(HNMO) - Nhằm ứng phó với cơn bão số 10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công điện khẩn gửi Cục Quản lý đường bộ II, các Sở GT-VT Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thực hiện phương án phân luồng giao thông cho các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa lưu thông; thực hiện nghiêm việc kiểm tra các phương tiện trước khi xuất bến, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến khi bão số 10 đổ bộ vào.
Tổng cục cũng yêu cầu lực lượng thanh tra đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà đầu tư dự án BOT đường bộ xả trạm thu phí đường bộ khi có mưa to gió lớn để phục vụ di dân, các phương tiện đi tránh bão và vận tải hành khách, hàng hóa; giám sát việc xả trạm và đóng trạm thu phí.
Do ảnh hưởng của bão, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải phong tỏa gần 30 điểm thuộc 18 khu vực trên tuyến đường sắt Thống Nhất do cây đổ, cáp điện đứt vào đường sắt và đường ray bị ngập. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, hàng hóa, Tổng công ty đã dừng 7 đoàn tàu khách và tất cả các đoàn tàu hàng để tránh đi vào vùng tâm bão.
Cho đến 17 giờ ngày 15-9, sau khi cơn bão đi qua, các đoàn tàu mới được tiếp tục hành trình. Do chủ động điều chỉnh kế hoạch chạy tàu, các đoàn tàu có lịch trình chạy qua tâm bão đều đỗ ở các ga trung tâm (chiều từ Bắc vào Nam dừng ở ga Vinh và chiều từ Nam ra Bắc dừng tại Đà Nẵng, Huế) nên công tác phục vụ hành khách diễn ra thuận lợi, chu đáo. Hành khách được phục vụ suất ăn và nước uống miễn phí trên tàu.
Trong khi đó, Vietnam Airlines cho biết đã phải hủy 12 chuyến bay trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh – Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa. Tại các sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vietnam Airlines tiếp tục không khai thác đến hết ngày 15-9. Hãng Vietjet Air phải ngừng khai thác tổng cộng 28 chuyến bay đi và đến các sân bay thuộc khu vực miền Trung. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền, điều chỉnh lại lịch bay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.