(HNMO) - Chiều nay (4-1), tại Hà Nội, Bộ GT-VT đã tổ chức hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Theo báo cáo của Bộ GT-VT, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về “xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, trong giai đoạn 2014-2015, bên cạnh sử dụng hợp lý nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, Bộ đã có những giải pháp nhằm thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể: Bộ GT-VT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn như hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn từ 1 đến 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các cầu: Năm Căn, Cổ Chiên, Hạc Trì, Mỹ Lợi..; Nhà ga Cảng hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình, 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang...
Đặc biệt là việc hoàn thành xuất sắc cụm 3 công trình: Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng Giải thưởng Cống hiến. Nhờ những nỗ lực nêu trên, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, tăng 36 bậc so với năm 2010…
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả mà ngành GT-VT đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. 2011-2015 là giai đoạn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển nhảy vọt với nhiều công trình đồng bộ, hiện đại. Nhiều lĩnh vực khác của ngành GT-VT cũng thu được những thành công như tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông; cải cách hành chính... Bước sang năm 2016 và giai đoạn đến năm 2020, Bộ GT-VT không chủ quan, thỏa mãn mà cần tiếp tục đoàn kết nhất trí, chung sức, chủ động sáng tạo để làm tốt hơn nữa nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Thứ nhất: tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước của ngành, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách theo hướng ngày càng thị trường hơn và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế… Thứ hai: tập trung huy động các nguồn lực đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn thông qua từng dự án cụ thể từ cấp Trung ương đến địa phương. Thứ ba: nâng cao năng lực vận tải đa phương thức để giảm giá thành vận tải, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ tư: đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự ATGT, phấn đấu kéo giảm sâu ùn tắc và tai nạn giao thông. Thứ năm: tiếp tục quyết liệt tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả họat động của các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.