào ngán ngẩm nói: "Tôi thuê cửa hàng để kinh doanh, chưa được lời đồng nào đã phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để tôn nền, sửa nhà vì nước ngập hỏng hết. Cứ thế này thì không biết khi nào mới thu hồi vốn. Đường vừa ngập vừa bẩn, chẳng ai muốn đến mua bán gì cả". Cách duy nhất mà chị Đào cũng như nhiều gia đình ở đây thường áp dụng để ứng phó với tình trạng ngập lụt vào mùa mưa là tôn nền thật cao, có nhà tôn cao tới nửa mét so với mặt đường. "Đường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn vì nước ngập. Tội nhất là nhiều học sinh đi học bị té bẩn áo quần" - chị Đào than thở.
Ông Hồ Long Phi, Phó Trưởng ban Điều phối Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết: Năm 2007 là "đỉnh" của ngập lụt, với hơn 100 điểm ngập khác nhau. Hiện TP còn khoảng 60 điểm ngập thường xuyên, quận 6 nhiều nhất với 25 điểm, nguyên nhân là do mưa to kết hợp triều cường và một số điểm không có hệ thống cống thoát. Hệ thống thoát nước của TP thiết kế theo tính toán 3 năm có một trận mưa từ 85-90mm, nhưng mấy năm gần đây, số trận mưa trên 80mm ngày càng nhiều. "Sự lạc hậu trong thiết kế cùng nhiều nguyên nhân khác khiến ngập lụt xảy ra thường xuyên như một tất yếu khó tránh khỏi" - ông Phi thừa nhận.
Thiếu cơ chế quản lý phù hợp
Thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều dự án chống ngập, trong đó có 4 dự án tổng kinh phí khoảng 1 tỷ USD do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành nên tình trạng ngập lụt chưa mấy được cải thiện. PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Dư luận thời gian qua đổ lỗi cho quy hoạch phát triển TP về phía Nam gây ngập là không đúng. Khi đưa ra quyết định này, TP luôn tôn trọng hệ thống thoát nước ở đây, thậm chí còn mở thêm hồ chứa. Khó khăn lớn nhất là quản lý sau quy hoạch. Sự yếu kém cũng như buông lỏng quản lý sau quy hoạch đã dẫn đến tình trạng xây dựng không phép tràn lan, nhiều dự án lấn cả đường thoát nước và hồ thoát nước, thậm chí làm hỏng hệ thống thoát nước. Đây là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt" - ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Phi, công tác chống ngập chưa hiệu quả do có nhiều cơ quan tham gia quản lý, nhưng khi ngập lụt lại không ai chịu trách nhiệm. Có thể thấy, tình trạng ngập lụt ở TP về mặt kỹ thuật có thể khắc phục được, nhưng về cơ chế lại không thể, vì chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành. Ông Phi cho rằng: Thứ nhất, chống ngập là công tác tổng hợp nên phải có quy hoạch tổng thể dựa trên lợi ích chung, chứ không thể dựa trên lợi ích của từng ngành như hiện nay. Thứ hai, TP phải có giải pháp thực hiện lộ trình chống ngập đạt hiệu quả, tránh tình trạng nhiều sở, ngành cùng tham gia nhưng cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm. Thứ ba, TP phải có cơ chế huy động vốn hợp lý, bởi việc đầu tư các công trình thoát nước rất đắt tiền.
Chống ngập là một trong 6 chương trình trọng điểm TP cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2010-2011. Mới đây, UBND TP đã phê duyệt chương trình giảm ngập giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2025. Ông Phi nhận định, nếu hoàn thành cả 4 dự án chống ngập đang triển khai cũng chỉ giảm được 50% số điểm ngập.
TP Hồ Chí Minh đang vào mùa mưa, dự báo cao điểm sẽ rơi vào tháng 9-11 với nhiều trận mưa lớn. Song khi những dự án chống ngập còn chưa phát huy tác dụng thì người dân sẽ tiếp tục phải sống chung với vấn nạn mưa - ngập - tắc đường, vẫn phải chọn giải pháp "đường ngập, nâng đường- nhà ngập, nâng nhà"…
Quả là bài toán chống ngập còn lắm gian nan!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.