(HNM) - Tính đến thời điểm này, lượng đường tồn kho trong nước khoảng 390.000 tấn và là mức kỷ lục từ trước tới nay. Giá đường trong nước liên tục giảm, lượng đường lậu trên thị trường ngày một tăng, khiến không ít nhà máy sản xuất đường phải ngừng hoạt động, người trồng mía thua lỗ nặng. Nếu không sớm có biện pháp tháo gỡ thì số nhà máy mía đường ngừng hoạt động sẽ tăng lên từng ngày.
Chồng chất khó khăn
Theo Hiệp hội Mía đường, tính đến cuối tháng 2, đã có 40 nhà máy đường đi vào sản xuất. Các nhà máy đã ép 8.969.000 tấn mía, thu 784.530 tấn đường, tăng 1.387.000 tấn mía và 148.330 tấn đường so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, năm 2013 dự báo nhu cầu sử dụng đường cho sản xuất thực phẩm sẽ giảm mạnh, khoảng 15-20% so với năm trước. Cùng với lượng đường hiện có, hạn ngạch nhập khẩu 73.500 tấn đường trong năm 2013 càng khiến áp lực tồn kho tăng thêm. Đặc biệt, giá đường trong nước liên tục giảm; nếu như thời điểm đầu vụ (tháng 8-2012) giá đường dao động ở mức 16.000-16.700 đồng/kg, thì đến nay chỉ còn 13.300-13.500 đồng/kg, thấp nhất trong những năm gần đây.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ngoài việc đối mặt với giá đường giảm, lượng đường tồn kho trong nước lớn, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với đường nhập lậu từ Thái Lan và các nước khác, có giá bán rẻ hơn. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết: Từ đầu vụ đến nay, 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh thuộc Casuco sản xuất hơn 80.000 tấn, trong đó lượng tồn kho hơn 23.000 tấn. Dù doanh nghiệp áp dụng các hình thức khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng, nhằm đẩy mạnh lượng bán ra, nhưng tốc độ tiêu thụ vẫn thấp. Đường tồn kho nhiều, chi phí vào nhà máy tốn kém, chi phí kho lưu trữ cũng tăng, cộng với lãi suất ngân hàng đã khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động, số khác chạy cầm chừng.
Không chỉ các nhà máy rơi vào cảnh khó khăn, niên vụ mía năm nay, nông dân trồng mía cũng rơi vào cảnh thua lỗ, mất trắng. Hiện giá mía trên thị trường chỉ là 700-750 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với các năm trước. Theo Bộ NN&PTNT, trong hai năm gần đây, ngành mía đường phát triển, nông dân thuê đất trồng mía ngày một nhiều, diện tích trồng mía tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, với mức giá mà các nhà máy thu mua hiện nay, nông dân gần như mất trắng, không thu được vốn. Nhiều hộ nông dân thua lỗ, không trả được nợ vật tư, ngân hàng… đã phải cho thuê đất hoặc bỏ mía đi tìm việc khác kiếm sống.
Sớm tháo gỡ
Trước tình hình khó khăn đó, ngay từ cuối năm 2012, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có những giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng mía và các nhà máy sản xuất đường. Thế nhưng, đến nay, các bộ, ngành vẫn còn "bàn bạc", chưa đưa ra những giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng có các biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần bổ sung đường ăn vào danh mục các mặt hàng cấm và tạm ngưng "tạm nhập tái xuất". Đối với đường thô và đường trắng tạm nhập để sản xuất đường tinh luyện xuất khẩu và chế biến hàng xuất khẩu phải quản lý chặt về lượng, thời điểm cho nhập, xuất để tránh ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước. Ngoài ra, Chính phủ nên cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường với số lượng hợp lý, bằng con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Đối với việc chống buôn lậu đường, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 127/TƯ) đã có công văn yêu cầu Hiệp hội Mía đường Việt Nam cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại đường nhập lậu trong thời gian 3 năm (2010, 2011, 2012), đánh giá mức độ tăng giảm từng năm. Đồng thời có báo cáo phân tích đối tượng tham gia buôn lậu đường, phương thức, thủ đoạn, phương tiện và thời gian vận chuyển hàng lậu; sơ đồ tuyến đường vận chuyển từ biên giới vào nội địa; dự báo tình hình thời gian tới và đề xuất giải pháp ngăn đường nhập lậu… Trong tháng 3 này, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 127/TƯ sẽ làm việc với Hiệp hội Mía đường để xây dựng phương án chống buôn lậu mặt hàng đường. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, hiệp hội chỉ quản lý chung về tiêu thụ, hoạt động của các doanh nghiệp, dự báo thị trường, chứ không có chức năng điều tra về buôn lậu, nên những yêu cầu của Ban Chỉ đạo 127/TƯ cần sự phối hợp của hải quan các cửa khẩu, thông tin của các cấp, ngành liên quan.
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, những mặt hàng Việt Nam tự chủ được, cần khuyến khích phát triển, hướng tới xuất khẩu, tạo thêm nguồn thu cho Nhà nước. Ngoài những hỗ trợ về chính sách, giá cả, cơ chế, ngành mía đường cũng cần đổi mới phương thức hoạt động, liên kết chặt chẽ với nông dân, định hướng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, cần sự hợp lực của nhiều bộ, ngành, trong đó người tiêu dùng cũng nên có ý thức với chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới khó khăn như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.