(HNM) - Những năm gần đây, thị trường quảng cáo (QC), truyền thông có sự phát triển nhanh chóng nhưng ngành QC Việt Nam có vẻ như đã đánh mất thị trường trên chính
Ngành quảng cáo nước ta chưa bắt kịp trình độ quốc tế và mất thị phần trên “sân nhà”. Ảnh: Phương Thanh |
Cần thay đổi tư duy
Thống kê của Hiệp hội QC Việt Nam cho thấy, doanh thu QC trong nước tăng trung bình 40% trong những năm trước nhưng đang có xu hướng giảm trong một vài năm trở lại đây. Đáng nói hơn, Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, QC nhưng 80% thị phần lĩnh vực này lại đang nằm trong tay hơn 20 công ty nước ngoài. Trong số những doanh nghiệp hoạt động QC được đánh giá là "ăn nên làm ra", đa phần chỉ thực hiện những công đoạn cuối cùng của quá trình QC, hoặc thầu lại hợp đồng từ các đối tác nước ngoài.
Theo ông Phan Lê Khôi, Phó Giám đốc IB Group, doanh nghiệp QC nước ngoài thắng doanh nghiệp trong nước vì tư duy QC của họ rất khác so với ta. Tư duy QC ở Việt Nam là thực hiện, còn tư duy QC của doanh nghiệp nước ngoài hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược. "Để ngành QC phát triển, chúng ta nên đầu tư một cách nghiêm túc hơn về định hướng, chiến lược, con người, đặc biệt là thay đổi tư duy", ông Phan Lê Khôi kiến nghị.
Theo ông Hoàng Hải Âu, Giám đốc Công ty CP Giải pháp thị trường Hoàng Gia, sở dĩ rất ít doanh nghiệp Việt Nam nhận được hợp đồng QC lớn là do những doanh nghiệp lớn chưa tin vào trình độ làm QC của các doanh nghiệp trong nước.
Nói về nền QC Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện YooHoo tại Việt Nam Amy VEE phân tích: QC và truyền thông của Việt Nam chưa hiệu quả, thiếu sự sáng tạo vì người Việt còn thiếu kỹ năng bán những gì khách hàng cần, thông điệp QC chìm, không gian quảng cáo bó hẹp khiến người tiêu dùng đôi lúc phải tự mình phân tích để hiểu thông tin. "Hơn lúc nào hết, người làm công tác truyền thông, QC ở Việt Nam phải thay đổi tư duy từ khâu lên ý tưởng, bắt tay thực hiện cho đến khi ra "thành phẩm" - bà Amy VEE phân tích.
Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam: QC trên báo chí hiện không còn là sự lựa chọn số một của các doanh nghiệp. Năm 2012, thị phần QC trên báo, tạp chí toàn cầu chỉ chiếm 19%, trong khi đó, QC trên truyền hình chiếm 43%, internet là 17%... Ở Việt Nam, QC trên truyền hình chiếm phần lớn thị phần QC, có thời điểm lên tới 70%. |
Tái cấu trúc để tự cứu mình
Tại diễn đàn Đại hội Quảng cáo Châu Á lần thứ 28, ông John Merrifield, Giám đốc Sáng tạo của Google Châu Á - Thái Bình Dương tiết lộ, cứ hai năm một lần Google lại thay đổi toàn bộ cấu trúc công ty. Ông John Merrifield lý giải rằng, trong thời đại công nghệ số hiện nay, thời lượng video được đưa lên Youtube ngày càng lớn nên người làm truyền thông, QC phải linh hoạt, nắm bắt rõ nhu cầu của xã hội để có sự thay đổi cho phù hợp.
Bà Rose Tsou, Phó Chủ tịch Yahoo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, người tiêu dùng sẽ thay đổi cách tiếp cận, sử dụng và chia sẻ thông tin vì trên thế giới có 2 tỷ thiết bị di động đang được sử dụng (con số này ước tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017). Nắm bắt được xu thế đó, từ tháng 12-2012, Yahoo đã tiến hành đổi mới dịch vụ, từ email, dịch vụ xã hội đến giao diện trang web cho phù hợp với nền tảng công nghệ di động. Quý II vừa qua, Yahoo tiếp tục triển khai 15 dịch vụ mới. Với những nỗ lực này, vào tháng 10, trang web của Yahoo đã đạt mức 800 triệu lượt truy cập, trở thành website được truy cập nhiều nhất ở Mỹ.
Ở Việt Nam, việc tái cấu trúc bằng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Theo ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội QC Việt Nam, các doanh nghiệp QC Việt Nam cần phải khai thác tiềm năng QC truyền thông hiện đại trên nền tảng công nghệ internet và truyền thông số. Nghiên cứu về thị trường QC Việt Nam, ông David A.aaker, Phó Chủ tịch Prophet, chuyên gia hàng đầu về marketing cho rằng, trong quá trình tái cấu trúc, các doanh nghiệp truyền thông, QC Việt Nam cần đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu, phải tạo ra một lĩnh vực mới mà đối thủ chưa có thì mới có thể thu hút, lôi cuốn được sự quan tâm của công chúng.
Hoạt động QC được coi là cầu nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, có tác dụng góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Từ những bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại diễn đàn Đại hội Quảng cáo Châu Á lần thứ 28, có thể thấy ngành QC Việt Nam cần chủ động đổi mới hơn nữa để tự cứu mình.n
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.