Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Nông nghiệp: Tạo đột phá để không mất thị trường

Chí Kiên| 23/01/2010 07:08

(HNM) - Năm 2009 được đánh giá là năm thành công của ngành nông nghiệp (NN). Mức tăng trưởng vẫn duy trì khá, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch năm và kế hoạch 5 năm trong bối cảnh giá cả nhiều loại nông sản sụt giảm 30 đến 40%.

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2009 đạt gần 220 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2008, trong đó lĩnh vực thủy sản có mức tăng cao nhất 5,4%. Hoạt động xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản khá sôi động, hiệu quả cao, tổng kim ngạch đạt 15,4 tỷ USD, vượt mức chỉ tiêu 14 tỷ USD Thủ tướng Chính phủ giao. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,3%...

Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty XNK Thủy sản An Giang. Ảnh: Hoàng Minh


Tuy nhiên, để tiếp tục tạo đà bứt phá trong năm 2010, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật, ngành NN phải vượt qua những hạn chế "cố hữu" về sức cạnh tranh của nông sản, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm... Các chuyên gia trong ngành nhận định, sản xuất NN còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên tai, dịch bệnh mà theo dự báo, biến đổi khí hậu sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ, phòng chống thiên tai còn rất bị động, hệ thống bảo hiểm rủi ro cho nông dân chưa được triển khai đồng bộ.

Bộ NN&PTNT cho biết, cả nước có 1.253 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô vừa và lớn. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến áp dụng công nghệ và dây chuyền chế biến hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính như EU (310 cơ sở), Hàn Quốc (442), Trung Quốc (444), Nga (30), Braxin (600), Nhật (355)… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, NN Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Đặc tính cố hữu này dẫn đến những hạn chế như khó cơ giới hóa, năng suất thấp, giá thành cao, nông dân khó tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng, tổ chức khuyến nông. Những điểm yếu này đã ảnh hưởng đến các khâu chế biến, lưu thông, xuất khẩu và tạo dựng thương hiệu nông sản. Vấn đề lớn nhất của NN hiện nay là phải thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn, nếu không nông dân sẽ ngày càng xa rời thị trường.

Năm 2010, ngành NN đặt ra 6 giải pháp lớn, đột phá là tiếp tục ổn định, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu với tốc độ tăng giá trị sản xuất chế biến 10%. Thực hiện xã hội hóa các dịch vụ ở nông thôn, thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, bảo đảm cung cấp các dịch vụ cho sản xuất, đời sống người dân. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật cho biết, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, phát triển mạnh công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhất là về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm để khôi phục, phát triển nhanh các làng nghề.

Ngành NN đặt mục tiêu năm 2010, giá trị sản xuất tăng 4,5-4,6%; kim ngạch xuất khẩu 16-16,5 tỷ USD; đạt sản lượng 39 triệu tấn thóc; xuất khẩu 5 đến 6 triệu tấn gạo; sản lượng thịt hơi các loại 4,1 triệu tấn; tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2010 là 40%; 83% số hộ nông dân được cấp nước hợp vệ sinh; sản xuất 39 triệu tấn lương thực; trồng mới 20 nghìn hécta cao su…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp: Tạo đột phá để không mất thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.