Nếu trước đây chỉ có ít ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, thì hiện nay hầu hết các ngân hàng đều ưu tiên cho lĩnh vực này. Với việc đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn từ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã tập trung nguồn vốn để cho vay, đơn giản thủ tục, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.
Hỗ trợ tài chính cho người dân ở vùng khó khăn
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mô hình ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản của 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới đa số người dân trên phạm vi cả nước, kể cả người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có hơn 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Từ nguồn vốn vay, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch...
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn... Theo quy định mới, các hộ gia đình vùng khó khăn được vay tối đa là 100 triệu đồng/người với lãi suất là 9%/năm. Trước đó, Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg quy định mức vay tối đa cho các hộ gia đình là 30 triệu đồng với mức lãi suất 0,9%/tháng (10,8%/năm). Như vậy, mức vay tối đa của hộ gia đình được tăng thêm 70 triệu đồng, lãi suất giảm 1,8%/năm.
Lãi suất ưu đãi với nông nghiệp nông thôn
Hầu hết các ngân hàng đều có sản phẩm cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với lãi suất ưu đãi. Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, đến hết tháng 6-2023, dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng. Agribank giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư cho khu vực "Tam nông" chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ, lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn.
Trong 6 tháng đầu năm, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Agribank cũng cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; hỗ trợ lãi suất 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, ngân hàng cung cấp tín dụng tín chấp cho trên 3 triệu hộ nông dân.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng có những chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất kịp thời phục vụ các ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao…
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng dành 20.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực xanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm. Theo đó, từ nay đến hết 31-12-2023, khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 8%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Các khách hàng cá nhân được ưu đãi khi vay vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng một trong các điều kiện về chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tốt trong nước hoặc quốc tế (VIETGAHP, VIETGAP, GLOBALGAP, BAP) hoặc có chứng chỉ tiêu chuẩn chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong nước hoặc quốc tế (VIETGAP, GLOBALGAP, ISO 22000, HACCP, GMP, SQF)…
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay. Đồng vốn ngân hàng sẽ đồng hành cùng mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là cần thiết. Đây là nguồn lực giúp cho nông dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vì vậy, để thúc đẩy tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.