Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Giáo dục Thủ đô: Vượt khó hoàn thành ''nhiệm vụ kép''

Thống Nhất| 10/08/2021 06:11

(HNM) - Đến thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều học sinh nghỉ hè khi chương trình học còn dang dở, song với sự nỗ lực của thầy, trò, sự đồng hành của phụ huynh học sinh, ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp, vượt qua khó khăn để hoàn thành “nhiệm vụ kép”: Bảo đảm chất lượng giáo dục và an toàn, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) nghiên cứu sách giáo khoa lớp 6, chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 (ảnh chụp tháng 6-2021). Ảnh: Nguyễn Hạnh

Khắc phục khó khăn 

Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, năm học 2020-2021, việc dạy - học trực tiếp của thầy, trò các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội bị ngắt thành nhiều đợt. Vào một số thời điểm dịch bùng phát, các trường phải tạm dừng việc dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy - học theo hình thức trực tuyến. Gần cuối năm học, trừ học sinh lớp 9 và lớp 12, UBND thành phố đã quyết định điều chỉnh kế hoạch năm học, cho phép học sinh các cấp nghỉ hè sớm (từ ngày 15-5-2021), khi nhiệm vụ năm học còn dang dở. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng phương án dạy học và kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II bằng hình thức trực tuyến. 

Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm), với sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh học sinh, trường đã tổ chức cho học sinh hoàn thành bài kiểm tra cuối học kỳ II và tổng kết năm học theo hình thức trực tuyến. Dù tình hình dịch phức tạp, song nhà trường cũng đã tổ chức tuyển sinh lớp 6 và lớp 10 an toàn, đúng tiến độ. 

Còn theo bà Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông), trước nguy cơ dịch còn kéo dài, trên cơ sở khảo sát điều kiện thực tế và nguyện vọng của phụ huynh học sinh, nhà trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ II theo hình thức trực tuyến, lần lượt từ khối 5 trở xuống để rút kinh nghiệm. Toàn bộ học sinh đều được ôn tập và kiểm tra thử nhiều lần. Do học sinh còn nhỏ, nên thời gian tổ chức kiểm tra chủ yếu được thực hiện vào buổi tối để các em được hỗ trợ tối đa. Nhà trường sẽ hoàn thành việc tổ chức kiểm tra trước ngày 15-8-2021. 

Bà Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Quang Minh B (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Trước thời điểm kiểm tra, một số phụ huynh khá lo lắng, bởi thiếu máy tính có kết nối mạng, lại hạn chế về trình độ công nghệ, nên không thể hỗ trợ được con. Song, với hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ của nhà trường về thiết bị, các con đã hoàn thành kỳ kiểm tra theo đúng quy định...”. 

Về việc tháo gỡ vướng mắc cho các trường còn khó khăn, phụ huynh và học sinh thiếu thiết bị để thực hiện bài kiểm tra trực tuyến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở cho phép các trường tiểu học không đủ điều kiện tổ chức kiểm tra trực tuyến được sử dụng kết quả đánh giá học kỳ I, kết quả giữa học kỳ II và kết quả đánh giá thường xuyên để đánh giá kết quả năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1, 2. Đến thời điểm này, có thể khẳng định dù còn nhiều khó khăn, song các trường học trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Học sinh một trường tiểu học trên địa bàn huyện Mê Linh làm bài kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2020-2021. Ảnh: Trọng Hiếu

Chủ động các phương án dạy - học 

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành năm học 2020-2021, các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng gấp rút chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ có thể còn kéo dài của dịch Covid-19, dạy - học trực tuyến là phương án đã được các nhà trường tính đến. 

Theo ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa), nhà trường đã chuẩn bị kịch bản cho một năm học có thể dịch còn diễn biến phức tạp. Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6, trường có thuận lợi vì đã được chọn là đơn vị dạy học thử nghiệm, song vẫn đặc biệt quan tâm đến khâu tập huấn cho giáo viên. Nhà trường cũng đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến và hỗ trợ học sinh tự ôn tập qua hệ thống. 

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa, phòng tham mưu cho UBND huyện đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị, nhất là đối với lớp 2, lớp 6 - hai khối lớp bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; chỉ đạo các trường học tiếp tục rà soát, tận dụng tối đa trang thiết bị hiện có và hoàn thiện các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, sẵn sàng chuyển sang trạng thái dạy học trực tuyến khi cần thiết. 

Cô giáo Đặng Hoàng Hà, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho hay, đã cùng đồng nghiệp khẩn trương xây dựng kho bài giảng điện tử và hệ thống bài tập ở nhiều môn học, nhằm khắc phục những hạn chế của hình thức dạy học trực tuyến với học sinh nhỏ tuổi. 

Với tinh thần khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị cho năm học mới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh: “Các nhà trường tiếp tục rà soát, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chủ động các phương án, sẵn sàng bước vào năm học mới 2021-2022 với tinh thần chủ động hơn nữa, quyết tâm không để những khó khăn của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy - học. Căn cứ điều kiện thực tế, các nhà trường cần quan tâm, hoàn thiện điều kiện dạy, học và kiểm tra đánh giá trực tuyến để sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục Thủ đô: Vượt khó hoàn thành ''nhiệm vụ kép''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.