(HNM) - Cùng với nợ xấu, sở hữu chéo tại các ngân hàng đang là vấn đề “nóng” trên các diễn đàn.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV. |
Nhiều ngân hàng sở hữu chéo
Tại hội nghị triển khai Đề án 1058 về tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được tổ chức mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, sẽ tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn thao túng tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, hiện nay những ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)... đều là cổ đông lớn, với việc sở hữu cổ phần của một số ngân hàng khác. Không chỉ có các ngân hàng lớn, một số ngân hàng nhỏ cũng có cổ phần của tổ chức tín dụng khác. Rõ ràng, sở hữu chéo không phải là tình trạng hiếm thấy, mà khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Mặc dù sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tình trạng sở hữu chéo đã giảm, nhưng vẫn chưa triệt để.
Chẳng hạn, Vietcombank sở hữu khoảng 7% cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), trước đó là 9,8%; cùng với 8,19% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); 4,3% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank); 5,07% cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Trong khi tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu tối đa của không quá hai tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó...
Tình trạng một ngân hàng đang sở hữu cổ phần của các ngân hàng khác là những tồn tại từ quá khứ nên chưa thể xử lý ngay trong thời gian ngắn. Trong đề án tái cơ cấu của một số ngân hàng gần đây, xử lý chéo đã bị ngăn chặn khá triệt để, chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngân hàng này đã từng nhiều lần trình Ngân hàng Nhà nước đề án tái cơ cấu, nhưng không được thông qua, vì những vướng mắc liên quan đến sở hữu chéo và nợ xấu từ Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Song, cuối cùng đề án tái cơ cấu Sacombank được thông qua với phương án Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là ông Dương Công Minh ứng cử sang HĐQT Sacombank (sau đó ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT). Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ông Dương Công Minh và nhóm người liên quan thoái toàn bộ vốn tại LienVietPostBank trước khi ứng cử sang Sacombank. Trước đó, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam là cổ đông sáng lập, cùng nhóm người liên quan sở hữu 14,98% vốn điều lệ, tương đương 96,77 triệu cổ phiếu của LienVietPostBank.
Cần tìm ra các cổ đông “ẩn”
Về tình trạng sở hữu chéo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tìm chính xác nguồn vốn góp của cổ đông lớn chi phối ngân hàng, cùng với đó trong quá trình ngân hàng hoạt động, cấp tín dụng cần chú ý, vì đó là biểu hiện “sân sau” của các nhóm cổ đông chi phối. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, những quy định về giảm tỷ lệ sở hữu chéo chưa được thực hiện phần lớn là do ý thức của các cổ đông. Bởi, họ có cổ phần lớn, nhờ đó lợi dụng được vị thế để phát triển kinh doanh, lợi dụng được cổ phần để gom quyền lực thì những cổ đông này không muốn tước bỏ quyền lực. Với nhiều người, việc nắm quyền điều hành một ngân hàng là có một công cụ tài chính rất hữu hiệu để tài trợ những dự án, doanh nghiệp của họ, mặc dù có giới hạn về tín dụng, nhưng họ vẫn có cách để vượt giới hạn đó. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, dù chỉ đạo đã được đưa ra, nhưng việc thực hiện chưa đủ mạnh, nên chưa thể thanh, kiểm tra toàn diện để tìm ra những sở hữu chéo các tổ chức tín dụng “ẩn” trong hệ thống để xử lý triệt để.
Theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế. Do đó, giải pháp đặt ra là phải bổ sung các quy định để tăng cường xử lý sở hữu chéo các tổ chức tín dụng, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng và các bất cập về pháp lý liên quan khác.
Đề án đã đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung khái niệm “người có liên quan” để bảo đảm bao quát rộng hơn các trường hợp có cùng lợi ích; rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện với các chức danh chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc… theo hướng chặt chẽ hơn. Cùng với đó là sửa đổi các quy định về giới hạn sở hữu cổ phần đối với cổ đông của tổ chức tín dụng nhằm đại chúng hóa cổ đông, hạn chế sự thao túng...
Sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng vẫn là vấn đề tồn tại khá lớn và xử lý triệt để cần phải có thời gian. Tuy nhiên, cũng giống xử lý nợ xấu, xử lý sở hữu chéo cần được thực hiện quyết liệt hơn để hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, giữ vai trò là “xương sống khỏe” cho toàn bộ nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.