Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn làn sóng văn hóa ngoại lai

Bài, ảnh: Linh Nhi| 18/05/2014 06:27

(HNM) - Quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung đã có những tác động nhất định, làm thay đổi tư duy, lối sống của thanh niên theo hướng hiện đại và chủ động hơn.



Nhưng bên cạnh mặt tích cực, cũng có những vấn đề đặt ra như hiện tượng không ít thanh niên xa rời truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật... Đây là vấn đề "nóng", cần nỗ lực giải quyết với những giải pháp cụ thể...

Giới thiệu các sản phẩm làng nghề tại Festival thanh niên nông thôn.


Tạo đời sống văn hóa lành mạnh

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn nhận định, trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập mạnh mẽ, không ít thanh niên bị tác động bởi văn hóa ngoại lai, lãng quên, thờ ơ đối với lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước. Trước thực trạng đó, Thành đoàn đã có nhiều hoạt động sáng tạo, góp phần xây dựng cho thanh niên ý thức tự rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng sống, giúp các bạn trẻ tiếp thu có chọn lọc văn hóa thế giới, theo kịp thời đại, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống.

Những năm gần đây, Thành đoàn Hà Nội đã cho ra đời nhiều mô hình, CLB, phong trào, hoạt động gắn với nội dung giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, thu hút đông thanh niên tham gia. Cụ thể như chỉ đạo các cấp bộ đoàn cơ sở khối nhà trường tổ chức "hành trình địa chỉ đỏ", đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, 5 cửa ô, Văn Miếu Quốc Tử Giám…, giúp các em hiểu, trân trọng truyền thống lịch sử của đất nước. Đối với thanh niên sinh viên, Thành đoàn thành lập Đội tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long, thu hút hàng nghìn lượt sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, Thành đoàn tổ chức Festival thanh niên nông thôn, 2 năm một lần, tạo sân chơi thiết thực cho thanh niên các vùng ngoại thành, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, giao lưu với du khách, góp phần phát triển làng nghề tại địa phương. Và gần đây nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của thanh niên với các loại hình nghệ thuật, giải trí, Thành đoàn tổ chức Festival nghệ thuật đường phố gồm các nội dung vẽ tranh graffity; thi ban nhóm nhạc đường phố; ảo thuật đường phố; patin nghệ thuật; free style football; vẽ tranh thư pháp và ký họa; handmade - workshop (gấp giấy nghệ thuật, thắt nút dây); đan lát - gốm sứ; góc âm nhạc; góc giải khát - ẩm thực; giấy dó - tranh Đông Hồ… thu hút nhiều bạn trẻ, vừa thể hiện tài năng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vừa tiếp thu các bộ môn giải trí lành mạnh.

Nguyễn Hữu Hiếu - sinh viên Trường ĐH Văn hóa, đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long cho biết, tham gia đội hình này, Hiếu và các bạn trẻ được giao lưu với du khách trong và ngoài nước, vừa góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô và cả nước đến du khách, đồng thời nâng cao kiến thức, rèn luyện trình độ giao tiếp ứng xử... Qua đó, các bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu, tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy với quyết tâm cao nhất...

Cần sự tiếp sức

Tại nhiều cuộc họp bàn, tọa đàm, hội thảo về vấn đề thanh niên với việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều cán bộ đoàn nhận định, một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã không còn phù hợp với sở thích của tuổi trẻ. Điều này khiến giới trẻ và sinh viên tìm đến những loại hình văn hóa, nghệ thuật du nhập từ nước ngoài. Với bản lĩnh, ý thức còn chưa chín chắn của học sinh, sinh viên thì việc bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục rất dễ xảy ra.

Bí thư Đoàn xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Hoàng Anh Minh cho rằng, thanh niên vốn có tinh thần dân tộc, yêu nước nồng nàn, cũng như rất mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Nhưng họ đang thiếu sự dẫn dắt và bị cuốn vào làn sóng văn hóa ngoại lai. Do đó, cần có sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền cùng với Đoàn thanh niên, tạo điều kiện để các bạn trẻ có sân chơi lành mạnh và được định hướng đúng về nhu cầu văn hóa, nghệ thuật. Bùi Văn Thanh - sinh viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hằng năm, Đoàn trường cùng các đơn vị chức năng vẫn tổ chức các cuộc thi, các chương trình giao lưu âm nhạc, trong đó, những tiết mục liên quan văn hóa dân tộc luôn là lựa chọn và ưu tiên hàng đầu. Nhưng do khó khăn về kinh phí tổ chức, những hoạt động bổ ích cũng bị hạn chế, thiếu hấp dẫn...

Thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi, việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thanh niên cần có cơ chế cụ thể để các cơ quan chức năng, nhà trường phối hợp với tổ chức Đoàn cùng thực hiện. Đây phải được coi là nhiệm vụ quan trọng như sự nghiệp trồng người, vì những tác động tiêu cực từ văn hóa "độc", thiếu sự kiểm soát, chọn lọc, có thể khiến thanh niên đánh mất mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn làn sóng văn hóa ngoại lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.