(HNM)- Ngành dệt may (DM) đang xác định mục tiêu dịch chuyển trong chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng thời trang-công nghệ-thương hiệu. Song, để đạt được điều đó, ngành cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao và chủ động về nguyên liệu.
Mười tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của ngành DM vẫn duy trì ở mức cao, nhất là trong ba tháng 8, 9,10. Hầu hết thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực đều có mức tăng 5-20%, như Nga hơn 5%, EU 7%, Nhật Bản 14,7%, Hoa Kỳ hơn 20%... Bên cạnh đó, nhờ tác động của Hiệp định tự do thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN, nên XK hàng DM vào Hàn Quốc có mức tăng khá ấn tượng, hơn 80%. Điều đáng mừng, với kết quả XK 10 tháng đạt hơn 9,1 tỷ USD cùng với đơn hàng đã ký thì kim ngạch XK năm 2010 của toàn ngành sẽ đạt 11 tỷ USD, vượt 500 triệu USD so với kế hoạch đề ra. Một số DN đã ký được hợp đồng đến hết quý I-2011.
Theo các chuyên gia, nhóm hàng DM đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực Đông Âu, Trung Mỹ và Nam Mỹ sang châu Á, bởi châu Á đang có lợi thế về giá thành và nhân công. Định hướng phát triển của ngành DM là tập trung vào sản xuất các sản phẩm trung, cao cấp, đáp ứng yêu cầu của thị trường, xu hướng chủ yếu là đầu tư vào công nghệ để sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhằm tăng trưởng kim ngạch trong thời gian tới. Với mục tiêu lọt vào top 5 nước XK DM lớn thế giới, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được coi là giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, trên thực tê, vấn đề thiếu hụt lao động vẫn tồn tại buộc các DN phải cải tiến quy trình sản xuất, nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại để giảm áp lực về lao động. Theo Tập đoàn DM Việt Nam, điều lo ngại nhất của nhiều DN hiện nay không phải là không có đơn hàng, mà là không có đủ lao động để thực hiện đơn hàng đã ký. Bên cạnh đó, do yêu cầu về lao động tăng nhanh, nên khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo chưa theo kịp. Điều đó dẫn đến tình trạng tranh giành lao động. Vì vậy, mỗi DN cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trên cơ sở có chính sách hỗ trợ, khuyến khích công nhân nâng cao tay nghề... Bên cạnh đó, nguồn phụ liệu cho may mặc trong nước đã đáp ứng được 80-90% nhu cầu, thì vải - nguồn nguyên liệu chính cho các DN vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, tới 70-80%. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt Hiệp hội DM Việt Nam cùng một số nước trong khu vực đã liên kết nhằm tạo thế mạnh và tận dụng những ưu đãi về thuế nhập khẩu nguyên liệu trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, xu hướng này mới đang thí điểm ở một số DN lớn và cho đến thời điểm hiện nay chưa đánh giá được hiệu quả.
Được biết, từ nay đến năm 2015, các nhà máy, cơ sở dệt nhuộm tại một số thành phố lớn đang được nghiên cứu, quy hoạch, bố trí di dời về địa phương trong vùng vệ tinh nhằm giảm bớt áp lực về thiếu lao động và ô nhiễm môi trường. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành khu công nghiệp nhuộm tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); miền Bắc sẽ tập trung hình thành nhà máy ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương... Đặc biệt, Tập đoàn DM Việt Nam đang xây dựng hai trung tâm nguyên phụ liệu tại TP Hồ Chí Minh và 5 dự án dệt nhuộm trọng điểm tại một số địa phương, trong đó dự án dệt nhuộm Việt Thắng tại TP Hồ Chí Minh sẽ được đầu tư nâng cấp đạt công suất 45 triệu mét vào cuối năm nay. Đến năm 2011, khi nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) đi vào hoạt động, ngành may mặc có thể đáp ứng được 70% nhu cầu về xơ, sợi phục vụ cho sản xuất. Nguồn cung ứng nguyên liệu DM đang tăng trưởng với diện tích trồng bông hết năm nay đạt khoảng 15.600 ha.
Sớm giải quyết những vấn đề nêu trên, hy vọng thời gian tới ngành DM sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, khắc phục tình trạng khan hiếm lao động để phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.