Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành du lịch "vướng" nhiều bất cập

Thủy Tiên| 05/07/2015 06:19

(HNM) - Con cua 1,2kg khi luộc chỉ còn 0,42kg, một chai nước tinh khiết giá 25.000 đồng, hai bát phở giá 800.000 đồng… chỉ là vài trong nhiều ví dụ được nêu ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của ngành văn hóa - du lịch & thể thao mới đây.

Trước hết, cần thừa nhận dịch vụ du lịch nước ta đã và đang có nhiều thay đổi, dần tiến tới chuyên nghiệp hơn. Xu hướng này là đòi hỏi tự thân phải đổi mới của ngành để đáp ứng nhu cầu phát triển. Không đổi mới, không tự hoàn thiện, ngành dịch vụ du lịch sẽ không thể cạnh tranh được với du lịch nước ngoài về giá và chất lượng phục vụ. Dù vậy, quan niệm về kinh doanh du lịch của không ít địa phương vẫn mang tính "ăn xổi" và thiếu tầm nhìn với phương châm… đầu tư xong chỉ muốn thu hồi vốn thật nhanh. Tại không ít nơi, không ít người làm du lịch cho rằng khách du lịch đi lẻ có thể chỉ đến một lần, "chắc gì đã quay lại" nên "chém" được là "chém". Các khu du lịch biển hoạt động theo thời vụ ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung còn chịu "áp lực" khác, chẳng hạn tiền thuê mặt bằng quá cao. Chi phí mọi thứ "đầu vào" đều cao khiến du lịch trong nước đắt hơn đi du lịch các nước ASEAN…

Câu chuyện hợp tác trong ngành du lịch cũng có nhiều bất cập. Ví dụ, nhiều trường hợp giống như nông dân ký kết bán nông sản cho doanh nghiệp: Khi giá thị trường thấp, họ bán cho doanh nghiệp đúng cam kết nhưng giá thị trường cao hơn, họ sẵn sàng phá hợp đồng. Có công ty tour ký hợp đồng trước cả tháng với khách sạn ở các khu du lịch trọng điểm nhưng khách sạn sẵn sàng hủy hợp đồng nếu thấy hợp đồng khác có khách đông hơn và đồng ý chịu giá tiền phòng cao hơn. Công ty tour kia vì chữ tín với khách đành phải ngậm đắng chịu thiệt. Những vấn đề trên tồn tại từ năm này qua năm khác, không phải các địa phương không biết nhưng vì các khoản thu này đóng góp khá lớn cho ngân sách địa phương nên họ cũng lờ đi. Cũng có địa phương muốn lấy lại danh tiếng đã mất với khách du lịch nội địa song sự phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với ngành du lịch chệch choạc, trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường không cao mà vụ con cua 1,2kg luộc xong còn 0,42kg là một dẫn chứng.

Khác với cách đây nhiều năm, tin "dữ" muốn đồn xa cần có thời gian nhưng ngày nay, chỉ cần xảy ra thì ngay lập tức tin "dữ" tràn ngập các trang cá nhân, mạng xã hội, báo điện tử… Và hậu quả đầu tiên là quán chặt chém sẽ vắng khách, tiếp theo khu du lịch của địa phương đó cũng bị ảnh hưởng. Cũng dễ hiểu, người đi du lịch chẳng ai muốn mất tiền… rước bực mình trong chuyến nghỉ ngơi trong khi họ có rất nhiều sự lựa chọn ở cả trong và ngoài nước.

Những bất cập tái diễn trong thời gian dài đã dẫn đến thực tế là nhiều năm nay, người dân đăng ký đi du lịch nước ngoài dịp lễ, Tết, mùa hè ngày càng đông. Nguyên nhân là chất lượng phục vụ (của du lịch nước ngoài) cao hơn, nhiều tour giá lại rẻ hơn du lịch nội địa. Điều đó cũng đồng nghĩa một nguồn lực rất lớn, bao gồm ngoại tệ trong nước chảy ra nước ngoài, trong khi chúng ta rất cần để xây dựng đất nước. Ngành công nghiệp không khói chỉ phát triển nếu các cơ quan quản lý, các địa phương, các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch cùng nhau giải quyết những bất cập đang tồn tại. Nếu không, xu hướng sụt giảm số lượng du khách quốc tế đến cũng như người dân chọn du lịch nước ngoài để đi sẽ còn tiếp diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành du lịch "vướng" nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.