Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Y nỗ lực sớm khống chế dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh

Nhóm phóng viên| 14/07/2021 06:46

(HNMO) - Lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh mỗi ngày khiến đội ngũ nhân viên y tế thành phố Hồ Chí Minh phải căng đội hình trên nhiều mặt trận, triển khai công tác điều trị cho bệnh nhân. Hơn lúc nào hết, ngành Y tế thành phố mong người dân đồng hành và chia sẻ những khó khăn, tất cả vì mục tiêu sớm khống chế dịch bệnh.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được gấp rút cải tạo thành bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19.

Cận cảnh tuyến đầu

Ở Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, với tinh thần “Dịch đến nhà, bác sĩ Nhi cũng xông pha”, hàng trăm lá đơn tình nguyện được các nhân viên y tế gửi đến Ban Giám đốc bệnh viện, xung phong vào đội hình y, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến được lập khẩn trương từ việc cải tạo khu tái đinh cư chưa có người ở tại khu Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với quy mô 5.000 giường.

Hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hành chính, chăm sóc khách hàng... được phân thành các đoàn công tác, để điều động luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến này. Đội hình đã chung tay dọn dẹp, biến chung cư hoang vắng và Trường Mầm non 30-4 thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện và các thành viên Ban Giám đốc trực tiếp xuống hiện trường cùng anh em triển khai các mặt công tác.

 Nhân viên y tế khắc phục khó khăn, thích ứng với điều kiện làm việc hạn chế tại bệnh viện dã chiến. 

Chỉ trong 3 ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 1.800 ca F0 từ nhiều nơi trong thành phố dồn dập chuyển đến. Tất cả hòa vào vòng xoay chóng mặt của việc tiếp đón, sắp xếp quản lý chỗ ăn, chỗ ở, sinh hoạt an toàn, chu đáo cho bệnh nhân. Trong thời gian này, các bác sĩ ở lại ngay bệnh viện dã chiến, không về nhà, sẵn sàng ứng phó mọi ca bệnh có thể diễn tiến nặng bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Tống Hồ Tứ Phương kể lại một ca cấp cứu bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền: “Đó là  1 bệnh nhân nữ lớn tuổi, có bệnh nền cao huyết áp. Ngày hôm trước, cô còn khỏe, nhưng trưa hôm nay cô đột nhiên cảm giác thở mệt, được nhân viên y tế hỗ trợ xuống tầng dưới nhà. Các bác sĩ đo SpO2 lúc đó chỉ 68-70%, phải khẩn trương lấy ven tay, cho thở ôxy qua mặt nạ. Bệnh nhân được khẩn trương chuyển sang khu cấp cứu, cho thở ôxy áp lực dương, sẵn sàng đặt nội khí quản, theo dõi chặt chẽ để chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp”.

 Trường hợp nữ bệnh nhân có bệnh nền cao huyết áp, bất chợt diễn tiến nặng, các bác sĩ nhanh chóng phát hiện, cấp cứu.

Cũng theo bác sĩ Phương, bệnh viện dã chiến còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất không đầy đủ, bệnh nhân đông. Nhân viên y tế phải căng sức thăm khám và theo dõi chặt các ca có bệnh nền. 

“Bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến cần hạn chế tối đa tiếp xúc, kể cả người chung phòng. Chú ý uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, tăng cường vitamin C, tập thể dục nhẹ, ngủ đủ giấc. Khi thấy có triệu chứng đau nhức cơ, đau đầu nhiều; đau họng, chảy mũi, nghẹt mũi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hay ho nhiều, cần báo ngay nhân viên y tế để được hỗ trợ”, bác sĩ Tứ Phương khuyến cáo.

Cần sự hợp tác, cảm thông

Nhân viên y tế chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, bệnh nhân đông. 

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, chỉ riêng trong ngày 12-7, đã ghi nhận 18 nhân viên phơi nhiễm Covid-19 khi làm việc, bao gồm 13 người ở Bệnh viện quận 4; Bệnh viện quận 1 có 1 nhân viên; Bệnh viện Hùng Vương có 3 nhân viên, người còn lại trong khu cách ly… Đến ngày 13-7, cũng có 8 nhân viên y tế bị phơi nhiễm. “Lượng bệnh nhân Covid-19 đã tăng lên hơn 15.000 người và còn tăng lên nữa. Nhân viên y tế đang phải chịu áp lực rất lớn”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Còn Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam thông tin, với lượng bệnh nhân lớn, được phân bổ điều trị tại nhiều bệnh viện, nhân viên y tế cũng phải căng đội hình ra nhiều điểm để tham gia quản lý, điều trị. Đó là chưa kể đến lực lượng nhân viên y tế túc trực tại các cơ sở y tế để tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân thông thường khác giữa mùa dịch.

 Tất cả hãy cùng chia sẻ khó khăn, sớm khống chế dịch bệnh. 

“Chúng tôi vẫn đang nỗ lực cùng thành phố tận dụng 15 ngày “vàng” để sàng lọc triệt để F0 trong cộng đồng, từ đó khoanh vùng dập dịch hiệu quả, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Người dân hãy hợp tác với nhân viên y tế để tất cả cùng sớm đạt mục tiêu này”, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Chung tay với ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã kêu gọi nhân viên y tế cả nước chi viện 10.000 nhân viên y tế cho thành phố Hồ Chí Minh, vừa tăng năng lực điều trị, vừa giúp các y, bác sĩ thành phố Hồ Chí Minh được giảm tải để hồi phục sức khỏe, tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh. Ngay lập tức, hàng nghìn nhân viên y tế từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng…đã hưởng ứng, xung phong vào Nam tiếp ứng. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng huy động hàng nghìn nhân viên y tế vào Nam, cùng đồng nghiệp khống chế dịch Covid-19.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Y nỗ lực sớm khống chế dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.