(HNMO) - Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 10%; nhu cầu về điện tăng 13%. Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, 83% vào năm 2020 và khoảng 86% vào năm 2030.
Đó là thông tin được ông Trịnh Quốc Vũ đưa ra tại cuộc tọa đàm "Phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng" do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 11-12 tại Hà Nội.
Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Trịnh Quốc Vũ chia sẻ, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đề ra mục tiêu: Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển sản phẩm; hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội...
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), hiện, cả nước có 165 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn: Lotus (Hội đồng Công trình xanh Việt Nam), Edge (Tổ chức Tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới), LEED (Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Hội đồng Công trình xanh Singapore). Trong số các công trình xanh được chứng nhận, công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách chiếm đa số.
Việt Nam đã xây dựng hệ thống chính sách tương đối đầy đủ và toàn diện, bao gồm: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020...
Về phía các doanh nghiệp phát triển công trình xanh, ông Bùi Tiến Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark kiến nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể hơn để tạo cú hích cho phát triển công trình xanh; tổ chức phân hạng công trình xanh để có ưu đãi tài chính cũng như ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách tương xứng.
Còn ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tư vấn công trình xanh GreenViet cho biết, hiện nay, đã có những công trình xanh tiên phong, chi phí và lợi ích của công trình xanh đã được kiểm chứng, đã xuất hiện những chuỗi công trình xanh; sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện.
Tọa đàm "Phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng" là một trong những sự kiện kết thúc chuỗi hoạt động Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.