Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngang nhiên tái phạm dù bị đình chỉ

Đỗ Hà| 22/05/2014 06:36

(HNM) - Theo đề nghị của UBND xã Liên Hiệp, kể từ ngày 1-4-2014, Công ty Điện lực Phúc Thọ chính thức cắt điện đối với 12 hộ sản xuất mạ kẽm tại khu Quán Tây (còn gọi là Tây Quán Hạ), xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, ngay sau khi bị cắt điện, một số hộ đã tự

Các xưởng mạ kẽm và gia công cơ khí vẫn hoạt động dù đã bị cắt điện.



Sử dụng đất sai mục đích

Lật lại hồ sơ vụ việc, từ tháng 6-2009, UBND xã Liên Hiệp cho phép 13 hộ gia đình san lấp mặt bằng, tự phân định ranh giới, mốc giới sử dụng đất tại khu Quán Tây với diện tích hơn 3.400m2 (đất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả) khi chưa làm thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được UBND xã đo đạc, lập sơ đồ, xác định vị trí, diện tích đất sử dụng của từng hộ, các hộ đã tập kết vật liệu, xây dựng nhà xưởng. Quá trình các hộ xây dựng, Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ phối hợp với UBND xã Liên Hiệp đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ việc xây dựng trái phép, ra quyết định xử phạt hành chính đối với 12 hộ có hành vi xây dựng nhà xưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và yêu cầu các hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm trên đất công, hành lang bảo vệ đê. Tuy nhiên, không những không chấp hành, trong hai tháng (6 và 7-2011), hầu hết các hộ đã tái phạm và hoàn thiện công trình.

Theo những thông tin chúng tôi thu thập được, sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, các hộ đã sử dụng làm nơi sản xuất mạ kẽm và gia công cơ khí. Điều đáng nói, tất cả các hộ đều không có cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng vẫn sản xuất bình thường? Toàn bộ lượng nước thải từ các xưởng mạ kẽm tại khu Quán Tây không qua xử lý đã xả thẳng ra kênh tiêu của cụm 10, thôn Hạ Hiệp và chảy ra khu Đầm Lươn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của không ít hộ dân cụm 10 (Báo Hànộimới số ra ngày 6-12-2012 đã có bài phản ánh về vấn đề này).

Về mức độ ô nhiễm nguồn nước do các xưởng mạ kẽm gây ra, kết quả phân tích mẫu nước thải tại điểm xả cuối của các hộ do Đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phân tích đầu năm 2013 cho thấy, so với Quy chuẩn Việt Nam 40:2011/BTNMT/B, các hộ xả nước thải sau sản xuất mạ kẽm tại khu Quán Tây, xã Liên Hiệp đều vượt mức cho phép từ 10 lần đến 200 lần.

Kênh tiêu Đầm Lươn bị ô nhiễm nghiêm trọng.



Thách thức dư luận

Trước thực trạng nêu trên, Đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Phúc Thọ và xã Liên Hiệp tăng cường kiểm tra, yêu cầu các hộ đang sử dụng đất tại khu Quán Tây giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không xây dựng công trình mới, tạm dừng sản xuất mạ kẽm và hàng cơ khí để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ gây nên. Thế nhưng, kể từ khi Kết luận số 211/KL-STNMT-TTr ngày 4-2-2013 về việc chấp hành pháp luật đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước của các xưởng mạ kẽm tại xã Liên Hiệp, đến nay một số hộ sản xuất mạ kẽm và gia công cơ khí tại khu Quán Tây vẫn ngang nhiên sản xuất, bất chấp mọi lệnh "đình chỉ" sản xuất của chính quyền.

Trao đổi với ông Đinh Trọng Bổng, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp về vấn đề này được biết, thực hiện kết luận thanh tra, UBND xã Liên Hiệp đã nhiều lần yêu cầu các hộ cam kết không sản xuất mạ kẽm thải độc hại ra môi trường, đồng thời chấp hành chỉ đạo của UBND thành phố và huyện Phúc Thọ về đình chỉ sản xuất của các xưởng sản xuất, tuy nhiên một số hộ cố tình vi phạm. Mới đây, trước đề nghị của UBND xã Liên Hiệp, Công ty Điện lực Phúc Thọ đã cắt điện đối với các hộ cố tình sản xuất mạ kẽm, xả thải gây ô nhiễm môi trường từ ngày 1-4-2014. Tuy nhiên, chỉ sau khi cắt điện vài ngày, một số hộ đã đấu điện của các hộ dân gần đó để sản xuất trở lại.

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới vào ngày 9-5 tại khu Quán Tây, có 3 hộ đang sản xuất gồm hộ ông Đỗ Hoành Tràng, Đinh Thế Đường và Đinh Trọng Nhâm. Để che mắt các cơ quan chức năng, 2/3 hộ ngụy trang bằng cách đóng cửa kín mít, duy chỉ có hộ ông Đường mở cửa để chở nguyên liệu vào xưởng. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề sản xuất mạ và gia công cơ khí nên đi đến đầu khu Quán Tây chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy cắt sắt thép, máy đột, dập… Tại khu vực xả thải của các xưởng này, nhất là khu vực cống ngầm chảy qua đường liên xã Liên Hiệp đi Cát Quế (Hoài Đức) và kênh lộ thiên ở khu Đầm Lươn thuộc cụm 10, thôn Hạ Hiệp, mùi hôi nước thải và hóa chất xộc lên nồng nặc. Nước thải có màu nâu đen, đặc quánh khiến bầu không khí xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cả khu Đầm Lươn (rộng khoảng 4ha) trước đây trồng lúa, rau màu cho năng suất cao nay bỏ hoang vì bị nước thải ô nhiễm tràn vào… Vậy mà khi trao đổi với chúng tôi, vị lãnh đạo xã Liên Hiệp lại khẳng định, tại khu Quán Tây chỉ còn 2-3 hộ sản xuất cơ khí, không còn hộ nào sản xuất mạ kẽm(?).

Việc các hộ tại khu Quán Tây sản xuất trở lại sau khi đã bị cắt điện là hành vi cố tình, thách thức dư luận..., nhưng không hiểu vì lý do gì mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lại không có biện pháp xử lý triệt để?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngang nhiên tái phạm dù bị đình chỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.