(HNM) - Đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2021 là năm có nhiều thách thức với mọi lĩnh vực nói chung và lĩnh vực viễn thông nói riêng. Tuy nhiên, ngành Viễn thông đã nỗ lực duy trì tăng trưởng 2% so với năm 2020, đạt tổng doanh thu dịch vụ 130.768 tỷ đồng.
Năm qua, dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành “mục tiêu kép” - vừa bảo đảm tăng trưởng vừa tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, tập đoàn đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh tại 30/63 tỉnh, thành phố từ nửa cuối quý II và cả quý III-2021. Đã có 1.300 cán bộ, công nhân viên bị mắc Covid-19 (trong đó 6 trường hợp tử vong) khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại một số đơn vị nhiều lần bị gián đoạn.
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cũng gặp những trở ngại không nhỏ. Thời điểm nhiều tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội giãn cách xã hội, có tới 95% điểm bán hàng tại thành phố Hồ Chí Minh và 80% điểm bán tại Hà Nội phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động; thuê bao di động suy giảm do thị trường đã bão hòa.
Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, các doanh nghiệp lớn đã hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh và tăng trưởng so với năm trước. Trong đó, VNPT đạt tổng doanh thu 56.605 tỷ đồng, tăng 3,4% (doanh thu công ty mẹ tăng 1,5%); lợi nhuận đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 0,3%. Viettel ước đạt tổng doanh thu 271.000 tỷ đồng, tăng 2,1%; lợi nhuận đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 1,6%. Còn Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, năm 2021, nhà mạng này không đặt mục tiêu tăng trưởng lên cao nhất mà ưu tiên hàng đầu là duy trì khách hàng hiện có…
Tính chung, năm 2021, ngành Viễn thông vẫn duy trì doanh thu tăng 2% so với năm 2020, đây là con số đáng ghi nhận (doanh thu năm 2020 chỉ tăng 0,3% so với năm 2019). Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông dành lợi nhuận để tập trung triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong cả nước. Tiêu biểu là Tập đoàn Viettel đã dành khoảng 6.000 tỷ đồng, Tập đoàn VNPT dành hơn 3.000 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài những ảnh hưởng từ dịch bệnh, lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, mặt khác doanh nghiệp cũng chịu sức ép không nhỏ từ sự gia tăng của các dịch vụ OTT (dịch vụ nội dung trên nền tảng internet). Đó là nguyên nhân khiến tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông những năm gần đây “đi ngang”.
Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, với vai trò tiên phong kiến tạo xã hội số, Viettel đã định hình trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Do vậy, trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở cả 6 lĩnh vực chính: Hạ tầng số, giải pháp số, nội dung số, tài chính số, an ninh mạng và công nghiệp công nghệ cao, với quyết tâm đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất vào công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cũng thông tin, VNPT sẽ tập trung vào các nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông giao. Trong đó, VNPT sẽ xây dựng hạ tầng số, hạ tầng lưu trữ đám mây để phục vụ cho phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời nhanh chóng triển khai dịch vụ Mobile Money đến với khách hàng để phục vụ cho thanh toán số…
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã, trong năm 2022, Cục Viễn thông sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó có việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng số, như hạ tầng băng rộng cố định và di động để bảo đảm mục tiêu mỗi người dân sử dụng 1 điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình 1 đường cáp quang; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng dữ liệu và các hạ tầng nền tảng. Cục Viễn thông cũng sẽ cùng với các doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành mục tiêu đưa viễn thông Việt Nam đi cùng nhịp với các nước phát triển, từ đó tạo tiền đề cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.