Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân xa những tiếng hát yêu đời

Phạm Nga| 10/12/2015 06:54

(HNM) - Yêu và say mê ca hát, từ mười năm trước, những cựu chiến binh và bạn bè đồng niên ở Tổ dân phố 11, phường Sài Đồng, Long Biên đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ Khánh An. Từ khi thành lập, các thành viên trong CLB đã mang lời ca, tiếng hát biểu diễn ở 150 sân khấu,

Vì tình yêu ca hát

Nói với chúng tôi, tất cả thành viên trong CLB Khánh An đều khẳng định: Đến với CLB chỉ vì mê hát quá! Bà Lê Thị Mộc, Chủ nhiệm CLB vui vẻ cho biết, thích hát, say mê nghệ thuật nên nhóm 8 người trong tổ đã cùng ngồi lại hát cho nhau nghe. Lúc đầu hát để thỏa mãn lòng yêu âm nhạc, dần dần tình yêu ấy được nhen nhóm. Năm 2005, những "ca sĩ" của Tổ 11 bàn nhau thành lập một đội văn nghệ với mong muốn một ngày mang tiếng hát của mình vang xa hơn, đến những phường khác, đơn vị khác. Họ mong xoa dịu nỗi đau của các thương binh bằng những ca khúc hát về người lính, mang niềm vui mới đến với những bản làng xa xôi.

Các thành viên trong CLB văn nghệ Khánh An tập luyện chương trình mới.



Những ngày đầu thành lập, 8 thành viên trong đội văn nghệ chẳng có gì ngoài tình yêu âm nhạc. Họ động viên nhau cùng tập luyện, đóng góp tiền để trang trải hoạt động. Mười năm liền, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Phạm Gia Phúc và bà Nguyễn Thị Thông đã trở thành nơi sinh hoạt, tập luyện của CLB. Bà Ngọc sẵn nghề may trong tay, đã tự may trang phục biểu diễn cho các thành viên, ông An thì mày mò sáng tạo đạo cụ, từ bom ba càng đến súng, đàn... Lần đầu biểu diễn, các thành viên CLB đều lo lắng. Họ cất công luyện tập hăng say suốt một tuần, thế mà khi bước lên sân khấu vẫn run run, hồi hộp. Nhớ lại những ngày đầu xây dựng CLB, ai cũng xúc động. Họ không ngờ rằng, mười năm qua đã đi qua hết giấc mơ của mình, làm cho bao tâm hồn thêm đẹp, gây dựng phong trào văn nghệ của địa phương phát triển ngoài mong đợi ban đầu.

Năm 2007, khi đội văn nghệ của Tổ 11 đi biểu diễn tại chùa Cự Linh, phường Thạch Bàn, sư trụ trì Đàm Thủy thấy các thành viên trong đội ai hát cũng hay, cũng say sưa đã dành tặng cho đội cái tên Khánh An. Khánh có nghĩa là tiếng chuông ngân vang, với mong muốn những giọng ca của CLB mãi bay cao, ngân xa cống hiến cho đời. An là bình an sẽ luôn đồng hành với những người giàu lòng đam mê nghệ thuật như các thành viên CLB. Sau những khó khăn gặp phải từ ngày đầu thành lập, CLB Khánh An đã dần lấy được sự tin yêu của công chúng. Đến biểu diễn ở đâu họ cũng để lại trong lòng người dân niềm mến mộ và nhen nhóm ý tưởng thành lập một CLB như thế ở địa phương mình. Đến nay, Khánh An đã đông vui hơn với 18 thành viên. Đa phần trong số họ đều là những người từng khoác áo lính.

Niềm vui cho mọi người

Chúng tôi đến Tổ 11, phường Sài Đồng khi trời vừa sẩm tối, cái lạnh mùa đông miền Bắc thấm vào da thịt. Thế nhưng, tại sân khấu ngoài trời, nơi đang diễn ra chương trình văn nghệ của CLB văn nghệ Khánh An lại là một không khí ấm áp. Dường như từ người lớn đến trẻ nhỏ đều tề tựu về đây, háo hức chờ đợi sự xuất hiện của các thành viên trong CLB. Khi người dẫn chương trình - MC Hồng Dân xuất hiện, tất cả như chìm vào yên lặng nhường cho chất giọng ngọt ngào. Sau lời giới thiệu của bà, đêm hội đã thật sự bắt đầu.

