Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Nông nghiệp khu vực Mỹ Latinh - Caribe: Phát triển bền vững hậu đại dịch Covid-19

Thùy Dương| 04/04/2022 08:00

(HNM) - Hội nghị khu vực Mỹ Latinh - Caribe lần thứ 37 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa kết thúc tại Quito, Ecuador. Trong bối cảnh an ninh lương thực đang gặp nhiều thách thức, đại diện của 33 quốc gia tham dự hội nghị đã thảo luận về cách thức thúc đẩy phát triển hệ thống nông sản và nông nghiệp bền vững hậu đại dịch Covid-19, cũng như cách giảm thiểu tác động của việc tăng giá lương thực và phân bón trong khu vực, khi Mỹ Latinh - Caribe là nơi xuất khẩu lương thực ròng lớn nhất thế giới.

Đại biểu tham dự Hội nghị khu vực Mỹ Latinh - Caribe lần thứ 37 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Quito, Ecuador.

Các hệ thống nông sản của Mỹ Latinh và Caribe sản xuất đủ lương thực để nuôi hơn 664 triệu dân của khu vực. Sự đóng góp này là kết quả của đa dạng sinh học phong phú từ các hệ sinh thái đất và biển ở Mỹ Latinh và Caribe cùng sự tháo vát của 18 triệu nông dân và ngư dân. Tuy nhiên, các hệ thống nông sản trong khu vực đang phải chịu áp lực rất lớn. Tác động của khủng hoảng khí hậu đã dẫn đến những thách thức khó khăn. Bên cạnh đó, hành động của con người đã làm mất cân bằng sinh thái, tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất lương thực và toàn xã hội.

Theo số liệu gần đây của FAO, trong tổng số 650 triệu dân Mỹ Latinh và Caribe, có 267 triệu người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực. Gần 60 triệu người đói triền miên, trong khi một nửa dân số nông thôn sống trong nghèo đói và 1/4 sống trong cảnh nghèo cùng cực. Trong bối cảnh đó, hậu quả của cuộc khủng hoảng tại Ukraine với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu càng làm gia tăng sức ép đối với khu vực. Về mặt lý thuyết, Mỹ Latinh có thể tăng sản lượng lúa mì để bù đắp sự sụt giảm sản lượng khi không nhập khẩu được lúa mì từ Ukraine, tuy nhiên, việc phân bón tăng giá chóng mặt đã làm giảm khả năng này. Ngoài ra, khả năng tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại và số hóa ngành Nông nghiệp là không đồng đều. Tất cả những điều kiện này đều hạn chế sự phát triển trong tương lai của các hệ thống nông sản thực phẩm. Vì vậy, giải quyết những thách thức trên là cần thiết để Mỹ Latinh và Caribe tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống lương thực toàn cầu.

Tại hội nghị kéo dài 5 ngày (từ 28-3 đến 1-4), 33 bộ trưởng từ Mỹ Latinh và Caribe đặc biệt đã nhất trí thông qua Khung chiến lược mới của FAO giai đoạn 2022-2031. Nhiệm vụ trung tâm của Khung chiến lược là hỗ trợ các nước thành viên trong việc chuyển đổi sang hệ thống nông sản thực phẩm hiệu quả hơn, bao trùm, linh hoạt và bền vững. Một mục tiêu khác của Khung chiến lược là thực hiện nông nghiệp kỹ thuật số và đổi mới. Đây là một mục tiêu dài hạn, tuy nhiên, với việc FAO đã đầu tư 3,8 tỷ USD vào 43 dự án trong 2 năm qua, sự tham gia của Liên hợp quốc có thể sẽ thúc đẩy các dự án tiến triển.

Một tính cấp thiết mới được các thành viên tranh luận trong hội nghị là sự gia tăng giá lương thực và phân bón, do cuộc xung đột Nga - Ukraine trở nên trầm trọng hơn. Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc thừa nhận vấn đề mang tầm quan trọng đối với khu vực, vì nó gây rủi ro cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và sự phục hồi kinh tế. Thế nên, đẩy nhanh các đổi mới và chính sách để đối phó với giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào tăng là một phần của ý nghĩa “sản xuất tốt hơn”, có thể giúp khu vực củng cố vai trò là nhà xuất khẩu thực phẩm ròng hàng đầu thế giới.

Khả năng phục hồi của hệ thống nông sản Mỹ Latinh - Caribe là rất quan trọng vì khu vực này có thể sản xuất đủ lương thực cung cấp cho 1,3 tỷ người. Theo FAO, Mỹ Latinh - Caribe cam kết đối đầu và vượt qua cuộc khủng hoảng nhân đạo, kinh tế và xã hội phức tạp nhất trong những thập kỷ gần đây, do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, ngành nông sản thực phẩm là chìa khóa để khu vực thực hiện cam kết này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp khu vực Mỹ Latinh - Caribe: Phát triển bền vững hậu đại dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.