(HNM) - Năm 2012 qua đi, bên những tín hiệu tích cực còn có những bài học kinh nghiệm về quản lý di sản, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội.
Tái hiện hình ảnh Đội phù giá và Ông Gióng xung trận đánh giặc tại Hội Gióng ở đền Phù Đổng. Ảnh: Minh Đức
1. Năm 2012, ba di sản thế giới trên đất Thăng Long là hệ thống Bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc ít nhiều đều có sự khởi sắc. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Bộ VH,TT&DL cho phép thăm dò khảo cổ học, qua đó đã phát hiện đường nước lớn chưa từng thấy với các dấu hiệu kiến trúc thời Lý. 82 Bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) được bảo tồn và phát huy giá trị, đón hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc sau hai năm "khoác áo" di sản thế giới thực sự là lễ hội của nhân dân, do dân tổ chức, lượng khách du lịch đến với lễ hội đã tăng gấp hai, ba lần.
Tuy thế, sự bất cập trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đã phủ gam màu tối lên lĩnh vực này. Vấn đề càng "nóng" hơn khi sư trụ trì chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ "vượt rào" tu bổ một số hạng mục của di tích quốc gia đẹp bậc nhất Hà thành trong năm 2012, để lại hậu quả to lớn. "Bản án" dành cho vụ sai phạm tại chùa Trăm Gian là nhiều cán bộ lãnh đạo huyện Chương Mỹ, xã Tiên Phương và sư trụ trì chùa Trăm Gian bị khiển trách hoặc cảnh cáo, công tác tu bổ di tích bị gián đoạn. "Vụ" chùa Trăm Gian như giọt nước làm tràn ly, bởi trước đó các ngành chức năng đã "tuýt còi" không ít hành vi vi phạm Luật Di sản, cho thấy sự bất cập trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích tồn tại quá lâu mà chưa được giải quyết.
2. Sau nhiều năm xây dựng, năm 2012 "Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" (Quy hoạch) đã được HĐND TP thông qua; đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ tu bổ, tôn tạo 65% di tích quốc gia (75% vào năm 2020); đến năm 2020 toàn bộ quận, huyện, xã, phường và một nửa số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa hoặc điểm sinh hoạt, câu lạc bộ văn hóa. Các hoạt động văn nghệ quần chúng trở thành nếp sinh hoạt tinh thần thường xuyên của nhân dân, là tiêu chí đánh giá đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Nâng cao điều kiện, mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, Hà Nội phấn đấu hoàn thiện công tác sưu tập và trưng bày hiện vật trong Bảo tàng Hà Nội, hoàn thành quy hoạch đối với Khu di tích Thành cổ Hà Nội rộng 151.600m2 vào năm 2015, đến năm 2020 sẽ bố trí cho 70% số hộ sống trong các khu phố cổ ra các khu đô thị mới...
Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch về văn hóa. Quy hoạch ấy không đơn giản là định hình chỉ số mục tiêu, kế hoạch, giải pháp, nó được giới nghiên cứu văn hóa đánh giá là bước chuyển biến căn bản về tư duy lãnh đạo, chỉ đạo cũng như thái độ ứng xử đối với văn hóa của các cấp, ngành Hà Nội. Trên tinh thần quy hoạch, năm 2012 Sở VH,TT&DL đã đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Ba Vì, Nhà văn hóa xã Tiền Phong (Mê Linh), Mai Đình, Phú Cường (Sóc Sơn), Nam Hồng, Mai Lâm (Đông Anh) và nhiều nhà văn hóa thôn; nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương…
Bản quy hoạch ấy là điểm tựa cho năm công tác năm 2013 và những năm tiếp sau.
3. Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh", các mô hình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xuất hiện ngày càng nhiều trong năm qua.
Quận Hai Bà Trưng triển khai cuộc vận động "Nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp" nơi công sở. Quận Long Biên thực hiện đề án xây dựng nếp sống văn minh (NSVM) đô thị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng tổ dân phố văn hóa; rà soát và thực hiện các quy ước cộng đồng. Quận Hà Đông tiếp tục thực hiện NSVM trong việc cưới với 922/1.177 (84%) số đám cưới thực hiện đúng tinh thần văn minh, tiết kiệm. Hình thức tổ chức cưới bằng tiệc trà, báo hỷ được thanh niên xã Sơn Đông (Sơn Tây) hưởng ứng tích cực. Nhân dân huyện Đông Anh thể hiện cách sống văn minh thông qua việc xóa bỏ hủ tục trong tổ chức việc tang, không làm cỗ mời khách ăn trong ngày tang, ngày cúng tuần 49 và đưa di hài người chết đi hỏa táng (hơn 50%)… Năm 2012, Hà Nội có 84% số hộ, 53,8% số làng, 64% tổ dân phố và 62% số đơn vị đạt các danh hiệu văn hóa (tăng từ 0,5 - 8% so với năm 2011).
Tiếp tục đưa Chương trình vào cuộc sống, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã lập đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng, dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội"; đồng thời lấy ý kiến giới nghiên cứu để xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho nhân dân Thủ đô. Sau khi hình thành các tiêu chí, trong năm nay Sở sẽ xin ý kiến nhân dân trước khi xây dựng thành hệ thống quy tắc ứng xử trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, ban hành. Quy tắc nào nhận được 70% ý kiến ủng hộ, có sự đồng thuận trong nhân dân mới chính thức đưa vào hệ thống quy tắc ứng xử. Bộ quy tắc sẽ hoàn thành vào quý II năm 2014, sau đó sẽ được thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng…
Sự "vượt rào" trong công tác tu bổ di tích, sự hỗn loạn trong lĩnh vực quảng cáo rao vặt, biển hiệu, tham gia giao thông… suy cho cùng đều do ý thức của con người chưa tốt. Bởi thế, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của ngành văn hóa nói riêng, của các ban, ngành đoàn thể và mỗi người dân Hà Nội nói chung. Tập trung cho mục tiêu xây dựng con người là cách xây dựng nền tảng cho sự phát triển của Thủ đô, tạo bước chuyển cơ bản về nhận thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.