Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa “chảy máu” ngân sách

Hương Ly| 11/01/2014 07:02

(HNM) - Tại hội thảo nâng cao năng lực quản lý về giá chuyển nhượng (GCN) do Tổng cục Thuế vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực thuế đã nêu nhiều ý kiến nhằm nâng cao năng lực thanh tra, chống


Chống chuyển giá, giảm lỗ

Theo Tổng cục Thuế, qua thanh tra các DN có dấu hiệu rủi ro cao, đặc biệt là những DN có hoạt động giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá, DN thua lỗ nhiều năm liên tục… cơ quan thuế đã phát hiện hàng loạt sai phạm. Qua thanh - kiểm tra 43.654 DN trong năm 2013, tổng số thuế tăng thu lên tới 8.916 tỷ đồng, giảm khấu trừ 628 tỷ đồng, giảm lỗ 7.971 tỷ đồng. Tính riêng giai đoạn từ năm 2008-2012, liên ngành thuế - công an đã khám phá và xử lý hình sự 218 vụ vi phạm pháp luật thuế; xử lý hành chính 10.155 vụ việc vi phạm. Trong 9 tháng đầu năm 2013, đã khám phá và xử lý hành chính 419 vụ vi phạm về thuế, kiến nghị thu nộp NSNN 139,9 tỷ đồng.

Người dân tới nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế Hà Nội).Ảnh: Trần Hải



Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành thuế đã từng bước kiểm soát được hoạt động chuyển giá. Đến nay, cơ quan thuế các cấp đã quản lý 3.188 DN có giao dịch liên kết, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ công tác quản lý thuế đối với những ngành nghề có rủi ro cao về thuế thu nhập doanh nghiệp, như sản xuất sợi, dệt vải, may mặc, giày dép, đồ uống… Qua thanh - kiểm tra đối với 1.223 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá, ngành thuế đã ra quyết định truy thu, xử phạt 481 tỷ đồng và giảm lỗ 1.697 tỷ đồng.

Bà Lê Hồng Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, công tác thanh - kiểm tra thuế theo phương pháp rủi ro bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong thanh tra chống chuyển giá. Tại đây, các chuyên gia thuế của Việt Nam đã giới thiệu Thông tư số 201/2013/TT-BTC, hướng dẫn việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), có hiệu lực từ ngày 5-2-2014. Đây là một trong những văn bản pháp lý được kỳ vọng sẽ siết chặt công tác quản lý thuế và chống thất thu NSNN thông qua GCN. Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng tập trung làm rõ nhiều vấn đề về rà soát mẫu tờ khai, lập hồ sơ GCN; phương pháp tiếp cận pháp lý về chuyển lợi nhuận và thực hiện một số bài tập tình huống đối với ngành rượu, bia, nước giải khát nhằm nghiên cứu cụ thể các tình huống gian lận thuế ở Việt Nam.

Siết chặt quản lý

Đánh giá về công tác thanh tra, chống thất thu NSNN trong lĩnh vực thuế, các chuyên gia tài chính cho rằng, thời gian qua Bộ Tài chính đã tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực này. Đặc biệt, "Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015" với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã nêu rõ những hành động cụ thể mà ngành tài chính sẽ triển khai nhằm hạn chế hành vi gian lận thuế và ngăn ngừa tình trạng "chảy máu" ngân sách. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá đến năm 2015, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ đẩy mạnh một số biện pháp chống chuyển giá, trốn thuế như: Luật hóa và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế thỏa thuận xác định giá trước (APA) giữa cơ quan thuế và DN, nhằm tạo sự chủ động cho DN trong việc lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng CSDL tỷ suất lợi nhuận của các DN độc lập theo từng ngành nghề có rủi ro cao và hệ thống CSDL về giá để phát hiện kịp thời những trường hợp nghi vấn chuyển giá.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, việc khẳng định các DN bị nghi ngờ có vi phạm chính sách chuyển giá, dẫn đến phải điều chỉnh nghĩa vụ thuế phải nộp hay không cần được thực hiện thông qua các cuộc thanh tra về chuyển giá một cách toàn diện, đầy đủ từ cơ quan chức năng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc ban hành các quy định về chuyển giá và xây dựng đồng nhất hệ thống CSDL, quy chế phối kết hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác... phải được xây dựng, phát triển qua rất nhiều năm. Việt Nam cũng không nằm ngoài chu trình này. Theo thông lệ quốc tế, nguồn thông tin trong CSDL phải được công bố, công khai với cả người nộp thuế. Nhưng, trong một số trường hợp, việc vận dụng thông tin so sánh của cơ quan thuế chưa được rõ ràng về nguồn gốc, chưa thuyết phục được DN. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, bên cạnh việc tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng CSDL, cơ quan thuế cần tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế tại các DN được đánh giá là có rủi ro về chuyển giá. Bên cạnh đó, cần có chính sách cứng rắn nhằm truy thu số thuế gian lận, góp phần chống thất thu NSNN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa “chảy máu” ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.