(HNM) - Với sự hội nhập sâu hơn của ngành thép vào thị trường thế giới, sự bảo hộ thép bằng thuế quan sẽ giảm đi, thép nhập khẩu sẽ vào Việt Nam mạnh hơn, xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện của các nước nhập khẩu...
Thép xây dựng vẫn ế
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 1 lượng thép xây dựng bán ra giảm sâu so với tháng trước tới 36,49% và giảm 41,78% so với cùng kỳ. VSA dự báo, do ảnh hưởng của việc nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên không chỉ tháng 1 mà cả trong tháng 2 ngành thép vẫn tiếp tục gặp khó, thậm chí đầu ra còn kém hơn so với tháng 1. Tuy nhiên, bước sang tháng 3 có khả năng thị trường sẽ phục hồi trở lại do nhiều công trình đi vào xây dựng, lượng thép xây dựng bán ra thị trường có thể nhiều hơn so với tháng 1 và tháng 2.
Do thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài nên thép xây dựng tồn kho vẫn lớn. Ảnh: Huy Hùng |
Cũng như một số ngành sản xuất trong nước, năm 2013 ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn trong tình trạng khó khăn. Chính phủ đã có nhiều biện pháp điều hành kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giữ ổn định tỷ giá USD để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, do tình hình bất động sản đóng băng kéo dài, đầu tư công cắt giảm với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước mấy năm qua chậm lại đã làm cho tiêu thụ thép giảm, nhất là thép xây dựng - ngành sản xuất thép chính của Việt Nam.
Theo thống kê của VSA, tính tới cuối năm 2013, trung bình mỗi năm năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam đạt được 3.829.000 tấn gang từ lò cao; 11.790.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán; 11.380.000 tấn thép cán xây dựng; 3.870.000 tấn thép cán nguội dải rộng… Các số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất các sản phẩm thép trong nước đã vượt xa nhu cầu. Vì vậy, hầu hết các nhà máy đều đang phải vận hành dưới công suất thiết kế, làm hiệu quả kinh tế giảm thấp. Theo đánh giá, trừ một số DN liên doanh và DN có thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm tốt vận hành hết công suất hoặc vượt công suất thiết kế, còn lại hầu hết các DN trong nước đều trong tình trạng cầm cự.
Một nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng tới sản xuất thép trong nước là do tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn và thép hình) gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu thép cho các công trình xây dựng bị giảm sút, thép cuộn chứa boron của Trung Quốc nhập vào Việt Nam giá rẻ do được hưởng thuế suất nhập khẩu là 0% nên một số DN sản xuất thép xây dựng phải cắt giảm sản xuất. Tiêu thụ thép xây dựng năm 2013 giảm 9,43% so với năm 2012, chỉ đạt 4,957 triệu tấn (trong khi năm 2012 tiêu thụ 5,473 triệu tấn).
Cần tái cơ cấu ngành thép
Theo dự báo, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014 có một số chuyển biến tích cực nhờ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu của các ngành kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế Việt Nam, kinh tế trong nước vẫn chưa giải quyết được những khó khăn tồn tại, đặc biệt là tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,8%, nên các công trình đầu tư mới còn hạn chế. Tình trạng bất động sản vẫn "đóng băng" mặc dù đã có các gói kích cầu nhưng tác động chưa rõ rệt, việc giải ngân rất chậm, các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, chế tạo ô tô, chế tạo cơ khí vẫn chưa khởi sắc, vì vậy các chuyên gia kinh tế dự báo mặc dù tiêu thụ thép có tăng nhưng chỉ ở mức khiêm tốn 3-5% so với năm 2013 và không có đột biến. Với mức tăng trưởng dự kiến như vậy, tiêu thụ thép cả nước năm 2014 dự kiến chỉ đạt 12,4 - 12,65 triệu tấn/năm.
Trong bối cảnh nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến, công suất sản xuất thép vẫn dư thừa, cạnh tranh giữa các DN trong nước vẫn diễn ra mạnh, việc sẽ xuất hiện thêm một số DN ngừng sản xuất rất có thể sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, do sự bảo hộ bằng thuế quan sẽ giảm đi, thép nhập khẩu sẽ vào Việt Nam mạnh hơn, các DN ngành thép Việt Nam sẽ càng phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép nhập khẩu, đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện của các nước nhập khẩu. Tất cả những thách thức lớn lao đó sẽ buộc ngành công nghiệp thép Việt Nam phải tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh.
Do tiêu thụ chậm nên các doanh nghiệp thép chỉ sản xuất 319.975 tấn, giảm 29,14% so với tháng trước và giảm 5,26% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31-1-2014, lượng thép xây dựng tồn kho lên tới 436.748 tấn, khá cao so với dự kiến ban đầu. Trong khi thép xây dựng khó tiêu thụ, nhưng sản phẩm ống thép vẫn giữ mức tiêu thụ tương đương tháng 12-2013 là 68.045 tấn, tăng 0,772% so với cùng kỳ năm trước, lượng tồn kho tính đến ngày 31-1-2014 là 23.766 tấn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.