Mở đầu là ca khúc "Bay lên nòi giống tiên rồng", nồng nhiệt, hào sảng, rồi đến tiết mục "Việt Nam gấm hoa" khỏe khoắn, ngân vang... Mỗi ca khúc, khi hào hùng sôi nổi, khi nhẹ nhàng, vui tươi. Những vần thơ của nhà thơ Phan Công Hoạch - một thành viên CLB vang lên ngợi ca quê hương đổi mới. Ai cũng thích thú lắng nghe. Mỗi tiết mục kết thúc, tiếng vỗ tay lại vang lên. Bên cánh gà, khán giả háo hức mang những bông hoa hồng tươi thắm lên sân khấu trao tặng nghệ sĩ biểu diễn. Phía dưới, các ông, các bà và đám thanh niên ngồi xích lại gần nhau hơn, cùng bàn luận về các ca khúc mình yêu thích.

Không chỉ mang lại niềm vui cho những người xung quanh, bản thân các thành viên trong CLB cũng cảm thấy yêu đời hơn. Ông Nguyễn Xuân Khải, nguyên Chi hội trưởng Cựu chiến binh Tổ 11 tâm sự: "Khi tiếng hát cất lên, những kỷ niệm về một thời hào hùng chiến đấu lại dội về trong tâm trí người lính như tôi. Tôi cảm tưởng như CLB hát không chỉ cho những người đang ngồi nghe dưới sân khấu mà còn hát cho những người đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống nơi chiến trường vì cuộc sống ấm no hôm nay. Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng khi được thưởng thức các ca khúc của CLB". Còn bà Nguyễn Thị Dân (MC Hồng Dân) thì ví Khánh An như một sân chơi của người già. Đó là nơi bà và những người bạn của mình được cống hiến, được vui và mang lại niềm vui cho rất nhiều người. Mười năm hoạt động, CLB văn nghệ Khánh An đã đi biểu diễn ở 150 nơi: Từ các doanh nghiệp, các hội nghị, các phường bạn ở Long Biên đến những miền xa xôi của Tổ quốc. Nơi nào CLB đặt chân đến cũng để lại niềm vui và vô vàn tình thương mến.

Ông Phạm Gia Phúc không thể nào quên được những đêm mùa đông lạnh giá khi CLB đến biểu diễn ở xã Trung Mầu, Gia Lâm (Hà Nội). Khi các thành viên CLB hát những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, người xem ai cũng rưng rưng xúc động. Sau mỗi bài hát là tiếng vỗ tay của khán giả. Dù lạnh, rét nhưng ai cũng ấm lòng vì sự nồng nhiệt của nhân dân địa phương. Chương trình kết thúc, người xem ngơ ngác nhìn nhau: "Sao kết thúc nhanh thế!". Rồi họ bê ra một nồi ngô luộc, cả khách và chủ nhà cùng quây quần vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Nhưng có lẽ, xúc động nhất với các thành viên CLB văn nghệ Khánh An là lần về gặp gỡ các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Đêm đó, các thành viên của CLB đã hát rất nhiều ca khúc, hát say sưa. Và tất cả ca sĩ biểu diễn, các thương binh ngồi dưới sân khấu đã cùng òa khóc khi nghe ca khúc "Nỗi nhớ cựu chiến binh". Lời ca đi ra từ đáy lòng của người cựu chiến binh. Những tháng năm không thể nào quên lại dội lên trong tâm trí họ. Hình ảnh những người đồng chí, đồng đội kiên gan, bền lòng quyết tử cho Tổ quốc lại sống dậy, làm động lực cho những người cựu chiến binh thêm yêu đời, để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Nói về CLB Văn nghệ Khánh An của Tổ 11, ông Trần Quang Hưng, Bí thư chi bộ cho rằng: "CLB Văn nghệ Khánh An ra đời là xuất phát từ phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương và tình yêu âm nhạc của mỗi thành viên. Khi CLB biểu diễn đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con. Đây là một mô hình rất đáng khích lệ. Tổ sẽ tiếp tục động viên, góp ý, đề ra các tiêu chí để xây dựng CLB phát triển bền vững hơn nữa".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân xa những tiếng hát yêu đời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.