(HNM) - Để hệ thống ngân hàng phát triển mạnh, ngoài việc thực hiện sáp nhập các ngân hàng nhỏ, các tổ chức tín dụng cần thu hút được nguồn từ nước ngoài. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mới được Nghị viện châu Âu phê chuẩn được cho là sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng nước ta kêu gọi thêm nguồn vốn ngoại.
Trước khi Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, đã có nhiều thương vụ mua bán đáng chú ý giữa ngân hàng trong nước và nhà đầu tư ngoại. Đó là thương vụ bán vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho đối tác là KEB Hana Bank (ngân hàng của Hàn Quốc). Theo đó, BIDV bán 15% cổ phần, tương đương 603,3 triệu cổ phiếu, với giá bình quân 33.640 đồng/cổ phiếu, trị giá tổng cộng 20.285 tỷ đồng, tức xấp xỉ 900 triệu USD cho KEB Hana Bank.
Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bán thành công hơn 16,6 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho Bank (ngân hàng của Nhật Bản) và hơn 94,4 triệu cổ phần, tương đương 2,55% cổ phần cho GIC Private Limited (Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore). Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ hơn cũng đang tìm kiếm, hợp tác với các ngân hàng ngoại.
Theo Hiệp định EVFTA, giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có các cam kết, ưu đãi về thương mại, dịch vụ và đầu tư. Đáng chú ý, đối với dịch vụ ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo thuận lợi trong việc cho phép các tổ chức tín dụng của EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Thỏa thuận trên được tiến hành tự nguyện giữa các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam và các tổ chức tín dụng của châu Âu, nhưng không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Công thương Việt Nam (VietinBank), Vietcombank, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Tại báo cáo nghiên cứu “Ngành Ngân hàng với cơ hội từ EVFTA” do Công ty Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS) vừa công bố, đến nay, đối với các ngân hàng châu Âu, thị trường Việt Nam tỏ ra hấp dẫn hơn so với các ngân hàng châu Á, một phần liên quan đến đặc điểm địa lý. Hiện nay, chỉ có 3 ngân hàng từ EU (Ngân hàng BNP Paribas - trụ sở chính ở Pháp; Ngân hàng BPCE IOM - Pháp; Deutsche Bank AG - Đức) có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam trong khi chưa có ngân hàng 100% vốn từ EU đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Trên thực tế, các ngân hàng EU đều có thế mạnh về quy mô, kinh nghiệm cũng như chuẩn mực quản trị cao. Vì vậy, việc lựa chọn đối tác phải dựa trên các tiêu chí nhằm bảo đảm được lợi nhuận đầu tư, kiểm soát rủi ro hiệu quả, nâng cao hình ảnh của tổ chức, đặc biệt đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong khâu quản trị vận hành. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhìn nhận, với mức độ nới room lên 49% và chỉ ở 2 ngân hàng cổ phần thì quy định trong EVFTA có tác động đến dòng vốn vào lĩnh vực ngân hàng nhưng không quá nhiều; trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần sẽ là những đơn vị được hưởng lợi từ quy định mới này.
Đánh giá về tác động của Hiệp định EVFTA với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho rằng, EVFTA chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và EU tham gia nhiều hơn vào thị trường lẫn nhau. Các ngân hàng EU tham gia vào thị trường Việt Nam dự báo sẽ mạnh hơn trong những năm tới, đặc biệt là các ngân hàng kỹ thuật số vốn là thế mạnh của ngân hàng EU. Từ đó, người tiêu dùng trong nước sẽ được thụ hưởng những dịch vụ tiên tiến, chất lượng hơn.
Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn ngoại phụ thuộc nhiều vào chính các ngân hàng, nhất là về chiến lược kinh doanh, cơ cấu nguồn vốn, tài sản, khả năng sinh lời bởi rất khó để nhà đầu tư bỏ vốn ra mua cổ phần của một ngân hàng khi thấy tài sản không rõ ràng, chưa minh bạch về thông tin, hệ số an toàn vốn thấp, không có chiến lược kinh doanh cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.