(HNM) - Ngành Ngân hàng đã giảm sâu lãi suất nguồn vốn cung ứng cho các lĩnh vực kinh tế ưu tiên. Trong bối cảnh dịch Covid-19, tập trung nguồn vốn cho nhóm các lĩnh vực ưu tiên là giải pháp vừa góp phần phục hồi sản xuất, vừa hỗ trợ ngân hàng tăng trưởng tín dụng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thời điểm hiện tại, tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Một số lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới, như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%...
"Một mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã khởi sắc hơn sau khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, mặt khác mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh. Hiện, lãi suất cho vay bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm, thấp hơn 1,5-2% so với đầu năm 2020", ông Đào Minh Tú chia sẻ thêm.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, các ngân hàng cũng đã tích cực triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú, hiện tổng quy mô tín dụng và đầu tư tại BIDV đạt gần 1.080.702 tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) tăng trưởng 19,2% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 50% tổng dư nợ.
Trong số hàng nghìn doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân hàng, Phó Giám đốc Công ty nhựa Quân Sơn (quận Đống Đa) Nguyễn Ngọc Phương cho hay, mặc dù là doanh nghiệp nhỏ, nhưng công ty đã nhận được hỗ trợ từ phía ngân hàng, với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Nhờ đó, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng mặt bằng sản xuất, nghiên cứu các sản phẩm mới để chuẩn bị cung ứng hàng cho những tháng cuối năm. Còn theo Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty EMTC (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) Bùi Danh Lợi, doanh nghiệp đã vượt qua thời điểm khó khăn do dịch Covid-19, vì được nhận ưu đãi cũng như hỗ trợ lớn từ ngân hàng.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Rõ ràng, với việc giảm lãi suất cho vay, cơ hội để tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của doanh nghiệp thuận lợi hơn. Đây cũng là điều kiện để tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tăng tốc trong những tháng cuối năm 2020.
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn thông tin, dư nợ tín dụng của ngân hàng có dấu hiệu hồi phục tích cực. LienVietPostBank sẽ tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng vào các doanh nghiệp có chất lượng tốt thuộc các nhóm ngành như bưu chính viễn thông, trung gian thanh toán… Đặc biệt, LienVietPostBank sẽ triển khai thêm nhiều chương trình cho vay ưu đãi, với lãi suất hấp dẫn hơn dành cho các khách hàng thuộc đối tượng ưu tiên.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều chủ động tiếp cận doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư công, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, bằng việc đẩy mạnh các gói cho vay ưu đãi. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng dành nguồn vốn khá lớn cho các lĩnh vực ưu tiên, đầu tư công, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phục hồi kinh tế trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, với đà tăng của một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu… tăng trưởng tín dụng năm 2020 có khả năng đạt 8-9%.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã được nới giới hạn cho vay tín dụng (room) trong thời gian tới trong đó Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được nới lên mức 19-23%; Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) nới lên 12,5%... Đây là điều kiện tốt để ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
“Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục xử lý khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, miễn giảm lãi vay, phí và giữ nguyên nhóm nợ... Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt và hoạt động của doanh nghiệp cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu, dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%”, ông Đào Minh Tú cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.